Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguy cơ từ khoan giếng tự phát

- Nắng hạn kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân ở nhiều địa phương trở nên rất khó khăn. Để có nước sử dụng, nhiều hộ dân đã tự ý khoan giếng khai thác nước ngầm. Đây là giải pháp tình thế nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang25/04/2025

Gia đình anh Đ.N.T, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) vừa thuê thợ khoan giếng hy vọng chủ động được nguồn nước để phục vụ sản xuất. Anh Đ.N.T. cho biết: Gia đình anh làm cây cảnh, nguồn nước tưới dưỡng cho cây hàng ngày rất lớn, nước máy không thể đáp ứng đủ. Vậy nên anh phải thuê máy về để khoan. Theo lời anh T, mặc dù dùng máy khoan, khoan xuống lòng đất ở độ sâu gần 100 m nhưng cũng không tìm thấy nguồn nước nên cả anh và thợ máy đành bỏ cuộc.

Cùng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, tại xã Thái Long, tình trạng người dân tự ý khoan giếng vẫn để tìm kiếm nguồn nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày diễn ra từ nhiều năm nay. Thống kê sơ bộ, thôn Hòa Bình có 200 hộ, đến 70 hộ khoan giếng. Đồng chí Nguyễn Phú Viễn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết: Nếu 1 hộ khoan giếng, chỉ thời gian ngắn, hộ kế cận có giếng đào sẽ cạn kiệt nước. Không có nước sinh hoạt, các hộ lại thuê khoan.

Giếng khoan xuất hiện ngày một nhiều tại thôn Hòa Bình, xã Thái Long (TP Tuyên Quang).

Cứ như vậy số lượng hộ khoan giếng ngày một nhiều. Không phải mũi khoan nào khoan xuống lòng đất cũng tìm thấy ngay mạch nước, nhiều hộ phải khoan 2 - 3 vị trí mới có nước. Những mũi khoan không tìm được mạch nước gần như không được trám lấp cẩn thận tạo ra những lỗ hổng nguy cơ các chất thải trên bề mặt đất tràn xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, đó là chưa kể đến việc gây sụt lún đất.

Không riêng tại thành phố Tuyên Quang, tại các xã vùng hạ huyện Sơn Dương, số lượng các hộ dân thuê khoan giếng lần tìm nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất ngày một nhiều. Theo ông D.V.B. - chủ máy khoan tại xã Trường Sinh (Sơn Dương) thời điểm mùa khô này, thợ khoan của ông không có ngày nghỉ. Ông D. chia sẻ thêm: Biến đổi khí hậu, mực nước ở các con sông, suối xuống thấp cũng kéo theo mạch nước ngầm hạ nên việc dò tìm nguồn nước cũng rất vất vả. Nhiều gia đình, thợ phải khoan vài ba mũi mới tìm được nguồn nước vất vả cho thợ, tốn kém cho gia chủ.

Đồng chí Vũ Việt Hưng, Trưởng phòng Địa chất, khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Việc khoan giếng không theo quy hoạch sẽ gây ra tình trạng suy giảm nghiêm trọng mực nước ngầm, gây ra tình trạng sụt lún đất ở một số khu vực. Các giếng khoan tự phát thường không đảm bảo về kỹ thuật, không có hệ thống bảo vệ đúng tiêu chuẩn, tạo điều kiện cho các chất thải sinh hoạt, chất thải sản xuất và các chất ô nhiễm khác dễ dàng xâm nhập vào nguồn nước ngầm.

Việc khai thác nước ngầm không theo quy hoạch có thể gây ảnh hưởng đến áp lực và lưu lượng nước của các hệ thống cấp nước tập trung, gây khó khăn cho những hộ dân đang sử dụng nguồn nước này. Khi nguồn nước ngầm trở nên khan hiếm, nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa những người sử dụng là hoàn toàn có thể xảy ra, gây mất trật tự xã hội.

Chấn chỉnh tình trạng khoan giếng tự phát, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản phối hợp tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương phải quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn; đặc biệt là hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất, hoạt động khai thác nước thuộc trường hợp phải có giấy phép theo quy định, quản lý chặt chẽ vùng hạn chế khai thác nước dưới đất những biện pháp quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác nước ngầm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của tài nguyên nước ngầm và những hệ lụy của việc khai thác nước trái phép.

Đồng chí Nguyễn Phú Viễn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Bảo vệ nguồn nước ngầm, hạn chế những nguy cơ sụt lún, ô nhiễm xảy ra từ việc khoan giếng tràn lan hiện nay, tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt là ở những vùng khó khăn về nguồn nước, tiếp cận các nguồn nước sạch hợp vệ sinh thông qua các chương trình cấp nước tập trung.

Tình trạng nắng hạn có thể chỉ là tạm thời, nhưng những hậu quả của việc khai thác nước ngầm một cách thiếu kiểm soát có thể kéo dài và gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống của người dân trong tương lai. Việc hành động kịp thời và hiệu quả là vô cùng cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này cho hôm nay và mai sau.       

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/nguy-co-tu-khoan-gieng-tu-phat-210689.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm