Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người thương binh trở thành tỷ phú từ nghề đá

Trở về từ chiến tranh với thương tật 61%, ông Nguyễn Cảnh Hưng đã biến những phiến đá vô tri thành tác phẩm non bộ giá trị, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo.

Báo Quân đội Nhân dânBáo Quân đội Nhân dân16/04/2025


Thương binh làm giàu từ đá

Sinh năm 1937 tại xã Liêm Cần (Thanh Liêm, Hà Nam), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 12 tuổi ông Nguyễn Cảnh Hưng đã ra Hà Nội mưu sinh, từng bị giặc Pháp bắt đi phu trước khi hòa bình lập lại.

Năm 1959, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông bị thương nặng, mất chân trái và một ngón tay, trở thành thương binh 2/4 với tỷ lệ thương tật 61%.

Xuất ngũ, ông về công tác tại Ty Thực phẩm Nam Hà. Sau nghỉ hưu, ông tiếp tục trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn phải chật vật để nuôi 6 người con ăn học. Ông bảo nỗi nhức nhối này còn hành hạ ông hơn cả những vết thương trên cơ thể khi trái gió trở trời.

Những giây phút thảnh thơi, an dưỡng tuổi già của thương binh Nguyễn Cảnh Hưng. 

Trong những năm tháng vất vả mưu sinh, ký ức về thiên nhiên Trường Sơn đã gieo vào lòng ông Hưng ý tưởng táo bạo. Ngày ấy, giữa bom đạn, ông tranh thủ sưu tầm đá đẹp, giỏ phong lan treo bên hầm hào hay gùi theo ba lô. Thiên nhiên trở thành chốn bình yên giữa chiến tranh, ông tin rằng khi đời sống khá hơn, con người sẽ tìm đến thú chơi tao nhã. Từ đó, con đường làm giàu với đá và cây cảnh bắt đầu mở ra với ông.

Thuở mới khởi nghiệp, người thương binh với một bàn chân giả và một ngón tay thiếu hụt lặng lẽ đạp chiếc xe cũ kỹ, băng qua những con đường gập ghềnh để đến vùng núi Kim Bảng (Hà Nam), miệt mài kiếm tìm từng phiến đá, từng gốc cây. Những năm 90 của thế kỷ trước, ý tưởng làm giàu từ đá cảnh của ông từng bị xem là “gã khùng”.

Ký ức về những lần vấp ngã, những khoảnh khắc đầy gian truân vẫn hằn sâu trong tâm trí ông Hưng. Ông nhớ lại: “Một lần trên chuyến đò ngang, đường trơn trượt, sức khỏe lại suy yếu, tôi mất thăng bằng, cả người, cả xe và những tảng đá tôi chở theo đổ ập xuống bờ. Chưa kịp định thần, khi gắng gượng đứng dậy, tôi lại loạng choạng, cả người và xe lại lao xuống dòng sông lạnh buốt giữa chiều cuối năm”.


Một lần khác, khi đạp xe lên chợ để bán cây cảnh, gió ngược thổi mạnh, xe tuột xích khiến ông ngã xuống đường. Cú ngã quá mạnh làm chiếc chân giả văng ra. Ông cố gắng vùng dậy nhưng sức kiệt, đành bất lực ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ mới có người đi qua giúp nhặt lại và lắp chân giả vào.

“Có những lúc tôi đã bật khóc. Nhưng rồi tôi tự nhủ, ngày trước, giữa mưa bom bão đạn còn không khuất phục, thì nay cũng không thể buông xuôi. Tôi nghĩ về đồng đội, về những năm tháng chiến đấu để có thêm sức mạnh bước tiếp”, ông Hưng bộc bạch.

Trong những dòng nhật ký ghi lại thuở những dấu chân in vết khắp núi rừng từ Hà Nam, Hòa Bình cho đến tận Thanh Hóa, ông viết: “Vào rừng nghe tiếng chim hót “bắt - cô - trói - cột”, tôi lại ngẫm rằng ấy là tiếng chim động viên tôi “khó - khăn - khắc - phục”. Tiếng chim thôi thúc tôi chân lành, chân giả leo lên từng dãy núi cao, vượt qua từng mỏm đá để mang về những tảng đá, giò phong lan, những cây gỗ lũa ưng ý”.

Người vợ tào khang Hoàng Thị Khang của ông tự hào rằng: “Ngày ấy, chồng tôi đi bằng ý chí, bằng quyết tâm sắt đá chứ không phải đi bằng đôi chân nữa”.

 

Tất cả những thế núi, những dáng cây đều được sáng tạo nhờ trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo của ông Hưng.

Sau khi mang được đá và cây về, người thương binh Nguyễn Cảnh Hưng miệt mài nghiên cứu từng dáng núi, thế cây để thổi hồn vào từng tác phẩm. Theo ông Hưng, một khối đá dù đẹp cũng cần sắp đặt hài hòa mới có hồn. Ông cho biết thêm, non bộ có giá trị nghệ thuật không chỉ nhờ sự phối hợp giữa đá và cây mà còn cần bố cục tinh tế.

Do là tổ nghề của vùng nên tất cả những thế núi, những dáng cây, ông Hưng đều tự sáng tạo ra. Cảm hứng sáng tạo của ông có thể từ phong cảnh quê hương, từ hình dáng của những đám mây bay lướt qua mà ông nhìn thấy hay từ ký ức về núi rừng Trường Sơn nơi ông từng chiến đấu (như thế núi Nhị Sơn, Tam Sơn, Ngũ Hành Sơn, Phụ Tử…). Ông bảo trong mỗi hòn đá, mỗi gốc cây trong tác phẩm non bộ đều mang dáng vẻ thiên nhiên và câu chuyện tuổi trẻ của ông tại chiến trường.

Nhờ sự chỉn chu và khả năng “thổi hồn vào đá”, tên tuổi ông nhanh chóng lan xa. Năm 1999, ông trở thành người đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu non bộ ra thế giới, đưa hàng chục container đá cảnh đến Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc); Đức, Hàn Quốc; Australia... mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Từ thương binh hạng 2/4 với 2 bàn tay trắng, ông đã vượt lên hoàn cảnh trở thành “ông tổ” nghề chế tác hòn non bộ tại một vùng quê chiêm trũng của tỉnh Hà Nam.

“Trái tim còn đập còn xây cuộc đời”

Khi đã có trong tay thành công, ông Hưng không quên những người cùng quê hương, những đồng đội, chiến hữu năm xưa. Ông mở rộng cơ sở, truyền nghề cho nhiều gia đình cựu chiến binh, giúp họ làm giàu trên chính quê hương. Nhẩm tính một lúc, ông cho biết cũng phải đến hơn 100 gia đình trong vùng được ông truyền nghề.

 

Hằng năm, ông dành hàng trăm triệu đồng ủng hộ quỹ khuyến học, giúp đỡ đồng bào bão lũ, nạn nhân chất độc da cam. Ông cũng dành ra hàng trăm cây cảnh, bể non bộ để trùng tu nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng đài tưởng niệm có giá trị lên tới hàng tỷ đồng.

Ở tuổi gần 90 an dưỡng tuổi già, nhưng chỉ mới 2 năm trước, ông vẫn đương nhiệm là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Trước đó, ông cũng từng đảm nhiệm các chức vụ như Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam và Ủy viên BCH Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam.

Trong căn phòng khách nhỏ của ông treo kín 2 vách tường tới vài chục tấm bằng khen từ cấp Trung ương tới cơ sở. Đặc biệt, tháng 5-2006, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, cùng bằng khen “Thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi” từ Thủ tướng Chính phủ. Ông đã sống và cống hiến hết mình giống như câu thơ mà người bạn chiến đấu đã tặng ông thuở nào: “Mặc dù chân mất còn tay/ Trái tim còn đập còn xây cuộc đời”.

 

Những tấm bằng khen và huy chương của ông Hưng được treo khắp 2 gian tường phòng khách.

Ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần cho biết: “Là người gắn bó với địa phương, tôi có cơ hội chứng kiến những đóng góp to lớn của ông Nguyễn Cảnh Hưng trong suốt quá trình hoạt động của mình. Ông không chỉ đi đầu trong việc phát triển kinh tế mà còn luôn sẵn lòng chung tay xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các phong trào khuyến học, giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông Hưng là người hiền lành, tận tâm và luôn đặt trách nhiệm với cộng đồng lên hàng đầu. Với những cống hiến đó, mỗi năm khi xét khen thưởng, chúng tôi luôn đề xuất để ông được vinh danh xứng đáng".

Anh Nguyễn Ngọc Huân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Liêm Cần cũng là một trong những người tiếp nối nghề chế tác đá cảnh từ ông Hưng. “Tôi vô cùng khâm phục nghị lực và tâm huyết của bác Hưng. Bác không chỉ vượt lên hoàn cảnh để làm giàu trên chính quê hương mình, mà còn giúp đỡ nhiều người có công ăn việc làm, góp phần phát triển làng nghề. Bác Hưng cũng luôn định hướng, dìu dắt thế hệ trẻ chúng tôi để nâng tầm nghề truyền thống. Tôi học được ở bác nhiều điều quý báu, từ sự trung thực, thẳng thắn đến tinh thần cống hiến. Bản thân tôi sẽ cố gắng rèn luyện, học tập để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp", anh Huân chia sẻ.

Bài, ảnh: PHẠM THỨ


    Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-thuong-binh-tro-thanh-ty-phu-tu-nghe-da-823887


    Bình luận (0)

    No data
    No data

    Cùng chủ đề

    Cùng chuyên mục

    Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
    Chênh vênh Sa Mù
    Hồn Việt
    Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

    Cùng tác giả

    Di sản

    Nhân vật

    Doanh nghiệp

    No videos available

    Thời sự

    Hệ thống Chính trị

    Địa phương

    Sản phẩm