Bà Sách được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Người chỉ huy kiên trung
Sinh năm 1941 tại thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành, bà Sách lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng. Năm tháng tuổi thơ của bà gắn liền với ruộng đồng, với chiếc gàu tre và những buổi chăn bò thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi bốn chị em gái. Dù chỉ học đến lớp 7 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tinh thần ham học, chí khí quật cường và khát vọng góp sức cho cách mạng đã sớm thôi thúc bà dấn thân vào con đường phục vụ kháng chiến.
Năm 1963, bà chính thức tham gia lực lượng dân quân địa phương, đảm nhận các nhiệm vụ tuần tra, canh gác dọc vùng giới tuyến từ ngã ba Hiền Lương đến cầu Mũi Lò - nơi mà chỉ một phút sơ sẩy có thể phải trả giá bằng cả tính mạng. Cùng đồng đội, bà lặng lẽ đi trong đêm tối và đối mặt với hiểm nguy khi nhiều lần suýt ngã xuống dòng sông Bến Hải giá lạnh, mà trái tim vẫn rực cháy ngọn lửa yêu nước.
Bước ngoặt đến vào năm 1966, khi bà Sách được giao trọng trách Xã đội phó xã Vĩnh Thành. Đây là giai đoạn chiến tranh leo thang ác liệt, kẻ thù tăng cường oanh tạc, trút bom đạn xuống vùng giới tuyến. Bà Sách vừa tổ chức huấn luyện nữ dân quân, vừa tham gia chỉ huy khẩu đội 12,7 ly đóng tại thôn Liêm Công Tây. Cùng đồng đội, bà trực tiếp cầm súng, lựu đạn, canh gác bầu trời quê hương, quyết không để kẻ thù lấn tới.
Một ngày giữa năm 1968, sau nhiều ngày chiến đấu căng thẳng, một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trên vùng trời Vĩnh Linh. Trong khí thế hừng hực, đồng bào và các đơn vị đều nổ súng đồng loạt, tạo nên trận địa phòng không dữ dội. Trưởng đồn Công an giới tuyến khi ấy tin rằng chính khẩu đội Liêm Công Tây do bà Sách chỉ huy đã lập công. Một nhà báo đã có mặt và ghi lại khoảnh khắc lịch sử ấy.
Chứng tích sống động về tinh thần yêu nước
Bức ảnh chụp bà Nguyễn Thị Sách cùng ông Lê Văn Diệu (khẩu đội trưởng) và chiến sĩ Nguyễn Hoàng đứng cạnh khẩu pháo phòng không 12,7 ly, giữa khung cảnh chiến trường khốc liệt nhưng đầy khí phách. Bức ảnh về sau trở thành biểu tượng của tinh thần kiên cường của lực lượng dân quân giới tuyến.
Bà Sách với bức ảnh chụp mình cùng đồng đội tại Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Năm tháng trôi qua, bức ảnh ấy được bà Sách và gia đình gìn giữ như một báu vật. Đến năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Thành đã xin phép mang bức ảnh ra Hà Nội trưng bày trong một triển lãm về phụ nữ Việt Nam. Sau đó, gia đình bà Sách hiến tặng lại cho Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Từ đó đến nay, bức ảnh được treo trang trọng tại Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất, nơi đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm.
Bức ảnh không chỉ khắc ghi gương mặt kiên trung của người nữ dân quân năm xưa mà còn là bản tuyên ngôn sống động về sự góp mặt và hy sinh thầm lặng của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Đó là câu chuyện chân thực, giản dị nhưng hào hùng của một thế hệ “tay súng tay cày”, lấy máu xương và lòng yêu nước viết nên trang sử chói lọi giữa lòng đất lửa Quảng Trị.
Sau khi sinh con đầu lòng năm 1970, bà Sách xin thôi nhiệm vụ xã đội phó, chuyển sang làm công tác hậu cần, vận động Nhân dân các thôn ủng hộ thực phẩm cho lực lượng vũ trang. Bà tiếp tục giữ nhiều vai trò trong phong trào địa phương, như: phó bí thư xã đoàn, ủy viên thường vụ hội phụ nữ xã, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Liêm Công Tây sau ngày đất nước thống nhất.
Có một điều thú vị là chồng bà Sách - ông Hoàng Xuân Bồi, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng số 3, tỉnh Đắk Lắk - cũng là một cán bộ công an vũ trang kiên trung, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Gia đình bà là biểu tượng đẹp của “hậu phương - tiền tuyến”, của một thời lửa đạn mà người phụ nữ không chỉ đứng sau, mà còn sánh vai nơi đầu sóng ngọn gió.
Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Lê Đức Kiêm cho biết: “Vợ chồng bà Sách đều là những người có công với cách mạng. Với hơn 57 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Ba cùng hàng chục năm phục vụ trong các tổ chức đoàn thể, bà Sách không chỉ là nhân chứng sống của một thời lịch sử đau thương và hào hùng, mà còn là tấm gương sáng về sự hy sinh, cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương”.
Trần Tuyền
Nguồn: https://baoquangtri.vn/nu-xa-doi-pho-vinh-thanh-va-tran-dia-12-7-ly-nam-1968-193839.htm
Bình luận (0)