Đồng thời, thống nhất trong phân cấp quản lý khi cấp xã nắm thẩm quyền rà soát hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục cấp tiểu học và THCS.
Không xáo trộn
Trong bối cảnh thay đổi sâu rộng về tổ chức hành chính, việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2025 - 2026 được dư luận đặc biệt quan tâm. Trái với những lo ngại ban đầu, thực tế tại các địa phương cho thấy, công tác lựa chọn sách giáo khoa vẫn diễn ra bài bản, ổn định và đúng quy định.
Các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (hợp nhất giữa Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Phú Thọ), đặc biệt những đơn vị thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũ đã triển khai lựa chọn sách giáo khoa từ sớm. Theo kế hoạch do Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc (cũ) ban hành từ tháng 2/2025, các trường tiểu học và THCS đã được hướng dẫn cụ thể về quy trình lựa chọn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9.
Sau khi có văn bản của sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai lựa chọn sách giáo khoa bổ sung theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT và phổ biến đến các nhà trường.
Các trường tổ chức họp tổ chuyên môn, đánh giá sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt, lấy ý kiến hội đồng và đăng ký số lượng sách giáo khoa đầy đủ, bao gồm cả sách cho học sinh, giáo viên và thư viện nhà trường. Việc thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch giúp đảm bảo quyền lựa chọn cho giáo viên, học sinh và phụ huynh, đồng thời ngăn chặn tình trạng thiếu sách đầu năm học.
Ông Lê Huy Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý (Hợp Lý, Phú Thọ) chia sẻ: “Trước khi kết thúc năm học 2024 - 2025, nhà trường đã nhận được văn bản hướng dẫn của sở và của phòng GD&ĐT. Căn cứ văn bản này, nhà trường đã tổ chức cho tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 9 và lấy ý kiến phụ huynh.
Kết quả, Hội đồng lựa chọn vẫn chọn sách giáo khoa theo các năm học trước. Việc này hoàn thành trước thời điểm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp nên không có ảnh hưởng gì đến tiến độ hay chất lượng lựa chọn sách giáo khoa”.
Tại tỉnh Lào Cai, công tác lựa chọn sách giáo khoa cũng diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn dù đang trong quá trình thay đổi địa giới hành chính (sáp nhập tỉnh Yên Bái cũ).
Ông Vũ Trinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Hồng Ca (xã Hưng Khánh) cho biết: “Chúng tôi được định hướng rõ ràng từ đầu nên không gặp khó khăn gì. Việc lựa chọn sách giáo khoa đã hoàn tất trước khi chính quyền 2 cấp được vận hành, nên mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường”.
Ở góc độ địa phương, bà Lâm Ngọc Ánh - Trưởng phòng Văn hóa xã Bảo Ái (Lào Cai) khẳng định: “Các trường học đã chủ động đề xuất và sở GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn nên không có lúng túng hay bị trì hoãn vì bất cứ lý do gì”.

Tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên
Năm học 2024 - 2025 là năm hoàn tất chu trình lựa chọn sách giáo khoa mới theo Chương trình GDPT 2018 khi các khối lớp 5, 9 và 12 thực hiện chương trình. Bà Hoàng Thu Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: “Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định.
Sau 5 năm toàn ngành triển khai Chương trình GDPT 2018 và dạy sách giáo khoa mới đối với các cấp học, dù còn gặp không ít khó khăn nhưng ngành Giáo dục và các nhà trường đã linh hoạt, chủ động thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới của chương trình”.
Theo bà Hoàng Thu Phương, tại tỉnh vùng cao Lai Châu, việc lựa chọn sách giáo khoa có nhiều thuận lợi. Để lựa chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp với địa phương, UBND tỉnh Lai Châu đã có Quyết định quy định tiêu chí lựa chọn sách trong cơ sở giáo dục.
Dựa trên những tiêu chí mà UBND tỉnh đặt ra, đa số các trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều chọn cùng một bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Hàng (xã Nậm Hàng) cho biết: “Trước mắt, việc lựa chọn sách giáo khoa mới theo Chương trình GDPT mới đã hoàn thành. Bộ sách nhà trường lựa chọn sẽ được tiếp tục sử dụng ở những năm tiếp theo cho đến khi có quy định mới.
Nội dung các bài học trong sách giáo khoa phù hợp với khả năng đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các điều kiện dạy học tại nhà trường; phù hợp với năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Cùng đó, đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp, liên môn, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn địa phương”.
Tương tự, tại Nghệ An, việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới 2025 - 2026 đã triển khai và hoàn thành từ cuối năm học 2024 - 2025. Về cơ bản, các nhà trường đề xuất giữ nguyên bộ sách đã sử dụng của những năm học trước.
Bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Chủ tịch xã Tam Quang, Nghệ An (nguyên là Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An cũ) thông tin, các trường học trên địa bàn chủ yếu sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Cấp tiểu học ở Tam Quang nói riêng và các địa phương vùng miền núi cao của Nghệ An có sự khác biệt so với trường miền xuôi. Đó là môn Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sử dụng bộ sách Chân trời sáng tạo, còn môn Toán và Tin học sử dụng bộ sách của nhà xuất bản Trường Đại học Vinh.
Theo bà Võ Tuyết Chinh, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, thầm quyền rà soát việc lựa chọn sách giáo khoa được giao cho cấp xã thực hiện, thay vì phòng GD&ĐT trước đây là phù hợp và cơ bản không gặp khó khăn. Lý do quá trình lựa chọn, tổng hợp đều dựa theo bộ tiêu chí của UBND tỉnh Nghệ An và hướng dẫn của sở GD&ĐT.
Trong đó, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc lựa chọn sách giáo khoa là ở cấp trường. Sau 5 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, đến nay, các trường đã ổn định việc dạy học theo tài liệu dạy học đã lựa chọn, phù hợp với thực tiễn học sinh, điều kiện kinh tế địa phương cũng như thực tế cơ sở vật chất, đội ngũ, năng lực giáo viên.
“Việc cơ bản giữ nguyên các bộ sách giáo khoa cũng tạo thuận lợi trong dạy học, kế thừa kinh nghiệm từ các năm học trước, cũng như tạo thuận lợi, tiết kiệm cho học sinh, nhất là ở vùng cao, dân tộc thiểu số”, bà Võ Tuyết Chinh chia sẻ.

Kế thừa và thích ứng
Ông Quách Tất Hưởng - Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn cũ, Lai Châu) cho biết: “Khi các trường thuộc xã quản lý, xã sẽ chỉ đạo nhà trường chọn sách theo hướng dẫn rồi báo cáo. Xã tổng hợp và báo cáo sở GD&ĐT về danh mục sách giáo khoa được nhà trường lựa chọn”.
Ông Tống Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, Lai Châu cho rằng, việc UBND xã rà soát việc lựa chọn sách giáo khoa khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục.
Cùng với đó, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giúp chính quyền cấp xã chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, giám sát các hoạt động giáo dục trên địa bàn, trong đó có lựa chọn sách giáo khoa. Tạo điều kiện huy động sự tham gia của cộng đồng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong việc lựa chọn sách giáo khoa.
Theo ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học vừa qua đã khép lại chu trình đầu tiên của thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở tất cả khối lớp cũng như thay sách giáo khoa mới.
Vì vậy, Sở sớm ban hành hướng dẫn để các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa cho các năm học tiếp theo, mà không chờ đến khi kết thúc năm học, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp mới triển khai. Qua báo cáo của các phòng chuyên môn Sở GD&ĐT Nghệ An, việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới 2025 - 2026 cơ bản giữ ổn định như các năm trước.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, đối với cấp THCS, việc thay đổi sách giáo khoa xảy ra rất ít, và chỉ ở một số bộ môn.
Tuy nhiên, các môn này nằm trong danh mục các bộ sách giáo khoa đã được UBND tỉnh phê duyệt, nên không gây xáo trộn trong quá trình chuẩn bị, cung ứng sách. Là tỉnh có diện tích lớn với 130 xã phường, Sở GD&ĐT triển khai sớm và chủ động trong thống kê danh mục, số lượng sách nhằm chủ động thông tin đến các đơn vị cung ứng. Qua đó đảm bảo tất cả học sinh có đủ, đúng sách giáo khoa cho năm học mới.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, về việc giao cho chính quyền cấp xã thẩm quyền rà soát hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục cấp tiểu học và THCS là phù hợp và thuận lợi.
Quá trình thực hiện cấp xã cần nắm rõ văn bản hướng dẫn, cụ thể như Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, tiêu chí mà UBND tỉnh đã ban hành, hướng dẫn của sở GD&ĐT… Nếu có vướng mắc, khó khăn, cần kết nối với sở GD&ĐT để được kịp thời giải thích, hướng dẫn bổ sung.
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, khó khăn nếu có là nhiều cán bộ cấp xã không chuyên trách giáo dục, nên chưa quen với quy trình chuyên môn về lựa chọn sách giáo khoa.
Vì vậy, khi vận hành trong các năm học tiếp theo, địa phương mong cấp có thẩm quyền nên hướng dẫn quy trình, tiêu chí, cách kiểm tra, thẩm định hồ sơ một cách cụ thể, dễ hiểu. Cần có biểu mẫu chuẩn, các ví dụ minh họa về hồ sơ đạt yêu cầu để các xã học tập và triển khai thuận lợi. Có sự hỗ trợ từ chuyên môn cấp trên cử cán bộ phối hợp, tư vấn, nhất là trong năm đầu tiên thực hiện.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/phan-cap-phan-quyen-lua-chon-sgk-chu-dong-thich-ung-trong-boi-canh-moi-post740512.html
Bình luận (0)