Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp huyện trước thời điểm giải thể, cấp xã mới vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong khi đội ngũ làm công tác quản lý khoáng sản của sở, ngành vừa thiếu vừa mỏng nên tình trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua có chiều hướng gia tăng. Trong đó, một số vụ việc vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng.
Tràn lan vi phạm
Đầu tháng 5/2025, từ phản ánh của quần chúng nhân dân, Phòng Nông nghiệp Môi trường thị xã Hồng Lĩnh (cũ) phối hợp với Sở Nông nghiệp Môi trường tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra khu vực khai thác khoáng sản đang trong quá trình phục hồi, cải tạo môi trường tại phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh và xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (cũ) thì phát hiện doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nhiều công trình vi phạm, trái phép.
Theo đó, tại vị trí này với diện tích 3,68ha được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1280/GP-UBND ngày 14/4/2015 để khai thác mỏ đá xây dựng cho Công ty CP Tập đoàn công nghiệp VN1. Quá trình khai thác, do có nhiều vi phạm nên ngày 26/8/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2000/QĐ-UBND thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp; đồng thời ngày 10/4/2024 địa phương này cũng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ.
Tại các quyết định này, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện cải tạo sườn tầng, ghép đá tạo mương thoát nước đáy moong khai thác, tạo mặt bằng để trồng cây phục hồi môi trường... các phần việc này phải hoàn thành trong thời gian 6 tháng. Ngày 5/11/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định đóng cửa mỏ để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và giao đất cho địa phương quản lý.
Tuy nhiên, thay vì trả lại đất theo quy định, Công ty CP Tập đoàn công nghiệp VN1 đã tự ý lén lút xây dựng một số công trình như nhà, chòi tạm, nhiều cột điện chiếu sáng, hệ thống đường nội bộ… trên đất không đúng với quyết định phê duyệt đề án đóng của mỏ. Ngoài ra, trên phần diện tích đất gần 12.000m2 thuê thời hạn 50 năm sử dụng vào mục đích xây dựng cơ sở chế biến đá và sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty CP Tập đoàn công nghiệp VN1 cũng đã xây dựng và đang vận hành một trạm trộn bê tông khi chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép.
Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Hồng Lĩnh và phường Đậu Liêu (cũ) đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động các công trình. Đến nay, những vi phạm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Cũng trong thời gian này, lợi dụng nhu cầu sử dụng vật liệu cát để phục vụ thi công xây dựng trên địa bàn các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ rất lớn, trong khi nguồn cung khan hiếm nên nhiều cá nhân và tổ chức đã nhìn thấy “lỗ hổng” trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh nên đã biến địa bàn này thành nơi để khai thác, vận chuyển, tiêu thụ vật liệu xây dựng thông thường trái phép nhằm trục lợi bất chính.
Theo đó, để cung cấp cát san lấp cho Dự án Eco Central Park tại phường Trường Vinh, tỉnh Nghệ An do Công ty CP Tổng công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào chủ đầu tư, các nhà thầu ký kết các hợp đồng thi công các hạng mục san nền cho dự án gồm Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng 68 Quảng Bình (trụ sở tại tỉnh Quảng Trị) và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Quảng Ninh JSC (trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh) đã cấu kết với một số đối tượng ở Nghệ An để mua cát trôi nổi, không có hóa đơn hợp pháp.
Để có khối lượng cát san lấp bán cho các nhà thầu, các đối tượng đã thuê các tàu khai thác trái phép trên khu vực sông Lam thuộc địa phận 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Khối lượng cát trôi nổi được khai thác và tập kết tại 2 vị trí gồm khu vực mỏ khai thác cát và khu vực bãi tập kết cát tại xã Đức Quang và phường Bắc Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh trước khi được vận chuyển đến Dự án Eco Central Park tại tỉnh Nghệ An để sap lấp. Bằng thủ đoạn này, trong thời gian từ tháng 8/2024 đến tháng 3/2025, các đối tượng đã xuất bán nhiều hóa đơn GTGT khống, thu lợi bất chính số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Sự việc chỉ bị phát hiện khi vào ngày 23/3, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa (Cục CSGT) phát hiện, phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ 5 phương tiện đang thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển, bơm cát tại các vị trí nói trên. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 3 đối tượng liên quan về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Siết chặt quản lý trong khai thác
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, liên quan công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, do trên địa bàn Hà Tĩnh đang cùng lúc triển khai nhiều dự án lớn như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng và các dự án đầu tư trong Khu Kinh tế Vũng Áng, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (VSIP Hà Tĩnh giai đoạn 1)... nên nguồn cung về vật liệu san lấp và vật liệu xây dựng thông thường tăng cao.
Mặc dù Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tập trung, chủ động xử lý theo thẩm quyền, nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có giải pháp thực hiện hiệu quả, nhất là thời điểm triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đặc biệt, việc khoanh định khu vực có tiềm năng đất san lấp, rà soát khu vực đồi núi thấp có tiềm năng đất san lấp để đưa vào khai thác tạo quỹ đất thu hút đầu tư, các địa phương còn để xảy ra tồn tại trong quản lý đất đai khu vực mỏ đã thu hồi, bàn giao về địa phương.
Cũng trong thời gian qua, khi đội ngũ chuyên trách lĩnh vực quản lý khoáng sản của cấp huyện đã giải thể, cấp xã vừa mới đi vào hoạt động trong khi phòng Khoáng sản thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh hiện nay đang chưa có trưởng phòng phụ trách, quân số chỉ có 4 người nên việc quản lý hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến vi phạm tràn lan trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Trong đó, các vi phạm nổi lên là doanh nghiệp khai thác vượt công suất so với công suất được phép khai thác hàng năm và so với quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp; vi phạm về vệ sinh an toàn lao động và vệ sinh môi trường; khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án để phục vụ xây dựng dự án đó nhưng không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác; vi phạm trong hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; sai phạm trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ... Trong đó, một số vụ việc nghiêm trọng đã phải chuyển hồ sơ vụ việc tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh để xử lý theo quy định.
Trong thời gian tới, để lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung rà soát phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó trước mắt tập trung xử lý hồ sơ trúng đấu giá của Công ty TNHH VSIP Hà Tĩnh và xử lý nguồn vật liệu san lấp cho các dự án lớn như Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng và các dự án đầu tư trong Khu Kinh tế Vũng Áng, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường mới kịp thời tiếp nhận các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định sau khi chính quyền cấp xã, phường đã đi vào hoạt động. Thực hiện ngay việc rà soát, phân công nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường trong việc thực hiện khảo sát, khoanh định khu vực có tiềm năng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đưa vào khai thác để tạo quỹ đất thu hút đầu tư.
Chính quyền cấp xã, phường tăng cường công tác quản lý đối với các khu vực mỏ khoáng sản đã kết thúc khai thác, đóng cửa mỏ, bàn giao cho địa phương quản lý; đồng thời tập trung khắc phục tồn tại liên quan đến công tác đóng cửa mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND các xã, phường liên quan chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp chậm trễ phối hợp thực hiện.
Nguồn: https://baolangson.vn/nhieu-lo-hong-trong-quan-ly-khai-thac-khoang-san-5053127.html
Bình luận (0)