Tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc Mường ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy).
Theo đánh giá từ các chuyên gia du lịch, văn hóa bản địa và du lịch cần gắn kết với nhau, bởi nếu khai thác tốt tiềm năng văn hóa bản địa sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển. Ngược lại, du lịch chính là con đường hiệu quả nhất để quảng bá, giới thiệu giá trị di sản một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất đến du khách. Trên thực tế, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng từ thế mạnh của các giá trị văn hóa bản địa, nhiều nơi đã tạo được thương hiệu nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới tham quan. Điển hình là Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) nổi bật với việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh gắn với bản sắc văn hóa của các dân tộc Thái, Mường. Bản Mạ (Thường Xuân) lại nổi tiếng với hoạt động du lịch trải nghiệm lối sống, phong tục, tập quán hàng ngày của cộng đồng dân tộc Thái. Còn ở suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) lại tận dụng tối đa bản sắc văn hóa của dân tộc Mường để phát triển du lịch...
Về thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, ngoài việc được chiêm ngưỡng, tham quan suối cá thần, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, du khách còn được khám phá kho tàng văn hóa của dân tộc Mường vô cùng phong phú đang được người dân lưu giữ như kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực, phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca trữ tình đằm thắm hoặc tham dự lễ hội Khai hạ được người dân tổ chức thường xuyên vào dịp đầu năm. Cùng với đó, trong thôn còn thành lập câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Mường tham gia tập luyện, biểu diễn phục vụ du khách.
Bà Phạm Thị Huyền, người tham gia CLB cồng chiêng đã nhiều năm nay, chia sẻ: “Với đồng bào dân tộc Mường ở đây, cồng chiêng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Cồng chiêng cũng không thể vắng mặt trong các sự kiện, lễ hội của thôn. Từ khi CLB cồng chiêng được thành lập, các thành viên đều hoạt động rất tích cực, thường xuyên truyền dạy cho lớp trẻ. Qua đó, không chỉ bảo tồn được nét văn hóa của địa phương, mà còn tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ Nhân dân và du khách đến tham quan".
Nhu cầu đi du lịch hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng, khám phá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đang là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn, từ đó góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển... Chính vì vậy, ngành du lịch của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để khai thác giá trị văn hóa bản địa phục vụ du lịch phát triển. Trong đó, trọng tâm là tích cực triển khai các kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” và Đề án “Nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch”. Cùng với đó, là tổ chức các chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; xây dựng các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian; hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch...
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, sản phẩm du lịch văn hóa tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu tính độc đáo, dễ trùng lặp; các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc ở nhiều nơi đang dần bị mai một, lai căng, biến đổi. Đặc biệt là thiếu sự liên kết giữa các địa phương và giữa địa phương với các doanh nghiệp du lịch. Do đó, để khai thác đúng và trúng tiềm năng văn hóa bản địa trong phát triển du lịch, cần hơn nữa những cách làm bài bản, khoa học và sự vào cuộc hơn nữa từ các cấp, ngành và cộng đồng.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-huy-tiem-nang-van-hoa-ban-dia-248185.htm
Bình luận (0)