Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) là doanh nghiệp đa ngành: khai thác - chế biến khoáng sản, đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác cảng biển và dịch vụ logistics, chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi… Nửa đầu năm 2025, doanh nghiệp hoạt động với những thuận lợi, khó khăn đan xen.
Ông Nguyễn Anh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Mitraco Hà Tĩnh cho biết: "Ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi ghi nhận mức tăng trưởng khá khi các đơn vị thành viên thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giá lợn hơi thương phẩm duy trì ở mức cao; lĩnh vực cảng biển cũng tăng sản lượng hàng qua cảng do đã đưa vào vận hành bến 3 cảng Vũng Áng, mở ra đường hướng phát triển mới cho lĩnh vực dịch vụ logistics.

Tuy vậy, doanh nghiệp cũng đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt ở lĩnh vực khai thác khoáng sản do ảnh hưởng các chính sách thuế phí tăng cao từ nước bạn Lào, hạ tầng giao thông Việt – Lào xuống cấp ảnh hưởng lớn tới công tác vận chuyển… Tổng Công ty đã nỗ lực tận dụng những thuận lợi, chủ động triển khai các giải pháp để khắc phục khó khăn nên kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh đạt khá, doanh thu 6 tháng đầu năm trên 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động với mức lương bình quân 10,2 triệu đồng/người/tháng".
Mục tiêu 6 tháng cuối năm của Mitraco Hà Tĩnh là đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng. Tổng Công ty sẽ tiếp tục chỉ đạo các công ty con triển khai nghiêm túc các giải pháp đã xây dựng, đưa ngành chăn nuôi phát triển trên cơ sở đầu tư mũi nhọn vào đàn nái, gia tăng con giống chất lượng cao cho thị trường và giảm dần đàn lợn thịt. Đồng thời, tăng cường gỡ khó cho hoạt động khai thác khoáng sản thạch cao tại Lào, tập trung nguồn lực mở thêm mỏ thạch cao mới tại bản Tưng (tỉnh Khăm Muồn, Lào), tiếp tục thăm dò khai thác tận thu tại các mỏ titan trong tỉnh. Ở lĩnh vực logistics cảng biển, Mitraco Hà Tĩnh tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng trung tâm logistics Vũng Áng Mitraco với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; phấn đấu phối hợp với đối tác đưa tuyến vận tải bằng container vào cảng Vũng Áng trong tháng 8/2025 vừa nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, vừa góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics Hà Tĩnh.
6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất xơ, sợi dệt, may mặc Hà Tĩnh “thắng lớn” khi tỷ trọng xuất khẩu không ngừng gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu của xơ, sợi dệt các loại đạt khoảng 6,79 triệu USD, tăng 112,85% so với cùng kỳ năm 2024; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt khoảng 27,26 triệu USD, tăng 119,85% so với cùng kỳ.

Theo chị Nguyễn Thị Luận – cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (CCN Nam Hồng): Các hiệp định thương mại tự do với EU, Mỹ và các nước trong CPTPP đã mở rộng cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam, giúp ngành dệt may tăng trưởng bằng cách giảm thuế quan, mở rộng thị trường xuất khẩu và thuận lợi trong trao đổi hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, tăng kim ngạch xuất khẩu. Mặt hàng chủ lực của công ty là găng tay thể thao, găng tay bảo hộ lao động với sản lượng khoảng 500.000 sản phẩm/tháng. Sản phẩm của công ty đã có mặt tại các thị trường chủ lực như: Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Singapore… Điều phấn khởi là hiện nay Haivina đã ký kết đơn hàng đến tháng 12/2025 và đang nỗ lực hoàn thiện mục tiêu hơn 6 triệu sản phẩm trong năm nay.
6 tháng qua, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh) duy trì vận hành 2 tổ máy phát điện ổn định, an toàn, đóng góp quan trọng vào chỉ số tăng trưởng ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Sản lượng điện thương phẩm của nhà máy đạt 3,689 tỷ kWh, doanh thu khoảng 6.826 tỷ đồng.

Theo ông Trần Hữu Đường – Phó trưởng phòng Kế hoạch – vật tư (Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh), công ty tiếp tục phối hợp đảm bảo sẵn sàng huy động tối đa công suất; chủ động phương án cung cấp than ổn định nhằm đảm bảo vận hành các tổ máy an toàn, liên tục. Cùng đó, tận dụng triệt để điều kiện thuận lợi về nhu cầu phụ tải, thời tiết, khí hậu, thực hiện chào giá linh hoạt nhằm gia tăng lợi nhuận, sản lượng, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu quý 3 là sản xuất 1,247 tỷ kWh, doanh thu khoảng 2.280 tỷ đồng.
Một tín hiệu vui là 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp xây lắp tại Hà Tĩnh ghi nhận mức tăng trưởng tích cực do đảm nhiệm nhiều công trình, dự án trọng điểm trong và ngoài tỉnh. Cùng đó, các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh triển khai hiệu quả đã góp phần giúp doanh nghiệp xây lắp nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, gia tăng nguồn thu. Trong đó phải kể đến các đơn vị như: Công ty CP Tập đoàn Thành Huy, Công ty TNHH Xây dựng Khánh Môn, Công ty TNHH Như Nam, Công ty CP Xây dựng và thương mại dịch vụ 555...
Theo ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh: Nửa đầu năm 2025, nền kinh tế ghi nhận sự phục hồi, phát triển, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt khó, chủ động, linh hoạt trong phương án sản xuất – kinh doanh nên nhìn chung hoạt động đã có sự khởi sắc, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh trên các mặt hàng như: thép, phôi thép, chè, xơ, sợi dệt, may mặc… đã chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới bằng việc đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến, tự động hóa cao, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế và “mềm mỏng” trong chiến lược marketing. Với những kết quả nổi bật, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh trong 6 tháng đầu năm.

Cũng theo ông Lê Đức Thắng, triển khai nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh nửa cuối năm 2025, doanh nghiệp Hà Tĩnh dự báo sẽ đối mặt khó khăn từ chiến tranh quân sự, chiến tranh thương mại trên thế giới… Các doanh nghiệp phải tiếp tục nỗ lực, phát huy thế mạnh, khai thác tối đa các cơ hội và không ngừng đổi mới toàn diện để sớm đạt mục tiêu đề ra. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cấp, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, các chính sách về đất đai, thuế… nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động.
Từ quý III/2025, chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành là giải pháp tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực quản lý, tối ưu nguồn lực và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Việc bỏ trung gian cấp huyện sẽ rút ngắn một bước trong quy trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi và là động lực để doanh nghiệp Hà Tĩnh hiện thực hóa chiến lược sản xuất – kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: https://baohatinh.vn/nhieu-doanh-nghiep-thang-lon-tu-tin-chinh-phuc-muc-tieu-moi-post291093.html
Bình luận (0)