Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông thôn thông minh

(Báo Quảng Ngãi)- Nông thôn thông minh giúp người dân tiếp cận gần hơn các ứng dụng công nghệ số, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Báo Quảng NgãiBáo Quảng Ngãi05/05/2025

Theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 phải có ít nhất một mô hình “nông thôn thông minh” do UBND cấp tỉnh quy định. Do đó, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Trung ương đã triển khai thực hiện Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025” tại khu vực nông thôn trong cả nước.

Bình Dương (Bình Sơn) là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014 và NTM nâng cao vào năm 2023. Đây cũng là địa phương tiên phong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM. Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Bình Dương không chỉ tập trung hoàn thiện các tiêu chí, mà còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đó là hàng trăm cánh đồng sản xuất lớn với doanh thu từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm được ứng dụng hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm. Nơi đây có vùng sản xuất ớt được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cấp mã số vùng trồng; có sản phẩm “Ớt Bình Dương - Bình Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và đạt tiêu chuẩn VietGAP... Các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả này chính là tiền đề để xã Bình Dương triển khai thực hiện và xây dựng nông thôn thông minh, hướng đến NTM thông minh, NTM kiểu mẫu.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng số hóa, thông minh là một trong những nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng số hóa, thông minh là một trong những nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện.

"Thời gian qua, các địa phương đã thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp, giúp người dân ứng dụng mạnh mẽ Internet trong quản lý, sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bán hàng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung rà soát, ứng dụng công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý nhà nước, đồng thời, từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất đối với các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng số hóa, nông nghiệp thông minh. Từ đó, tạo động lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường 
HỒ TRỌNG PHƯƠNG

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Tiến Quang, nếu như NTM giúp xã Bình Dương khoác lên chiếc áo mới về hạ tầng, thì chuyển đổi số mang lại sự chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy sản xuất, phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống người dân. Nhờ “số hóa”, người dân không chỉ thuận lợi hơn trong việc tra cứu thông tin, học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả, mà còn giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán hàng hóa, giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Cũng nhờ chuyển đổi số, mà xã có những “tuyến đường 4.0” với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người dân giao dịch nhanh, thuận lợi, an toàn và tiết kiệm.

Đến nay, xã Bình Dương có hơn 90% số người trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện giao dịch điện tử. Gần 100% người dân trên địa bàn xã đã cài đặt và sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng tiện ích, như: VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng thương mại điện tử... Ông Lê Tấn Bình, ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương cho biết, lúc đầu, tôi cũng như khách hàng lúng túng trong việc cài đặt và thực hiện các giao dịch điện tử, nhất là việc thanh toán. Thế nhưng, nhờ thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ nên tôi cũng như khách hàng quen dần với các hình thức thanh toán bằng cách chuyển khoản, quẹt thẻ hoặc mã QR. Không chỉ mua bán hàng, mà bây giờ tôi còn dùng điện thoại thông minh để thanh toán tiền điện, nước mà không phải đến các điểm công cộng để nộp như trước.

Theo quy định, xã được thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu phải hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí, gồm: Thu nhập bình quân đầu người, có ít nhất 1 “thôn thông minh” và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu. Thực hiện mục tiêu xã NTM kiểu mẫu, năm 2024, xã Bình Dương là địa phương duy nhất của tỉnh đăng ký thực hiện thôn thông minh. Tuy tỉnh chưa ban hành tiêu chí cụ thể về thôn thông minh, nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Bình Dương hiểu rằng đây là mô hình ứng dụng các công nghệ hiện đại, thông minh, tự động vào sản xuất và đời sống. Từ nền tảng là các tiêu chí NTM nâng cao và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, hệ thống chính trị và người dân xã Bình Dương đồng thuận hưởng ứng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Ông Huỳnh Văn Nhung, ở thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương chia sẻ, trước đây, việc sử dụng Zalo, điện thoại thông minh ở địa bàn thôn còn hạn chế, mỗi lần thông báo về các sự kiện, hội họp, cán bộ thôn phải sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Giờ đây, với ứng dụng Zalo, việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước được truyền tải dễ dàng, nhanh chóng ở mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người còn sử dụng các trang mạng xã hội để giới thiệu, bán nông sản rất hiệu quả.  

Xã Bình Dương (Bình Sơn) ứng dụng công nghệ số trong quảng bá di tích lịch sử.
Xã Bình Dương (Bình Sơn) ứng dụng công nghệ số trong quảng bá di tích lịch sử.

Người dân xã Bình Dương không chỉ quen với việc thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ thiết yếu qua điện thoại thông minh, mà còn tìm hiểu và quét mã để truy cập, tra cứu thủ tục hành chính từ Cổng dịch vụ công Quốc gia. Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Tiến Quang nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng yêu cầu, chưa lắp đặt điểm wifi công cộng tại các nhà văn hóa thôn... Ngoài ra, năng lực tiếp cận công nghệ, kỹ thuật số của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do đó, bên cạnh việc kiến nghị cấp thẩm quyền quan tâm đầu tư hạ tầng viễn thông, xã tiếp tục duy trì và phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng qua việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, ứng dụng Internet. Qua đó, giúp người dân tiếp cận và sử dụng các tiện ích của công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như giao dịch thương mại điện tử. Đây cũng là giải pháp làm tăng tính minh bạch trong hoạt động hành chính, giúp xã thuận tiện hơn trong việc theo dõi, kiểm soát quy trình xử lý hồ sơ, góp phần kết nối chính quyền với người dân.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202505/nong-thon-thong-minh-f781a6d/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm