Đằng sau làn sóng ấy không chỉ là nỗ lực của từng cá nhân thiết kế, mà còn là sự hình thành của các cộng đồng chuyên môn như Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam TP.Hà Nội.
Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Hương Beful, Chủ tịch Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam TP.Hà Nội, để lý giải trào lưu này từ góc nhìn nội ngành.
Nhà thiết kế Hương Beful trong tà áo dài
ẢNH: NVCC
Chị đánh giá như thế nào về hiện tượng "trỗi dậy" của Việt phục trong vài năm gần đây, đó là trào lưu nhất thời hay tín hiệu cho một chuyển động văn hóa bền vững?
Tôi cho rằng đây là một chuyển động mang tính bền vững. Khi giới trẻ bắt đầu tìm đến áo dài, yếm, áo tấc… như một phần của "phong cách sống" chứ không chỉ trong dịp lễ hội, nghĩa là Việt phục đang tái định vị vai trò trong đời sống hiện đại. Tín hiệu rõ nhất là sự lên ngôi của các bộ sưu tập mang cảm hứng truyền thống tại tuần lễ thời trang, sự hiện diện dày đặc của Việt phục trong MV âm nhạc, và cả cách các nhà thiết kế trẻ chủ động tích hợp yếu tố dân tộc vào phom dáng hiện đại. Điều này không đến từ phong trào ngắn hạn, mà phản ánh nhu cầu tìm về bản sắc dân tộc trong thời đại quá tải thông tin.
Trình diễn Việt phục tại Hoàng thành Thăng Long
ẢNH: VIỆT PHỤC HOÀNG THÀNH
Vậy rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc đưa Việt phục trở thành một dòng thời trang phổ biến là gì?
Nhiều người vẫn nhìn Việt phục - đặc biệt là áo dài - như một biểu tượng quá khứ, một thứ để "trưng bày" chứ không phải để "sống cùng". Điều này khiến các thiết kế truyền thống bị bó hẹp trong không gian nghi lễ, sân khấu. Chúng tôi từng khảo sát, và thấy rằng nhiều người yêu áo dài nhưng lại không biết mặc sao cho phù hợp với công việc thường ngày.
Giải pháp không nằm ở việc "cách tân bằng mọi giá", mà là sự ứng dụng thông minh: dùng chất liệu thân thiện, giảm chi tiết rườm rà, kết hợp kỹ thuật hiện đại mà vẫn giữ hồn cốt văn hóa. Khi sự tiện dụng gặp đúng cảm xúc văn hóa, Việt phục sẽ tự nhiên trở thành lựa chọn mỗi ngày.
Trình diễn Việt phục tại Huế
ẢNH: CỔ TRANG HOÀNG CUNG
Trong vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam TP.Hà Nội, chị nhìn nhận vai trò của các tổ chức cộng đồng như thế nào trong tiến trình này?
Thực ra, sự phát triển bền vững của một trào lưu văn hóa không thể dựa vào một cá nhân, dù là nhà thiết kế lớn đến đâu, mà phải có sự hình thành của cộng đồng chuyên môn có tổ chức. Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam TP.Hà Nội là một nỗ lực như vậy.
Việt phục ở Quốc tử giám (Hà Nội)
ẢNH: ĐỒNG CREATIVE
Chúng tôi có gần 100 thành viên, gồm nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa, doanh nhân… với chung một mục tiêu: kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh Việt phục. Tại đây, các thành viên không chỉ tổ chức chương trình giao lưu trong nước và quốc tế, mà còn thực hành và truyền cảm hứng bằng chính câu chuyện sống của mình - mặc áo dài đi làm, đi chơi, trình diễn, giảng dạy…
Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam TP.Hà Nội trở thành không gian để thử nghiệm các ý tưởng như: "Áo dài cho giới trẻ học đường", "Áo dài kết hợp chất liệu tái chế", hay "Việt phục và công nghệ 3D scan". Khi có đủ nền tảng sáng tạo và hệ sinh thái hỗ trợ, Việt phục mới có thể thoát khỏi định kiến "chỉ dành cho sân khấu".
Xin cảm ơn chị.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhu-cau-tim-ve-ban-sac-dan-toc-18525071222492133.htm
Bình luận (0)