Nam Hạo thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội Trung Quốc. Nam sinh trung học thường đưa ra những câu chuyện giản dị xoay quanh cuộc sống thường ngày của cậu. Nhiều người bị thu hút bởi cách tư duy trưởng thành, hiểu chuyện của Nam Hạo.
Thậm chí, nhiều phụ huynh cho biết họ thường xuyên theo dõi tài khoản mạng xã hội của Nam Hạo để... nuôi con tốt hơn. Vì sao cậu thiếu niên Vương Nam Hạo lại nổi tiếng đến vậy?
Dưới đây là một số nội dung do Nam Hạo đăng tải và được cộng đồng mạng Trung Quốc yêu thích, lan truyền.
Vì sao con chưa yêu thích việc học?

Nam Hạo cho rằng nhiều bạn không hề ghét việc học, chỉ đơn giản là các bạn chưa có đủ trải nghiệm (Ảnh minh họa: Freepik).
Nhiều phụ huynh thường hỏi con: “Vì sao con không thích học, học tốt thì sau này ấm vào thân, tại sao không chịu học hành tử tế?”. Theo cậu thiếu niên, nhiều học sinh không yêu thích việc học là vì chưa có đủ trải nghiệm thực tế.
Nam Hạo lấy dẫn chứng từ chính câu chuyện của bản thân. Cậu thiếu niên chưa từng đi du lịch nước ngoài cho đến khi anh trai cậu kiếm được tiền và đưa em trai cùng đi. Lúc này, cậu mới thực sự “vỡ oà” về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ.
Trước đó, học tiếng Anh đối với Nam Hạo khá nhàm chán, cậu cho rằng những kiến thức ngữ pháp và từ vựng thật khô khan. Nhưng trải nghiệm ra nước ngoài, thấy anh trai dùng tiếng Anh để gọi món, mua đồ, giao tiếp... khiến Nam Hạo có cách nhìn khác. Từ đó, cậu yêu thích việc học tiếng Anh một cách tự nhiên.
Trước đó, cha mẹ và thầy cô đã luôn nhấn mạnh với cậu rằng việc học ngoại ngữ rất quan trọng, nhưng những lời nhắc nhở ấy vẫn không hiệu quả bằng một lần trải nghiệm thực tế khi đi cùng anh trai.
Cậu thiếu niên kết luận trong một video đăng tải trên mạng xã hội: “Nhiều bạn không hề ghét việc học, chỉ đơn giản là các bạn chưa có đủ trải nghiệm, chưa được thấy thế giới rộng lớn, nên cũng chưa cảm nhận được ý nghĩa thực sự của việc học. Thực tế, việc học sẽ giúp các bạn bước ra thế giới một cách tự tin”.
Có nên trách con khi con thích mua đồ hiệu?

Nam Hạo cho rằng việc biết tiết kiệm tiền để mua được món đồ mình thích cũng là một điều đáng khen ngợi (Ảnh minh họa: Freepik).
Không ít phụ huynh cho rằng nếu con thích mua đồ đắt tiền là đua đòi, hư hỏng. Một người bạn của Nam Hạo từng bị cha mẹ mắng nhiếc thậm tệ vì mua một đôi giày thể thao có giá hơn 1.000 tệ (hơn 3,6 triệu đồng) bằng tiền tiết kiệm cá nhân.
Điều đáng trách ở cậu thiếu niên này là không bàn trước với cha mẹ về quyết định mua đôi giày đắt tiền. Nhưng thực tế, cậu bạn của Nam Hạo đã tự tiết kiệm từng đồng, không uống trà sữa, không nạp tiền chơi game. Nam Hạo cho rằng việc cha mẹ của cậu bạn trách mắng con trai nặng nề vì “đua đòi” là có phần thái quá.
“Ở khía cạnh khác, cháu nhìn thấy ở bạn mình năng lực tự kiềm chế bản thân rất tốt. Cậu ấy kiên trì theo đuổi mục tiêu, không bị những “cám dỗ” làm động lòng, vậy thì cậu ấy xứng đáng được sở hữu thứ mình mong muốn bấy lâu. Dù góp ý với con, nhưng cha mẹ cậu ấy cũng nên ghi nhận sự kiên định và năng lực tự chủ của con mình”, Nam Hạo nói.
Phụ huynh cần tự hỏi tại sao con bị bắt nạt liên miên

Vấn nạn bắt nạt học đường có mối liên hệ trực tiếp với cách phụ huynh chia sẻ với con (Ảnh minh họa: Freepik).
Nam Hạo chia sẻ hai câu chuyện. Một bạn học của cậu gầy gò, tính cách nhút nhát, hay bị bạn bè trêu chọc, đôi khi thành ra quá đà. Mẹ của cậu bạn này đã đến trường, gặp giáo viên để phản ánh vấn đề. Kể từ đó, các bạn trong lớp không trêu đùa quá trớn cậu bạn này nữa.
Ngược lại, một bạn khác bị thừa cân, cũng hay bị trêu chọc, nhưng cha mẹ của bạn này không có phản ánh nào với giáo viên. Các sự việc cứ thế trôi đi, cậu bạn “mập mạp” nhiều khi cảm thấy bực dọc, khổ sở nhưng cũng chỉ biết “chịu trận”.
Nam Hạo nhận định rằng, ngay trong các bạn học cũng có sự phân biệt về mạnh và yếu. Những bạn học giỏi được thầy cô thường xuyên quan tâm, hỗ trợ; hay những bạn là “con nhà có điều kiện” luôn được cha mẹ chăm sóc kỹ lưỡng, thường hiếm khi bị bắt nạt. Còn những bạn hiền lành, ít nói, không nổi bật, có phần lặng lẽ, lại dễ trở thành nạn nhân bị bắt nạt.
Cha mẹ của các bạn thường tưởng lầm rằng con mình đang rất ổn ở trường học, nên không lường được hết các vấn đề. Nam Hạo cho rằng ngăn chặn bạo lực học đường đòi hỏi cha mẹ phải thực sự theo sát, thấu hiểu con, khiến con tin tưởng chia sẻ và quan trọng nhất, cha mẹ phải dám đứng lên bảo vệ con mình.
Con không lười học, chỉ là con vẫn đang bị bản năng chi phối

Nam Hạo cho rằng chăm chỉ học tập khó có thể là việc diễn ra tự nhiên (Ảnh minh họa: Freepik).
Nhiều phụ huynh thường ví von hài hước rằng việc dạy con học cũng là một “kiếp nạn”. Trong khi cha mẹ luôn thiếu thời gian, nhưng vẫn cố gắng cùng con học bài, thì con vừa ngồi vào bàn học đã lơ mơ, mất tập trung, gãi đầu, bấm bút, nghịch tẩy...
Về điều này, Nam Hạo phân tích rất thấu đáo: “Chính các bậc phụ huynh cũng từng như vậy. Thuở nhỏ, ai cũng dễ lơ đãng, mất tập trung, ham chơi, lười học. Ngay cả người lớn, khi phải đối mặt với khối lượng công việc lớn, đến dồn dập, cũng dễ rơi vào cảnh trì hoãn, né tránh, huống hồ là trẻ em?”.
Nam Hạo cho rằng chăm chỉ học tập khó có thể là việc diễn ra tự nhiên thuộc về bản năng. Người lớn có khả năng kiểm soát tốt hơn, còn trẻ em cần được kiên nhẫn dạy cách vượt lên bản năng, dần học được cách tự kiểm soát bản thân khi ngồi vào bàn học.
Theo cậu thiếu niên Nam Hạo, thay vì trách mắng con liên miên, cha mẹ nên hiểu rằng con không lười, mà con chỉ đang bị bản năng cuốn đi. Điều cha mẹ cần làm là dẫn dắt, giúp con tìm thấy niềm vui trong việc học.
Muốn hiểu con, hãy nhìn từ tầm mắt của con

Nam Hạo nhấn mạnh các vị phụ huynh cần thấu hiểu, tương tác với con dựa trên tầm nhìn, cách nghĩ của con (Ảnh minh họa: Freepik).
Nam Hạo còn nhớ thuở nhỏ, có lần cậu được mẹ đưa đi tham quan hội chợ, nhưng cậu cứ đòi về. Mẹ cậu quát: “Mẹ dành thời gian đưa con đi chơi, tại sao con cứ tỏ ra khó chịu như vậy?”. Cậu đáp: “Có gì vui đâu? Con thấy toàn chân người”.
Lúc này, mẹ cậu mới ngỡ ngàng nhận ra, từ chiều cao của con, đúng là con khó quan sát được hết những điều thú vị ở hội chợ, đập vào mắt toàn thấy... những đôi chân.
Hay khi cha mẹ dạy cậu những phép toán đầu tiên, hai người chỉ mong Nam Hạo đưa ra đáp án đúng, trong khi đó, cậu lại chỉ chú ý đến những hình vẽ ngộ nghĩnh minh họa cho những phép toán.
Nam Hạo cho rằng để thực sự đồng hành bên con qua từng giai đoạn, cha mẹ phải thấu hiểu, tương tác với con dựa trên tầm nhìn, cách nghĩ của con trong từng giai đoạn cụ thể.
“Trẻ em nhìn thế giới từ một góc độ hoàn toàn khác với người lớn. Nếu không thay đổi góc nhìn khi tương tác với con, cha mẹ sẽ mãi không thể hiểu được con”, Nam Hạo nói trong một video khác.
Làm gì khi con quá say mê thần tượng?

Phụ huynh có thể biến sở thích của con trở thành động lực mạnh mẽ, giúp con tiến bộ (Ảnh minh họa: Freepik).
Nam Hạo có một cô bạn rất yêu thích một nhóm nhạc Hàn Quốc. Cha mẹ của nữ sinh này không cấm đoán mà còn khuyến khích con học thêm tiếng Hàn. Ngoài ra, phụ huynh của cô bé còn đưa ra điều kiện: Nếu con muốn được đi xem đêm nhạc của thần tượng tại Hàn Quốc, con phải đạt thành tích học tập tốt.
Nữ sinh này đã nỗ lực học tập và cải thiện điểm số rõ rệt. Cha mẹ giữ lời hứa, đưa con sang Hàn Quốc xem đêm nhạc mà cô bé mong chờ, nhưng đi kèm với đó là điều kiện: Con phải tự lên toàn bộ kế hoạch cho chuyến đi.
Từ việc xin visa, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, lên lịch trình, con đều phải tự tìm hiểu trong nhóm cộng đồng fan và tự làm. Trong những ngày gia đình lưu lại Hàn Quốc, nữ sinh trở thành “trưởng đoàn” thực thụ của gia đình. Hành trình ấy giúp cô bé phát triển năng lực ngôn ngữ, kỹ năng tổ chức và cả tinh thần trách nhiệm.
Nam Hạo rất ngưỡng mộ cách ứng xử của cha mẹ người bạn này: “Hai bác ấy đã biến sở thích của con trở thành động lực mạnh mẽ, giúp con tiến bộ đúng theo hướng mà họ kỳ vọng”.
Sau cùng, Nam Hạo kết luận rằng, giáo dục trong gia đình không phải là khiến con luôn biết sợ cha mẹ, ép con vâng lời, hay huấn luyện con trở thành cỗ máy chỉ biết học. Giáo dục là khi một tâm hồn đánh thức một tâm hồn khác. Chỉ khi cha mẹ cúi xuống, ở cùng tầm nhìn với con, nhìn cuộc sống từ góc nhìn của con, cha mẹ mới có thể đồng hành thật sự bên con.
Theo Weixin
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ong-cu-non-khien-cac-bac-phu-huynh-cap-sach-but-theo-hoc-20250701095945827.htm
Bình luận (0)