Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nữ điệp viên cải trang thành tiếp viên đánh sập khu vui chơi của lính Mỹ

(Dân trí) - Giấu thuốc nổ dưới đáy lon sữa Guigoz ngụy trang bởi một ít cơm và thức ăn khô, điệp viên Phương Thanh khi đó mới 17 tuổi đi qua 5 trạm gác của địch, mang 3 quả mìn thổi bay hang ổ quân Mỹ ở Củ Chi.

Báo Dân tríBáo Dân trí23/04/2025

1.webp

Cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Củ Chi thời kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa, nhưng ký ức về thời "trái tim thành chiến hào, ánh mắt hóa vì sao, bàn tay thành lưỡi kiếm" vẫn in sâu trong mỗi cựu chiến sĩ, du kích.

Có những cô gái tuổi đôi mươi không trực tiếp cầm súng ra chiến trường, nhưng đứng trước cảnh nước mất nhà tan, họ bất chấp hiểm nguy xông vào "hang cọp", làm nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin, góp phần làm nên những trận đánh khiến địch hoang mang, khiếp đảm…

2.webp

Một buổi trưa tháng 4, phóng viên Dân trí tìm đến nhà của bà Phương Thanh (tên thật Trần Thị Phương Thanh, hay còn gọi là Út Bớt) tại con hẻm trên đường Gò Dầu (quận Tân Phú).

Sinh năm 1951 trong gia đình lao động, có truyền thống cách mạng kiên cường ở xã Tân An Hội, bà Thanh là một trong những phụ nữ đã góp sức để viết nên huyền thoại về "những bông hoa đất thép Củ Chi".

Bên cốc trà xanh, người phụ nữ 74 tuổi lật giở những đoạn ký ức hơn 50 năm về trước…

3.webp

Ngày nhỏ, bà Thanh mê những buổi diễn văn nghệ của đoàn văn công trên những khoảnh đất dưới tán cây rừng. Năm 14 tuổi, nhìn cảnh quê hương bị bom đạn giày xéo, bà xung phong tham gia đội du kích xã Tân An Hội, thường xuyên theo dân vào ấp chiến lược, nắm tình hình địch, cung cấp thông tin cho cơ sở.

Năm 1968, cô gái Phương Thanh khi đó nhập ngũ vào Ban quân báo Củ Chi (B14, thuộc Huyện đội Củ Chi). Nhờ thông thạo địa hình, bà được giao nhiệm vụ làm mật báo (trinh sát, điệp viên), hoạt động hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm.

Sau Tết Mậu Thân 1968, lực lượng cách mạng Củ Chi có nhiều biến động nhưng vẫn giữ thế giằng co với địch. Các căn cứ quân ta ráo riết bàn cách tổ chức đánh vào hang ổ địch với tinh thần "đánh cả ở tiền tuyến, đánh cả ở hậu phương địch, đánh đều khắp, làm cho địch bối rối, bị động".

Thời điểm đó, Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" của Mỹ đóng ở căn cứ Đồng Dù (địch gọi là căn cứ Củ Chi), vùng đất sát hệ thống địa đạo Bến Đình, tạo thế bao vây khống chế ngăn chặn lực lượng cách mạng ở Củ Chi xâm nhập Sài Gòn. 

Đây cũng là nơi Sư đoàn 25 xuất phát các cuộc hành quân "tìm và diệt" tại Củ Chi, Bình Dương… Ngoài ra, căn cứ cũng bố trí các khu vực như bãi xe, khu hậu cần và câu lạc bộ (CLB) để phục vụ sĩ quan, lính Mỹ vui chơi, giải trí sau mỗi đợt hành quân.

4.webp

Năm đó, cô gái Phương Thanh 17 tuổi, có vẻ ngoài xinh xắn, tác phong khéo léo nên được viên trung úy quản lý kho tuyển vào làm tiếp viên phục vụ tại CLB trong căn cứ Đồng Dù. 

Lần nọ, tổ chức giao cho bà nhiệm vụ "đánh vào khu vực hậu cần của địch". Trong lúc đợi thời cơ, bà được cán bộ đặc công thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định huấn luyện cách lắp kíp nổ, bấm giờ trái mìn và những tình huống có thể phát sinh.

"Phương án tác chiến được chúng tôi lên kế hoạch trong nhiều tuần. Ban đầu trong CLB, tôi vừa làm nhân viên quét dọn, vừa thám thính tình hình, nắm quy luật hoạt động của lính Mỹ. CLB này gần nhà kho chứa nước, quầy thức ăn nhanh, có phòng thay đồ riêng cho nữ. Tuy nhiên, không phải lúc nào địch cũng tập trung ở đây nên cần tìm thời điểm lính Mỹ đổ về đây đông nhất", bà nói.

Lối thiết kế ở căn cứ Đồng Dù rất khó tiếp cận sâu bởi có tới 5 cổng ra vào. Nhìn từ phía ngoài, "hang ổ" của lính Mỹ được che chắn bởi hệ thống hàng rào, vật cản dày đến vài chục mét. Phía trong hàng rào là lũy đất cao, hệ thống tháp canh dày đặc.

Bên trong căn cứ là các phân khu chức năng, có đầy đủ sân bay, giao thông hào và công sự chiến đấu. Nhà kho chỉ có một cửa ra vào và cũng được kiểm soát chặt chẽ. Ở mỗi cổng gác, địch bố trí hai tên lính trấn giữ. Ở các vòng ngoài, quân đội Mỹ tuần tra liên tục.

Hằng ngày, lúc đi làm và ra về, đội lao công phục vụ trong căn cứ đều phải xếp hàng cho quân Mỹ đếm, khám xét. Nhưng trong hàng trăm người dân thường vì mưu sinh mà mỗi ngày vào Đồng Dù phục dịch cho quân Mỹ, vẫn có những "tai mắt cách mạng" quả cảm, âm thầm chờ thời cơ để diệt địch.

5.webp

Nhờ lân la kết thân, hỏi thông tin từ viên trung úy quản lý kho, bà Phương Thanh tình cờ biết được khoảng một tuần nữa CLB sẽ đón một tốp lính cùng đoàn ca múa nhạc của Mỹ khoảng vài trăm người từ Sài Gòn về căn cứ Đồng Dù. Cuối cùng, thời cơ đã chín muồi…

Tháng 10/1968, kế hoạch đánh CLB Mỹ được thông qua. Cô gái Phương Thanh khi đó rất hồi hộp vì là trận đánh đầu tiên, cũng là trận đánh đi sâu vào khu vực hậu cần tập trung đông lính Mỹ. Theo kế hoạch, bà bí mật nhận thuốc nổ C4 từ giao liên của tổ chức ở bãi giữ xe ngoài cổng căn cứ Đồng Dù.

6.webp

Vật dụng quan trọng trong trận đánh này chính là lon sữa Guigoz. Đây là loại sữa bột của hãng Nestle, phổ biến ở miền Nam trước năm 1975. Lon sữa cao khoảng 15cm, được phụ nữ tận dụng làm hộp đựng cơm, đựng thức ăn khô vì tiện dụng. Ngoài ra, những chiếc lon Guigoz cũng giúp nhiều người dân nuôi giấu cán bộ, giúp du kích, mật báo ngụy trang thuốc nổ một cách hữu hiệu.

Từng khối mìn đều được bà Thanh ngụy trang trong lon sữa Guigoz, bên trên phủ thức ăn. Giả vờ mang cơm trưa đi làm, bà đi qua 5 trạm gác cổng, chủ động mở nắp hộp cho từng tên lính gác kiểm tra. Lần lượt trong 3 buổi sáng, bà mang trót lọt 3 quả mìn vào CLB, giấu trong các thùng đựng xà bông. Sau đó, bà mang tiếp 3 kíp mìn hẹn giờ, giấu ở gần vị trí đặt thuốc nổ ở nhà kho.

Buổi tối trước ngày tác chiến, bà đi qua những cánh rừng nằm kề trục tỉnh lộ 8 hướng về Bình Dương. Trời tối đen, căn cứ Đồng Dù như con mắt cú vọ, gườm gườm nhìn theo bà. Không khí yên ắng kỳ lạ, không ai biết rằng một vụ nổ đang đến gần…

7.webp

10h sáng 27/10/1968, đoàn ca múa tạp kỹ cùng sĩ quan, lính Mỹ lần lượt đổ về bên trong CLB. Chúng cười đùa, hát hò, tám chuyện, không để ý rằng cách đó không xa, một cô nhân viên phục vụ lẻn vào nhà kho tra kíp mìn, bấm hẹn giờ. Cô gái Phương Thanh ngày đó giấu 3 trái mìn vào đáy thùng rác, bên trên phủ một lớp giấy, sau đó đẩy những chiếc thùng rác này vào nơi quy định. 

11h30, bà Thanh rủ các lao công ra ngoài ăn cơm. Ngồi ở gốc cây cao su cách CLB khoảng 300m, nữ chiến sĩ quân báo 17 tuổi hồi hộp, bụng cồn cào, tim đập thình thịch. Chỉ còn 20 phút nữa thôi, mìn sẽ phát nổ. Phóng mắt ra phía khuôn viên bên ngoài căn cứ Đồng Dù, lá cờ đế quốc Mỹ bay phấp phới như ngạo nghễ, thách thức.

Đúng 11h40, tiếng nổ long trời vang lên từ khu vực CLB. Những khối mìn có sức công phá lớn thổi tung mái vòm, bức tường, biến nơi ăn chơi giải trí của địch thành đống đổ nát chỉ trong chớp mắt. Ngay lập tức, căn cứ Đồng Dù rú lên những hồi chuông báo động, lính Mỹ ở các khu khác vội vã chạy đến. Cách đó không xa, nhóm lao công cũng giật mình, bỏ dở việc ăn cơm, không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Ít phút sau, trong đống gạch vụn cùng những cột bụi khổng lồ, một số sĩ quan Mỹ được đội cứu thương dìu ra. Sân khấu hào nhoáng nơi dàn nhạc vừa nhảy múa, hát hò trở thành nền nhà đổ máu. Những tiếng la hét chát chúa vang lên trước cảnh tượng kinh hoàng. Xe của cảnh sát quân đội Mỹ rít ga phóng đến, bao vây hiện trường. Trên trời, 3 tốp trực thăng bay lượn vòng, quần đảo khắp căn cứ Đồng Dù.

Đến chiều hôm đó, công tác cứu hộ mới đưa được hết những người mắc kẹt bên trong ra ngoài. Tổng cộng, trận đánh này đã làm chết và bị thương 127 tên Mỹ, trong đó có 8 tên cấp tá.

8.webp

Sau trận đánh sập CLB sĩ quan Mỹ, toàn bộ nhân viên phục vụ, lao công trong căn cứ Đồng Dù bị địch giam giữ, tách riêng 2 khu nam nữ để thẩm vấn. Không khai thác được gì, đến đêm, chúng đành phải thả ra. Những ngày sau đó, bà Thanh vẫn đi làm như thường lệ.

Trận đánh gây tiếng vang lớn trong vùng căn cứ kháng chiến và vùng địch tạm chiếm. Người dân Củ Chi càng thêm tin tưởng vào sức mạnh vũ trang, tài mưu trí của các tổ chức cách mạng.

Trong khi đó, quân Mỹ cay cú, hoang mang vì không tìm ra được thủ phạm. Quân Mỹ tưởng rằng hậu cứ là nơi an toàn, không thể xâm phạm. Ngờ đâu, nơi này cũng bất ngờ bị tập kích, gây nên nhiều thiệt hại.

9.webp

Khoảng vài tuần sau đó, điệp viên Phương Thanh được triệu tập lên căn cứ. Nhờ chiến công đơn tuyến đặc biệt, bà được Đảng ủy cấp trên chấp thuận cho chi bộ B14 kết nạp vào Đảng, kèm theo 2 tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng Nhì và Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

Nhấp một ngụm trà, bà Thanh cười: "Nhiệm vụ đầu tiên thành công, tôi phấn khởi lắm". 

Tuy nhiên, chông gai của sự nghiệp hoạt động cách mạng cũng nhanh chóng ập đến với nữ chiến sĩ. Một ngày đầu năm 1969, sau trận đánh của bộ đội địa phương vào đồn Lào Táo (xã Trung Lập Thượng), nội ứng của B14 bị lộ, đồng đội chỉ điểm nhiều người, trong đó có bà Phương Thanh.  

Một ngày tháng 2/1969, khi bà Phương Thanh đang quét dọn ở CLB, xe quân đội Mỹ bất ngờ ập đến. Bà bị tra tay vào còng, ném lên xe rồi dẫn tới phòng thẩm vấn ở căn cứ Đồng Dù. Chúng đánh đập bà tàn nhẫn, nhưng mọi thứ chỉ là khởi đầu cho giai đoạn tù đày. Sau đó, bà Phương Thanh tiếp tục bị thẩm vấn ở Hậu Nghĩa (Long An ngày nay) rồi tống giam tại Nhà lao Thủ Đức - một trong những trại giam lớn nhất miền Nam thời bấy giờ. 

"Những năm sau này, nhớ lại thời bị bắt làm tù binh, tôi giật mình như vừa trải qua cơn ác mộng. Địch kết án tôi sử dụng vũ khí quân đội trái phép gây mất an ninh trật tự và gây hậu quả nghiêm trọng. Dù vậy, trận đánh CLB ở Đồng Dù không được nhắc đến vì không có bằng chứng cụ thể. Quá hạn tù giam, chúng câu lưu giam giữ tôi thêm 18 tháng. Tổng cộng tôi đã trải qua hơn 2 năm tù đày", bà Thanh ngậm ngùi nói.

10.webp

Trong ký ức của Phương Thanh, những ngày trong lao tù, bà chịu không biết bao nhiêu trận đòn roi, nhiều lần bị dí dùi cui điện giật choáng váng. Quân Mỹ và lính chế độ cũ tra tấn, moi thông tin bằng đủ hình thức để tìm tổ chức, người lãnh đạo căn cứ. Dù vậy, những vết thương thân thể vẫn không làm bà mai một lòng kiên trung theo Đảng và tình yêu quê hương, đất nước.

"Lúc đó, tôi nghĩ cuộc đời này đến đây là hết rồi. Bị bắt giam cùng đợt với tôi có một số đồng chí ở các cánh quân báo khác của Củ Chi, trong đó, chị Năm Tránh đang mang bầu. Tôi nghĩ, đằng nào mình cũng đã bị chỉ điểm, nên tìm cách nhận tội thay cho chị, giúp chị thoát khỏi cảnh bị tra tấn, thoát cảnh nguy hiểm cho tính mạng chị và đứa con trong bụng.

Tuy nhiên, trong tình thế ngặt nghèo, là chiến sĩ trinh sát, tôi vẫn không khai các chi tiết để lộ chiến thuật, tìm cách bỏ bớt nhiệm vụ, phủ nhận kế hoạch của tổ chức", bà kể.

Tháng 6/1971, Phương Thanh được địch trả tự do về tại xã Tân An Hội, sau đó bị quản thúc một thời gian. Tình hình lắng xuống, bà tiếp tục làm mật báo cho đồng chí Chín Trung thuộc tổ chức B14 của Huyện đội Củ Chi cho đến ngày hòa bình.

11.webp

Kể về công việc của một chiến sĩ quân báo sau khi ra tù, bà Thanh nói để địch không phát hiện, các thành viên của tổ chức phải thực hiện nghiêm ngặt quy định bí mật, "đi không dấu, nói không tiếng". Ngày đó, điểm hẹn lấy thư từ của bà là một bụi chuối ở ấp Xóm Chùa.

Buổi tối, bà bí mật đến lấy thư do giao liên để lại, ghi nhớ nội dung trong thư, các nhiệm vụ cần làm. Những buổi họp của căn cứ diễn ra trong đêm, bà vượt rừng sâu, đi xuống hầm địa đạo gặp các chỉ huy của tổ chức. Nếu có động, bà đi thẳng đến nơi khác, không quay lại nhằm đảm bảo an toàn.

12.webp

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, chiến sĩ Phương Thanh phối hợp cùng các lực lượng cách mạng, vận động nhân dân Củ Chi nổi dậy, góp phần vào thắng lợi giải phóng thị trấn Củ Chi ngày 29/4/1975.

Nhờ những đóng góp cho công tác cách mạng, bà được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất năm 1989.

Hằng năm, mỗi lần đến dịp kỷ niệm Đại thắng mùa xuân 1975, bà Phương Thanh lại bồi hồi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ. Trong những buổi họp mặt cùng cựu du kích Củ Chi (sau ngày hòa bình lập lại, ban quân báo giải thể, chiến sĩ Phương Thanh được chuyển về sinh hoạt ở đội nữ du kích), bà cùng các cựu binh ôn nhiều kỷ niệm hào hùng của quân, dân trong kháng chiến chống Mỹ. 

"Nhiều đêm, tôi trằn trọc không ngủ được vì nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, những người dân đã ngã xuống mà không được hưởng giờ phút vinh quang của dân tộc trong ngày vui lớn", bà Phương Thanh bùi ngùi.

Trong cuộc trò chuyện, bà Thanh cũng nhắc về người chồng quá cố với ánh mắt rưng rưng xúc động. Bà kể, vợ chồng bà quen biết nhau trong dịp xuống đường vận động giải phóng năm 1975. Ngày đó, hai bên thư từ, tìm hiểu một thời gian. Sau khi hòa bình lập lại, đơn vị của chồng bà là Bộ tư lệnh TPHCM đến Củ Chi, làm lễ kết hôn cho vợ chồng bà.

Lập gia đình, bà Thanh rời quân ngũ, làm công nhân tại xí nghiệp dệt may Việt Thắng. Người bạn đời của bà làm giảng viên tại một đơn vị quân đội, là thương binh hạng 1/4 vì ảnh hưởng của chiến tranh. Hai vợ chồng với đồng lương Nhà nước, bươn chải làm lụng nuôi 2 con trai. Sau khi chồng mất, bà sống cùng con trai, con dâu và cháu nội.

13.webp

"Chồng tôi học giỏi, viết văn hay, mấy chục năm sống cùng nhau, chúng tôi luôn tôn trọng nhau, không hề có tiếng cãi vã. Những năm kinh tế chật vật, nhà tôi không có sữa cho con uống. Tiêu chuẩn của chồng tôi được cấp mỗi tháng 12kg gạo, thế mà cũng chắt chiu nuôi được 2 con ăn học nên người.

Tôi nghỉ hưu năm 2004, chồng tôi vì bệnh đã qua đời năm 2015. Tuổi già, tôi nhiều bệnh vặt, chỉ mong sống khỏe mạnh vì còn lo lắng nhiều cho con, cho cháu", bà Thanh kể. 

Tiễn phóng viên Dân trí ra về sau cuộc trò chuyện, bà loay hoay phơi bánh mì khô, tranh thủ lúc trời còn nắng gắt. Bà nói, số bánh mì này tận dụng để ít hôm nữa về Củ Chi cho gà vườn ăn. 

Thi thoảng, bà cùng đồng đội thăm lại những vùng chiến khu một thời rực lửa. Rảo bộ dọc các tuyến đường rợp bóng cây, trái tim người trinh sát năm xưa dâng lên cảm xúc tự hào khi quê hương đổi thay mãnh liệt…

Bà Đặng Thị Hường - Đội trưởng cuối cùng của Đội nữ du kích Củ Chi (1975), từng hoạt động trong Ban quân báo Củ Chi - cho biết, bà Phương Thanh là một trong những chiến sĩ dũng cảm của cơ sở, luôn giữ vững tinh thần cách mạng, không quản ngại gian khó.

"Những chiến công của chị Thanh nói riêng, Ban quân báo Củ Chi nói chung là minh chứng cho phong trào đấu tranh của nhân dân Củ Chi thời bấy giờ. Chúng tôi xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, tất cả đều nhiệt tình, khéo léo, vượt mọi khó khăn, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ cách mạng", bà Đặng Thị Hường nói với phóng viên Dân trí.

Sau 30/4/1975, Ban quân báo Củ Chi giải thể, bà Đặng Thị Hường và bà Phương Thanh chuyển sang sinh hoạt ở Đội nữ du kích Củ Chi. Năm 1976, bà Đặng Thị Hường chuyển sang công tác ở lực lượng công an địa phương ở Củ Chi còn bà Trần Thị Phương Thanh rời quân ngũ, lập gia đình sống tại TPHCM.

Mỗi khi có dịp hội ngộ, các cựu chiến sĩ cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng, khơi dậy niềm tự hào và biết ơn sâu sắc đối với đồng đội, với người dân Củ Chi đã cống hiến xương máu cho độc lập, tự do của quê hương.

Nội dung: Bích Phương

Ảnh: Trịnh Nguyễn

Thiết kế: Đức Bình

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/nu-diep-vien-cai-trang-thanh-tiep-vien-danh-sap-khu-vui-choi-cua-linh-my-20250418162741109.htm





Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm