Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông nghiệp xanh, sinh kế bền vững

(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và áp lực về an toàn thực phẩm gia tăng, mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang nổi lên như một giải pháp toàn diện, giúp nông dân phát triển kinh tế, giảm thiểu rủi ro môi trường và tạo ra chuỗi giá trị bền vững.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa28/05/2025

Nông nghiệp xanh, sinh kế bền vững

VIDEO: Nông nghiệp xanh, sinh kế bền vững

Khác với mô hình nông nghiệp truyền thống – nơi tài nguyên được sử dụng một chiều và thải loại sau khi dùng thì nông nghiệp tuần hoàn là một hệ sinh thái khép kín, trong đó chất thải của quá trình sản xuất này trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình khác. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ đất đai và nguồn nước.

Nông nghiệp xanh, sinh kế bền vững

Nông trại của chị Lê Thị Trang được xây dựng theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Điển hình như trang trại Trang Farm của chị Lê Thị Trang (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với nhiều loại cây rau theo mùa, dâu tây, nho sữa và trang trại nuôi nhím. Mô hình nông nghiệp của chị Trang hoạt động theo nguyên tắc tuần hoàn khép kín. Cây nho sữa và dâu tây được chăm sóc cẩn thận, đảm bảo an toàn sinh học. Rau sạch được trồng luân canh theo mùa, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vừa giữ gìn độ màu mỡ của đất. Những loại rau quả cũng được tận dụng để nuôi nhím. Trên diện tích hơn 1ha, chị phân khu trồng nho sữa (4.000m2), dâu tây (3.500m2), khu trồng rau sạch theo mùa vụ, nhà điều hành và trang trại nuôi nhím với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Nông nghiệp xanh, sinh kế bền vững

Việc kết hợp nuôi nhím không chỉ mang lại nguồn thu nhập từ thịt mà còn giúp cải thiện chất lượng đất nhờ phân hữu cơ chất lượng cao.

Hiện nay, chỉ sau 3 năm kiên trì, cần mẫn, mô hình của chị Trang dần đi vào ổn định, thu hút đông đảo khách tham quan. Khách hàng không chỉ được thưởng thức trực tiếp các loại quả tươi ngon ngay tại vườn mà còn có cơ hội tự tay thu hoạch dâu tây, tìm hiểu quy trình trồng trọt theo phương pháp nông nghiệp tuần hoàn. Chị Lê Thị Trang cho biết: "Một trong những ưu điểm nổi bật của mô hình nông nghiệp tuần hoàn là khả năng tối ưu hóa tài nguyên sẵn có tại chỗ. Phân hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi... thay vì bị bỏ đi hoặc gây ô nhiễm, được tái chế để phục vụ chính nhu cầu sản xuất."

Nông nghiệp xanh, sinh kế bền vững

Tại nông trại Tây Đô Green Farm, phụ phẩm như vỏ, thân chuối được tận dụng làm phân hữu cơ.

Nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giải bài toán chi phí mà còn mở ra hướng đi mới cho việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tại nông trại Tây Đô Green Farm (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa), bằng cách tận dụng phụ phẩm và chất thải trong sản xuất, người nông dân có thể tạo ra những sản phẩm phụ có giá trị gia tăng cao như phân hữu cơ, khí biogas, nấm trồng từ bã cà phê, hay mỹ phẩm thiên nhiên, các sản phẩm trà chiết xuất từ thực vật. Anh Lê Phú Thanh, chủ nông trại cho biết: "Các phụ phẩm như vỏ, thân chuối làm phân bón hữu cơ. Nhờ vậy, người dân không còn phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón hóa học có chi phí cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các sản phẩm nông sản sạch và được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng sẽ có giá bán tốt hơn so với những sản phẩm nông sản sử dụng hóa chất." Việc sử dụng phân hữu cơ, giảm hóa chất, xử lý nước thải và khí thải ngay tại chỗ giúp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng đất và không khí.

Nông nghiệp xanh, sinh kế bền vững

Nhờ mô hình khép kín này, người dân không chỉ tăng thu nhập mà còn tiết kiệm được một khoản lớn chi phí đầu vào cho canh tác.

Không dừng lại ở lợi ích kinh tế hay môi trường, nông nghiệp tuần hoàn còn mang lại hiệu quả xã hội rõ nét, đó là thúc đẩy tinh thần hợp tác, nâng cao nhận thức cộng đồng và định hình một nền sản xuất dựa trên tri thức và sáng tạo. Việc áp dụng mô hình tuần hoàn đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, từ khai thác tối đa tài nguyên sang sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên. Đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hội nhập với các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và sản phẩm sạch ngày càng khắt khe.

Như vậy, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ là một mô hình sản xuất hiệu quả, mà còn là lời giải dài hạn cho những vấn đề căn cơ của nông nghiệp Việt Nam: từ ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất cao đến thiếu liên kết chuỗi giá trị. Nếu được triển khai đồng bộ, đây sẽ là nền tảng vững chắc cho một nền nông nghiệp xanh – sạch – bền vững, nơi người nông dân không chỉ làm nông mà còn làm chủ tương lai của chính mình.

Hoàng Đông - Phương Đỗ

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nong-nghiep-xanh-sinh-ke-ben-vung-250225.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm