Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhân vật nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh : Ký giả đa tài, đa tình

Sau khi tờ Tiếng Dội bị đóng cửa (mời bạn đọc xem lại Báo Thanh Niên số ra ngày 2.7), mỗi khi nhận làm tờ báo mới nào, ký giả Trần Tấn Quốc cũng đặt ra các điều kiện như được nắm bút quyền, giữ nguyên ê kíp Tiếng Dội cũ và dành một trang cho chuyên mục sân khấu - kịch trường.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên04/07/2025

Gác bút… nghỉ xả hơi

Đầu năm 1955, Trần Tấn Quốc tiếp tục làm tờ Lẽ Sống với nguyên bộ biên tập của Tiếng Dội. Khi Lẽ Sống bị chủ báo đòi lại thì ông làm tờ Công Nhân. Được gần 2 năm thì tờ Công Nhân cũng bị lấy lại tiếp.

Nhân vật nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh : Ký giả đa tài, đa tình- Ảnh 1.

Ký giả Trần Tấn Quốc

Năm 1958, trong lúc thất nghiệp cùng ê kíp thì Trần Tấn Quốc được chủ nhiệm Tam Mộc giao tờ Buổi Sáng cho khai thác. Cuối tháng 2.1961, tờ Buổi Sáng đang phát triển mạnh, số lượng in mỗi ngày từ 23.000 - 24.000 tờ thì ông Quốc bất ngờ tuyên bố gác bút. Lý do là về quê nghỉ xả hơi sau nhiều năm vất vả với nghề. Tuy nhiên, dư luận lúc bấy giờ lại rộ lên tin đồn khác.

Theo báo chí Sài Gòn xưa, đầu năm 1961, sau khi xuất hiện lần cuối trong vở tuồng Nửa đời hương phấn trên sân khấu đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thì cô đào Thanh Loan, người tình thứ 5 của ông Quốc, vắng bóng. Lúc đầu, người ta tưởng cô tạm nghỉ hát về quê nhà ở Sa Đéc, nhưng chờ hoài không thấy cô trở lại, rồi bất ngờ xuất hiện trên Đài phát thanh Giải Phóng.

Chuyện kể rằng sau khi nghe tin đó, bà Bầu Thơ của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga tá hỏa nhưng không dám hé lộ với ai. Bà muốn gặp ông Quốc để hỏi thăm sự tình nhưng cũng không dám vì có thể bị vạ lây. Người ta nhớ lại trước đó vài năm, ký giả Trần Tấn Quốc từng tâm sự với nghệ sĩ Phùng Há và Năm Châu, rằng ông và cô đào Thanh Loan đã "đường ai nấy đi". Và khi tin đồn bị xì ra cũng là lúc ông Quốc tuyên bố gác bút về quê nhà an dưỡng.

Sự kiện đó xảy ra giữa lúc xét chọn giải Thanh Tâm 1960. Bị phản ứng vì 2 nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu và Bích Sơn được đề cử nhưng chờ hoài mà chưa thấy công bố. Bấy giờ, ký giả Hoài Ngọc đành phải nói thật là lần này ông Quốc giải nghệ luôn, không trở lại Sài Gòn, đồng thời đưa ra tờ giấy ủy quyền cho ông điều hành giải Thanh Tâm. Nhưng một số nghệ sĩ lão thành như Phùng Há, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Duy Lân… vẫn không đồng ý.

Nhân vật nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh : Ký giả đa tài, đa tình- Ảnh 2.

Con đường mang tên Trần Tấn Quốc ở Cao Lãnh, Đồng Tháp

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Khủng hoảng giải Thanh Tâm

Trong lúc lâm vào bế tắc, một buổi chiều, nghệ sĩ Năm Châu đang dạy ở Trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn thì giáo sư Nguyễn Phụng (Giám đốc trường) cho biết ông Ngô Trọng Hiếu ở Phủ tổng ủy công dân vụ vừa cho mời hai ông tới gặp.

Khi tới nơi, ông Hiếu hỏi về giải Thanh Tâm. Năm Châu đành kể chuyện Trần Tấn Quốc có thú đam mê làm báo và yêu thích cải lương. Bởi vậy khi làm tờ báo nào ông cũng mở trang sân khấu - kịch trường. Nhưng từ khi tờ Tiếng Dội bị đóng cửa, ông Quốc đã liên tục làm chủ nhiệm hết tờ này đến tờ khác và tờ sau cùng là Buổi Sáng, thì xảy ra chuyện cô vợ Thanh Loan vào chiến khu. Vì cảm thấy khó tiếp tục hành nghề nên ông Quốc đành gác bút, nhưng nói là về quê an dưỡng.

Vậy là sau khi ông Quốc rời Sài Gòn được 6 ngày, Tỉnh trưởng Kiến Phong nhận được công điện hỏa tốc từ Phủ tổng thống, lệnh phải tìm cho được ký giả Trần Tấn Quốc và mời về Sài Gòn gặp Tổng thống Ngô Đình Diệm gấp. Thế là ông phải trở lại Sài Gòn. Sau này ông kể lại rằng, trong thời gian một tháng ông được tổng thống mời tới Dinh Độc Lập 4 lần. Nội dung chủ yếu là để thăm dò ý kiến về các vấn đề quốc kế dân sinh với tư cách một ký giả.

Tháng 5.1961, ông Quốc trở lại làng báo Sài Gòn với tờ Tiếng Dội Miền Nam. Sau biến cố 1.11.1963 thì đổi tên là Dân Quyền. Đến tháng 7.1965 thì tờ Dân Quyền bị đình bản. Tờ báo sau cùng ông làm chủ nhiệm là Đuốc Nhà Nam, số đầu tiên ra ngày 2.7.1968 với phương châm: Toàn Việt, Hưng Việt, Bảo Việt. Phản đối sắc luật 007 của chế độ VNCH, tháng 9.1972 Đuốc Nhà Nam tự ý đình bản. Sau đó, Trần Tấn Quốc xuất hiện trên các tờ Điện Tín (với bút danh Hồng Sơn Đông) và Tia Sáng (Nguyễn Trung Thành).

Nhân vật nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh : Ký giả đa tài, đa tình- Ảnh 3.

Tết Canh Tý 1960, hình nghệ sĩ Thanh Loan (hình cuối, bên phải) vẫn còn trên tờ quảng cáo của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga

ẢNH:HOÀNG PHƯƠNG

Một ký giả đa tình

Theo hồi ký Trần Tấn Quốc, trong đời ông trải qua 6 cuộc tình. Người đầu tiên là Xuân Hoa, con gái của giám thị đề lao Côn Đảo, lúc đó ông mới 17 tuổi và đang là tù nhân. Cuộc tình sớm kết thúc khi cha cô Xuân Hoa thuyên chuyển về đất liền. Cuộc tình thứ 2 là với cô Bảy Tới, cũng chấm dứt khi thân mẫu cô này dứt khoát: "Nó là thằng tù chánh trị ngoài đảo mới về, lại làm nghề viết nhựt trình. Má ghét mấy thằng viết báo dữ lắm".

Người tình thứ 3 của ông Quốc là cô Ba Liên, chủ một tiệm vải ở chợ Thái Bình, Sài Gòn. Người tiếp theo là cô Bảy Tuất, má của nghệ sĩ Kiều Mai Lý. Người thứ 5 là cô đào Thanh Loan, sống với ông Quốc 10 năm, trước khi vào chiến khu, và người sau cùng là cô Thu Tâm, nhỏ hơn ông Quốc 19 tuổi. Khi ông làm chủ nhiệm tờ Tiếng Dội vào năm 1952, bấy giờ cô Thu Tâm 19 tuổi, cùng quê Cao Lãnh, vào làm thơ ký cho tới năm 1962 thì làm vợ ông. Cô Thu Tâm cũng sống với ông Quốc trong 10 năm rồi ra đi trước ông, vào năm 1972.

Nhân vật nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh : Ký giả đa tài, đa tình- Ảnh 4.

Cô đào Thanh Loan, người vợ thứ 5 của ông Quốc

ẢNH: TƯ LIỆU

Sau 1975, ông Quốc cải táng, đưa vợ từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi về mảnh đất quê nhà bên cạnh sông Đình Trung, Cao Lãnh. Khi ông Quốc mất, cũng yên nghỉ tại đây. Năm 2017, Báo Thanh Niên có đưa tin vụ tranh chấp liên quan đến khu đất nơi có mộ ông Quốc và vợ. Nhưng mới đây, khi trở lại nơi này hỏi thăm thì chẳng ai biết. Có người nói mộ ông đã được người con nuôi cải táng đi nơi khác nhưng không biết ở đâu. Nơi đó bây giờ chỉ còn lại con đường mang tên Trần Tấn Quốc. (còn tiếp) 

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhan-vat-noi-tieng-nam-ky-luc-tinh-ky-gia-da-tai-da-tinh-185250704224411742.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm