Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata chuyên sản xuất nến thơm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. |
Đồng Nai hiện có 45 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài đang gấp rút hoàn thành xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền sản xuất để sớm đi vào hoạt động. Phần lớn các nhà máy trong các KCN là sản xuất hàng hóa để xuất khẩu.
Kết nối các nguồn lực và doanh nghiệp
Tỉnh Đồng Nai (cũ) có lợi thế về phát triển KCN lâu đời và tốp đầu cả nước, hạ tầng giao thông, logistics, có số lượng DN lớn, trong khi tỉnh Bình Phước (cũ) có quỹ đất rộng mở sẽ là lợi thế để quy hoạch phát triển hướng tới tương lai. Do đó, thời gian tới, khi các dự án giao thông quan trọng như đường cao tốc, sân bay phát huy được hiệu quả, đồng thời các tuyến giao thông kết nối giữa 2 khu vực của tỉnh Đồng Nai mới triển khai nhanh chóng sẽ giúp kết nối vùng mạnh mẽ hơn, tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa, thúc đẩy thương mại và xuất khẩu.
Để tiếp tục phát triển thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, nhiệm vụ đột phá của ngành công thương trong năm 2025 là tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại ra nước ngoài để mở rộng thị trường, khuyến khích DN ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới...
Dù căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn diễn ra nhưng 6 tháng đầu năm nay, Đồng Nai (cũ) vẫn xuất khẩu gần 16 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 3-5 DN trên địa bàn tỉnh hoàn thành xây dựng nhà máy và vận hành sản xuất, hàng hóa đa số xuất khẩu qua các nước. Theo các DN, tỉnh Đồng Nai mới giúp cho liên kết sản xuất, xuất khẩu thuận lợi hơn.
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Liên đoàn DN Đồng Nai, Giám đốc Công ty CP Thông Quan, cho biết việc hợp nhất giữa 2 tỉnh sẽ là cơ hội mới cho cộng đồng DN. Các DN Đồng Nai trước nay đã có mối liên kết, hợp tác làm ăn với DN của tỉnh Bình Phước (cũ), sau hợp nhất về một tỉnh thì cơ hội ngày càng rộng mở hơn. Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng kỳ vọng 2 tỉnh hợp nhất sẽ rất thuận lợi về mặt quản lý nhà nước, công tác thuế, chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn... Đồng thời, hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện, logistics vận chuyển hàng hóa giữa 2 khu vực thuận lợi sẽ giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, khai thác tốt hơn nguồn lực của cả 2 khu vực.
Đại diện một số tập đoàn nước ngoài lớn đã đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Hyosung, Formosa, Lixil, Schaeffler, Meggitt… cho biết, sản xuất, xuất khẩu sản phẩm của các nhà máy tại Đồng Nai vẫn khá tốt. Các tập đoàn đang tiếp tục nâng công suất để đáp ứng các đơn hàng của đối tác nước ngoài.
Mở rộng xuất khẩu và tăng xuất siêu
Hàng chục năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu cả nước về xuất khẩu. Tỉnh đi đầu trong cả nước về xuất siêu, năm 2014 là năm đầu tiên Đồng Nai xuất siêu 500 triệu USD, cả nước năm 2016 mới xuất siêu. Qua mỗi năm, xuất siêu của tỉnh đều tăng cao, chiếm
20-30% xuất siêu của cả nước. Có được kết quả trên là do nhiều năm trước tỉnh đã có chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những dự án công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu.
Tương tự, với tỉnh Bình Phước (cũ) tuy quy mô kinh tế nhỏ hơn và giá trị xuất khẩu thấp hơn nhưng cũng đã gia tăng nhanh chóng. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD nên xuất siêu của tỉnh đạt 1,7 tỷ USD.
Việc hợp nhất giữa 2 địa phương tạo ra quy mô kinh tế lớn, giá trị xuất khẩu cao và thặng dư thương mại của Đồng Nai mới tiếp tục ở nhóm đầu cả nước. Dự kiến năm 2025, xuất siêu của Đồng Nai có thể vượt 8 tỷ USD.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, sau hợp nhất, tỉnh kỳ vọng mỗi người dân, DN sẽ là một “đại sứ” cho sự hợp tác và phát triển. Cơ hội của địa phương cũng như DN là rộng mở, do đó cần phải cùng nhau nắm bắt những cơ hội mới từ việc sáp nhập, tạo nên động lực mới; điều đó sẽ tạo thành chất xúc tác mạnh mẽ nhất để biến tiềm năng dồi dào của tỉnh thành hiện thực.
Hiện nay, Đồng Nai có giao thương với khoảng 180 quốc gia. Thế nhưng, thị trường xuất khẩu chính vẫn là: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Trung Quốc. Các quốc gia khác kim ngạch xuất khẩu còn ít. Từ đầu năm đến nay, các DN đang gấp rút mở rộng, đa dạng thị trường xuất khẩu để tránh quá lệ thuộc vào một số thị trường lớn.
Khánh Minh - Vương Thế
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/nhieu-co-hoi-mo-rong-xuat-khau-va-tang-xuat-sieu-c884f6f/
Bình luận (0)