Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có xác định chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời xem di sản văn hóa là tài nguyên định vị bản sắc địa phương. Với không gian mở rộng hiện nay, TP Cần Thơ đang có nguồn tài nguyên đa dạng với nhiều di sản văn hóa đã được công nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ25/07/2025

Chương trình “Ký ức Nam Bộ” với các điệu hò của người miền Tây sông nước phục vụ du khách quốc tế tại Vàm Xáng Rustic. Ảnh: KIỀU MAI

Tài nguyên đa dạng

TP Cần Thơ hợp nhất có không gian mở rộng với hệ thống tài nguyên đa dạng. Khu vực này hiện là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Như vậy, bên cạnh hệ sinh thái đa dạng, Cần Thơ còn có sự phong phú về bản sắc văn hóa, là vốn quý trong phát triển du lịch.

TP Cần Thơ hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ (Cần Thơ cũ), Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday của người Khmer (Hậu Giang cũ), Nghệ thuật trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer, Nghệ thuật trình diễn sân khấu dù kê của người Khmer, Nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom vong, Nghệ thuật trình diễn múa Rô băm, Lễ hội Ok - Om - Bok - Đua ghe Ngo, Lễ hội Nghinh Ông ở Trần Đề, Nghề thủ công truyền thống bánh pía của người Hoa (Sóc Trăng cũ). Cùng với đó là 1 di sản được UNESCO vinh danh là Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là nguồn tài nguyên quý để xây dựng nên nhiều sản phẩm du lịch có trải nghiệm độc đáo.

Cụ thể, theo các đơn vị lữ hành đánh giá, văn hóa đồng bào dân tộc Khmer có thể tạo nên những câu chuyện khám phá, kết nối các điểm đến, từ tìm hiểu kiến trúc, đời sống tâm linh ở các chùa đến nếp sống sinh hoạt qua các điệu múa, âm nhạc và ẩm thực. Đây là những trải nghiệm mang màu sắc bản địa rất riêng biệt, có thể thu hút du khách.

Song song đó, khu vực này cũng còn nhiều nét văn hóa đặc sắc mang tín ngưỡng dân gian, như Lễ Tống phong của người Việt ở Cần Thơ, Lễ hội thả đèn nước trên sông, Lễ dâng bông của đồng bào dân tộc Khmer, Lễ Thắk Côn (Cúng Dừa), Lễ hội Chrôi Rum Chếk (Cúng phước biển Vĩnh Châu)… đều là hoạt động có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch. Cụ thể, thời gian qua Lễ Tống phong của người Việt ở Cần Thơ không chỉ là sự kiện ở địa phương, mà dần được nhiều du khách quan tâm đến tìm hiểu và trải nghiệm.

Để khai thác có hiệu quả

Mặc dù nhiều tiềm năng, nhưng di sản văn hóa vẫn chưa được phát huy hết giá trị trong hoạt động du lịch. Các hành trình phần lớn chỉ dừng lại ở tham quan điểm đến, việc trải nghiệm sâu về văn hóa còn rất hạn chế. Thực tế, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa không đơn giản, nhất là khi kết hợp các di sản văn hóa phi vật thể. Các chuyên gia, các đơn vị lữ hành cho rằng người làm du lịch văn hóa cần phải có những kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này, nhất là phải hiểu rõ được sản phẩm du lịch văn hóa là gì để có chiến lược xây dựng sản phẩm và tiếp cận thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn nhân lực và nguồn lực đầu tư cho du lịch văn hóa ở Cần Thơ vẫn còn hạn chế nhất định.

Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Ido Travel Cần Thơ, nói: “Gần như các địa phương trọng điểm về du lịch đều có những show về văn hóa địa phương nhằm thu hút du khách, kéo họ ở lại đêm. Nhưng tại Cần Thơ hiện chưa có show diễn đặc trưng nào, trong khi địa phương hiện có nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như đờn ca tài tử, hò, các loại hình nghệ thuật trình diễn của đồng bào dân tộc Khmer… Tôi đề xuất địa phương đầu tư cho sản phẩm du lịch này vì không chỉ giới thiệu văn hóa đặc trưng, mà còn níu chân du khách lưu trú, gia tăng chi phí”.

Du khách luôn có nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động văn hóa nghệ thuật của địa phương. Nhiều đơn vị du lịch tại Cần Thơ cũng đã chủ động đưa các hoạt động này lồng ghép trong các trải nghiệm của du khách. Cụ thể, tại Vàm Xáng Rustic có chương trình “Ký ức Nam Bộ”, trong đó có hò đối đáp tái hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miệt vườn Nam Bộ. Đây là cách vận dụng khéo léo khi đưa di sản văn hóa phi vật thể Hò Cần Thơ vào hoạt động du lịch, tiếp cận khách quốc tế. Những điệu hò có tiếng Việt và cả tiếng Anh, phát huy được tính đặc trưng giao đãi giữa hai bên, khách quốc tế cũng dễ học, dễ tham gia cùng người địa phương. Du khách Ba Lan Jenny nói: “Những giai điệu này rất êm ái, du dương. Thanh âm mang đến cho tôi nhiều cảm xúc và thêm hiểu về dòng nhạc truyền thống ở nơi đây. Tôi cho rằng nên duy trì và gìn giữ, tạo điều kiện cho thế hệ sau phát triển các loại hình âm nhạc như thế”.

Để làm những chương trình như thế, các doanh nghiệp du lịch đầu tư nhiều trong tìm kiếm các nghệ nhân, xây dựng kịch bản và để duy trì hoạt động này cần kinh phí lớn, nên phải tiếp cận được tệp du khách chịu chi trả. Chính vì vậy, nhiều chương trình đã được các doanh nghiệp xây dựng nhưng để duy trì là bài toán cần cân nhắc. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, cho biết: “Với mong muốn giới thiệu nghệ thuật truyền thống của địa phương đến du khách, nhất là đờn ca tài tử, hò, hát ru Cần Thơ, các điệu lý Nam Bộ... chúng tôi luôn cố gắng lồng ghép các nội dung này vào các chương trình trải nghiệm qua nhiều hình thức như minishow, workshop… Du khách có thể gặp gỡ, giao lưu với những nghệ sĩ, nghệ nhân cố cựu đến cả những người trẻ giữ nghề. Mục đích là làm sao để du khách có thể cảm, hiểu về văn hóa, phong tục của vùng đất”.

Có thể thấy, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch chủ động lồng ghép di sản văn hóa trong các hoạt động du lịch để mang đến cho du khách những trải nghiệm đậm bản sắc văn hóa địa phương. Về lâu dài, TP Cần Thơ cần có chiến lược đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng từ thế mạnh của các di sản văn hóa. Như vậy không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà còn thúc đẩy phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, có bản sắc riêng.

ÁI LAM

 

Nguồn: https://baocantho.com.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-trong-phat-trien-du-lich-a188831.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm