Nghệ nhân Ưu tú Đinh Công Bôn đã dành một căn phòng đặc biệt để lưu giữ những nhạc cụ, hiện vật văn hóa người H’rê như chiêng, trống, nồi đồng, rổ rá, dụng cụ săn bắt, đàn sáo…với hơn 100 nhạc cụ, hiện vật.

Từ xa xưa, trong các lễ hội truyền thống, người H’rê thường dùng lời ca tiếng hát, điệu múa, tiếng cồng, chiêng, tiếng đàn… để truyền tải tình cảm, tinh thần người H’rê. Là một người con H’rê, ông Bôn am hiểu về các loại nhạc cụ, văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. “Trước những biến động thời gian, hoàn cảnh sống, thời đại, một số loại nhạc cụ truyền thống đang mất dần trong đời sống tinh thần của người H’rê nơi đây”, ông nói.
Từ năm 2012, ông Bôn đã đi khắp các địa phương ở huyện Sơn Hà để tìm tòi, khôi phục các loại nhạc cụ của dân tộc mình nhưng số lượng nhạc cụ trong dân còn rất ít. “Người giữ nhạc cụ thường là những cụ già lớn tuổi, khi họ qua đời thì chẳng còn người kế thừa. Tôi lo rằng nếu như không sưu tầm sớm thì con cháu sau này chẳng ai còn biết gì về bản sắc văn hóa H’rê”, ông Bôn trăn trở.
Các loại nhạc cụ người H’rê rất đa dạng, phong phú và được chế tác từ các loại chất liệu của núi rừng như cây nứa, cây tre, quả bầu khô,… gần gũi với đời sống của người H’rê. Ông Bôn chia sẻ: “Thời xưa, người dân đi làm rẫy trên núi rất xa bản, làng và thường phải ở lại trên đó vài ngày mới về nhà. Ở nơi làm, họ tìm cách để giải trí và họ nghĩ ra cách chế tạo các loại nhạc cụ”.
Người lớn, người già thì cắt ống tre làm thành chinh kala để nhớ lại tiếng chiêng ở nhà, trẻ chăn trâu thì cắt ống sậy làm thành chinh ống sậy. Họ còn dùng vỏ bầu khô, ống nứa làm các loại đàn như B’rooc, Krâu (Crâu),… Các loại đàn này chỉ dùng tre, nứa hoặc lồ ô thẳng xuyên qua vỏ bầu khô rỗng ruột. Đàn có 9 phím, 2 dây, vỏ quả bầu vừa đẹp lại vừa để tỳ tay…

Người giữ gìn nhạc cụ đã ít thì người biết làm ra nhạc cụ lại càng ít hơn. Ông Bôn kể, ở Sơn Hà có Nghệ nhân Nhân dân Đinh Ngọc Su (xã Sơn Thượng), người có công khôi phục nhạc cụ Tà Vỗ. Ông Su được ví như người H’rê “vắt đất ra nhạc”.
Tà Vỗ là loại nhạc cụ nhìn tuy đơn giản nhưng rất khó làm, chất liệu từ đất sét, nhào nhuyễn, nắn thành hình quả cau. Ông Bôn cho biết: “Ông Su đã dùng cây nhọn để khoét rỗng ruột, khoét thêm 1 lỗ để thổi, 1 lỗ thông hơi, 3 lỗ điều chỉnh âm thanh cao thấp, vậy mà Tà Vỗ phát ra âm thanh thật trong veo, vang vọng như tiếng rừng, tiếng suối chảy. Tôi may mắn được ông Su tặng 1 cái Tà Vỗ khi biết tôi sưu tầm nhạc cụ”.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống H’rê, ông Bôn thường xuyên đi truyền dạy nhạc cụ đến từng bản, làng. Ông mời các cụ già biết về nhạc cụ trong làng cùng tham gia, lúc này, người dân tập trung lại cùng nghe các cụ đánh chiêng, thổi sáo… Ông Bôn cũng đến các trường học trên địa bàn huyện Sơn Hà để trưng bày nhạc cụ dân tộc.
Ông Bôn chia sẻ: “Tôi mong muốn các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội cùng chung tay bảo tồn các nhạc cụ truyền thống không bị mai một thông qua sưu tầm, truyền dạy, từ đó phát huy bản sắc văn hóa truyền thống H’rê”.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguoi-nghe-nhan-cat-cong-suu-tam-nhac-cu-hre-post795272.html
Bình luận (0)