Tháng 6 vừa qua, Trường THPT Lê Chân (phường Đông Triều) đã hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch của Sở GD&ĐT. Theo ghi nhận, nhà trường hiện có 22 phòng học chính, đảm bảo phục vụ cho 22 lớp học; đồng thời được đầu tư 8 phòng chức năng hiện đại, phục vụ các môn: Tin học, Vật lý - Công nghệ, Hóa học, Sinh học...
Đội ngũ nhà giáo tại trường hiện có 50 viên chức và 5 hợp đồng lao động. 100% cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định, trong đó có 18 người đạt trình độ trên chuẩn. Với nền tảng cơ sở vật chất đồng bộ và đội ngũ giáo viên chất lượng, Trường THPT Lê Chân đang chờ kết quả công nhận lại danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia, khẳng định vị thế một trong những đơn vị giáo dục công lập tiêu biểu tại địa phương.
Cô giáo Ngô Thị Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Chân chia sẻ: Chúng tôi đã nỗ lực nhiều năm qua để không ngừng hoàn thiện chất lượng giáo dục. Việc được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là kết quả của tập thể, mà còn là động lực để chúng tôi tiếp tục đổi mới, phát triển.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học 2024-2025 toàn tỉnh có 616 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến THPT. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia tính đến hết tháng 5/2025 đạt 91,88%, trong đó mức độ 1 chiếm 66,56%, mức độ 2 chiếm 25,32%.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, cũng như các địa phương. Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã đầu tư 3.070 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho 437 trường đạt chuẩn quốc gia. Từ tháng 6/2024 đến tháng 5/2025, tiếp tục đầu tư hơn 1.726 tỷ đồng cho 13 trường.
Nhìn chung, việc xây dựng trường chuẩn được triển khai đồng bộ. Nhiều địa phương đã đưa chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia vào nghị quyết đại hội Đảng, HĐND các cấp, xác định đây là nhiệm vụ chiến lược. Các trường học cũng chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện tự đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục hằng năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại Quảng Ninh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một số cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, được thành lập trước năm 2020, chưa đáp ứng được các tiêu chí theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Tình trạng thiếu quỹ đất, cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn đầu tư hạn chế, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vẫn là rào cản lớn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn bận rộn với công tác giảng dạy nên chưa dành đủ thời gian cho việc tự đánh giá và cải tiến chất lượng.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ngành giáo dục Quảng Ninh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện.
Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia để có được sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương về nguồn nhân lực, tài chính nhằm đáp ứng các quy định về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, diện tích đất...
Đặc biệt, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý trong việc triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Ngành cũng quan tâm tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, cá nhân thực hiện công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tự đánh giá đối với các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Đi cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tự đánh giá và đánh giá ngoài; quan tâm thực hiện công tác truyền thông để lan tỏa, nhân rộng điển hình là địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh đang ghi nhận những bước tiến vững chắc, thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong chiến lược phát triển giáo dục bền vững.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/no-luc-xay-dung-truong-dat-chuan-quoc-gia-3366240.html
Bình luận (0)