Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguyên hiệu trưởng và bí mật cầm "cả khối tài sản" vào Nam sau thống nhất

(Dân trí) - Đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau thống nhất với đủ sự mới mẻ và lạ lẫm, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng khi đang là một sinh viên vừa tốt nghiệp mang trong mình "cả khối tài sản" và lòng nhiệt huyết...

Báo Dân tríBáo Dân trí28/04/2025


PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM là một trong hàng ngàn tri thức được điều động vào giảng dạy, xây dựng miền Nam sau năm 1975.

Nguyên hiệu trưởng và bí mật cầm cả khối tài sản vào Nam sau thống nhất - 1

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (Ảnh: Hoài Nam).

Giữa những ngày tháng tư kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Kim Hồng về hành trình Nam tiến của ông trong giai đoạn thăng trầm của lịch sử. 

Thưa ông, gần 50 năm về trước, sau khi đất nước thống nhất, chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Nguyễn Kim Hồng nhận được thông báo về việc điều động vào miền Nam như thế nào?

- Ngày đó, chúng tôi ra trường sẽ được phân công nhiệm vụ. Có người ở lại Hà Nội, có người về quê và nhiều người được điều động vào giảng dạy, xây dựng miền Nam sau thống nhất.

Sau khi tốt nghiệp, tôi vừa đi xem thi ở Vinh quay ra thì nhận được thông báo phân công vào công tác tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Bạn bè tôi, người đi Cần Thơ, người đi Thủ Dầu Một…

Nguyên hiệu trưởng và bí mật cầm cả khối tài sản vào Nam sau thống nhất - 2

Thầy giáo trẻ Nguyễn Kim Hồng khi vừa vào TPHCM (Ảnh: NVCC).

Tôi lên đường trong hòa bình và thống nhất. Là một người trẻ chứng kiến chiến tranh, tôi sợ chiến tranh lắm. Gia đình tôi có người thân chết trong hầm trú ẩn. Tang thương và đau đớn lắm!

Tôi nhận lệnh lên đường đúng mùa bão lũ, không đặt được vé tàu, nếu vào trễ trường học trong Nam sẽ không tiếp nhận. Thế là tôi và một số bạn học đi cùng năm đó "chơi lớn", đặt vé máy bay vào TPHCM.

Chúng tôi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 7/10/1978.

Đặt chân xuống sân bay, Sài Gòn hiện lên trước mắt chàng sinh viên vừa tốt nghiệp là... 

- Một cảm giác rất lạ! Quá nhiều điều lạ lẫm và mới mẻ. Tôi ấn tượng nhất là nhà cửa ở đây san sát, sầm uất lắm.

Khi vừa vào, tôi được các anh chị vào trước mời đến dùng cơm. Phải nói là một bữa tiệc linh đình tôi nhớ mãi đến giờ. Bát cơm dẻo ngon ơi là ngon, thịt cá tươi rói… Qua bữa ăn đó, tôi đã cảm nhận được thế nào là miền Nam gạo trắng nước trong mà tôi được học trong sách vở. 

Điều tôi vô cùng ngạc nhiên là nữ sinh ở đây mặc áo dài đến trường và học trò xưng "con" với thầy cô. Các em rất lễ phép và đặc biệt học sinh ở đây tự nhiên, thoải mái gần gũi với giáo viên chứ không có khoảng cách hay sợ sệt thầy cô.

Hành trang đến với TPHCM của chàng thanh niên năm ấy?

Bố mẹ tôi bán chiếc xe đạp tôi đi lâu nay và vét thêm tiền trong nhà được 800 đồng đưa cho hết cho tôi làm lộ phí, phòng thân khi vào miền Nam. Tiền lương của tôi lúc đó là 85% của 64 đồng thì bạn sẽ hình dung 800 đồng lớn như thế nào, là cả một khối tài sản. Số tiền lúc ấy có thể mua được một căn hộ chung cư rộng rãi giữa Sài Gòn. 

Tiền vé máy bay hết 120 đồng, sau được trường hoàn lại 35 đồng, tôi còn cho một người bạn vay 300 đồng, số tiền còn lại dần dần tiêu hết… Sau này người bạn trả lại cũng lúc nhà nước đổi tiền nên giá trị chẳng còn là bao.

Vào là tôi đi dạy liền, tôi chỉ hơn sinh viên 4-5 tuổi thôi. Những bài giảng đầu tiên của tôi chưa phải là những bài giảng thật sự tốt về chuyên môn nhưng trong đó là tất cả những nhiệt huyết và khát khao cống hiến của tuổi trẻ. 

Nguyên hiệu trưởng và bí mật cầm cả khối tài sản vào Nam sau thống nhất - 3

Ông Nguyễn Kim Hồng cùng bạn bè hồi trẻ (Ảnh: NVCC).

Còn những khó khăn và thuận lợi của ông cũng như của giới trí thức được điều động từ Bắc vào giảng dạy, xây dựng niềm Nam sau thống nhất?

- Các đồng nghiệp người Nam Bộ giúp đỡ người từ miền Bắc vào như tôi rất tận tình, họ không ngại sẻ chia về vật chất, chuyên môn… Chúng tôi vào đây được cấp nhà công vụ rộng rãi, đầy đủ công trình phụ.

Tuy nhiên, cũng có những khó khăn chung của thời bao cấp. Mỗi tuần, chỉ được ăn thịt một lần theo phân phối, chúng tôi thường xuyên phải ăn hạt bo bo (hạt ý dĩ). 

Lần đó, đi dạy ở Cà Mau, tôi dùng toàn bộ số tiền mời giảng và lương để mua gạo thơm và nếp bỏ vào vali mang về. Đi về giữa đường thì bị quản lý thị trường kiểm tra và giữ lại vì họ tưởng tôi đi buôn. Khi biết tôi là thầy giáo, thêm cảnh tôi kể khổ "ăn bo bo ngán lắm rồi", thế là được cho qua…

Giai đoạn đầu khi mới vào, không có bàn làm việc, tôi nằm luôn giữa nhà để soạn bài, viết sách giáo trình.

Tôi viết khi tôi tìm hiểu và biết giáo dục miền Nam trước năm 1975, các giáo sư dạy phổ thông đã tự viết sách, tự thiết kế bài giảng, họ dạy theo cá thể hóa theo từng nhóm đối tượng. Đây là điều mãi sau này giáo dục chúng ta mới bắt đầu thực hiện…

Điều ông tiếc nuối nhất trên hành trình Nam tiến của mình?

- Tôi và nhiều bạn bè của tôi đều nói rằng mình thật may mắn khi được sinh sống và làm việc ở miền Nam. Mọi người nhiệt tình, sống không dòm ngó ai, không soi mói vào chuyện đời tư, không ganh đua hình thức, không câu nệ.

Tôi sống và làm việc cảm thấy rất thoải mái. Tôi làm Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng bao nhiêu năm, phòng làm việc của tôi không bao giờ có rèm, cửa luôn mở. Lao công hay bất cứ ai muốn vào gặp hiệu trưởng, cứ vào.

Nguyên hiệu trưởng và bí mật cầm cả khối tài sản vào Nam sau thống nhất - 4

Ông Nguyễn Kim Hồng cùng bạn bè cùng học cao học hồi trẻ (Ảnh: NVCC).

Ở chỗ tôi ở khi đó, chăm chỉ, chịu khó thì không nghèo được. Lại thêm cuộc sống không ganh đua hình thức nên dường như con người rất dễ hài lòng. Đến tận năm 37 tuổi, tôi mới học xong tiến sĩ trong khi lẽ ra có thể làm sớm hơn, để làm được nhiều việc hơn nữa.

Thứ tôi và nhiều người cùng thế hệ với tôi ở miền Bắc chuyển vào thấy tiếc nuối là hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ để nâng cao trình độ của mình. Miền Nam dạy ngoại ngữ rất tốt nhưng chúng tôi từ Bắc vào thiếu tư duy về ngôn ngữ, về phát triển ngoại ngữ. Nếu có tư duy tốt về ngôn ngữ, chúng tôi đã có thể làm tốt hơn. 

Từng là quản lý trường đào tạo về sư phạm lớn nhất phía Nam trong giai đoạn đổi mới đất nước, điều ông trăn trở về giáo dục?

- Bắt đầu từ những năm 1990, chúng ta mới bắt đầu thoát dần khỏi giáo dục hàn lâm, nặng về lý thuyết. Tôi nhớ năm 1997, có một hội nghị ở Nha Trang mới đặt ra vấn đề về tư duy đổi mới về giáo dục đại học, trong đó có lĩnh vực sư phạm.

.Khoảng 15 năm trước, một giáo sư Hoa Kỳ nói với tôi rằng các bạn làm rất nhiều thứ nhưng thứ cần nhất là nghiên cứu về tâm lý sư phạm lứa tuổi học đường một cách chi tiết độ tuổi này trẻ em phát triển ra sao, độ tuổi kia thì thế nào lại không có.

Tôi đi hỏi những người làm về lĩnh vực tâm lý, thấy đúng là chúng ta chưa làm được điều này. Với tôi chưa có những công trình, nghiên cứu quy mô về tâm lý sư phạm lứa tuổi học đường chính là thiếu hụt lớn trong giáo dục.

Để nói về sự khác biệt giữa giáo dục trước đây và hiện nay, ông nhắc đến hình ảnh nào?

Nguyên hiệu trưởng và bí mật cầm cả khối tài sản vào Nam sau thống nhất - 5

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cùng những cuốn giáo trình được viết sau ngày thống nhất (Ảnh: Hoài Nam).

- Là hình ảnh chiếc thước. Thời đi học, tôi chứng kiến thầy giáo yêu cầu bạn tôi đặt tay lên bàn rồi dùng thước đánh cho bầm cả tay nhưng bây giờ, giáo dục không thể hành xử như vậy.

Giáo dục hiện nay và trước đây khác nhau nhiều lắm rồi. Công nghệ, AI đã thay đổi mọi thứ, việc học giờ đây không khép kín trong một phòng học. Không gian và thời gian học ở nhà trường hiện đại khác hẳn với không gian và thời gian học của nhà trường cũ. Mục tiêu của giáo dục sau cùng phải là việc học sinh giải quyết được vấn đề gì cho cuộc sống.  

Trước đây lớp học khép kín, ở đó thầy là "vua" thì giờ việc học phải ở chỗ học trò biết xây dựng quá trình tự học của mình, tự tìm kiếm kiến thức, biến kiến thức tiếp nhận từ người khác thành của mình…

Trước những thay đổi đó, ông định vị về vai trò của người thầy ngày nay như thế nào?

- Thứ nhất, nếu người thầy nào giờ đây còn tự hào "tôi giỏi hơn học trò" thì với tôi, người đó không bình thường. 30-40 năm trở lại đây, người thầy đã không còn là trung tâm của giáo dục và bây giờ lại càng không.

Lượng kiến thức giờ đây khổng lồ, không ai có thể tự tin mình nắm được hết. Trẻ em giờ đây có thể hỏi về những điều trước đây được cho là cấm kỵ, hỏi cả những điều mà người thầy không biết. Người thầy giờ đây phải dạy trò sự sáng tạo và khơi dạy ở trẻ em sự sáng tạo, sự tìm tòi. Thiếu khả năng sáng tạo thì con người không còn là con người.

Nguyên hiệu trưởng và bí mật cầm cả khối tài sản vào Nam sau thống nhất - 6

Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng người thầy giờ đây không phải dạy trẻ kiến thức mà phải dạy trẻ sự sáng tạo, tự tin (Ảnh: Hoài Nam).

Vấn đề thứ 2, tôi rất trăn trở việc trẻ em Việt Nam chúng ta còn thiếu tự tin, lúc nào cũng rúm ró. Một đứa trẻ có tự tin chúng có thể làm tất cả mọi việc, một đứa trẻ tự tin chúng sẽ không lo sợ. Người thầy phải dạy và trao cho đứa trẻ sự tự tin.

Việc sau cùng phải làm là dạy đạo đức, dạy tính người cho mọi đứa trẻ. Nếu giáo dục không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức thì những điều ác trong cuộc sống không mất đi mà càng ngày sẽ càng nhiều hơn.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nguyen-hieu-truong-va-bi-mat-cam-ca-khoi-tai-san-vao-nam-sau-thong-nhat-20250427165938714.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Ngắm Su-30MK2 bay vút qua bầu trời TP.HCM
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm