Một ngày đầu tháng 7 khi các ngành, địa phương còn bộn bề công việc sáp nhập và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Phòng giao dịch NHCSXH Thanh Thuỷ cũng không nằm ngoài nhiệm vụ nhiệm vụ chung. Phòng phối hợp với chính quyền, đoàn thể mới của xã sáp nhập trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ (cũ) đưa đồng vốn chính sách đến đúng đối tượng. Hôm nay cũng là ngày đồng chí Lê Vũ Kiều Oanh, Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ Phòng giao dịch NHCSXH Thanh Thuỷ đi kiểm tra, đối chiếu hộ vay vốn. Oanh chia sẻ: “Cố định vào ngày 22 hằng tháng, cán bộ ngân hàng lại có mặt tại xã từ rất sớm để giải ngân và thu lãi định kỳ, cho nên em thuộc địa bàn xã như lòng bàn tay”. Oanh cùng anh Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đưa chúng tôi đến gia đình chị Đinh Thị Nhân, ở khu 19, xã Tu Vũ. Hai tay hai xô cám vừa lợn, vừa gà, chị Nhân nở nụ cười tươi rói chào chúng tôi. Chị Nhân là vợ (người giám hộ) được duyệt hồ sơ vay vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù 100 triệu đồng. Có vốn gia đình đầu tư nuôi lợn, gà chọi và làm hầm bioga. Có tiền, gia đình chị Nhân lại tái đầu tư và trả lãi, gốc theo đúng quy định.
Gia đình chị Đinh Thị Nhân, khu 19, xã Tu Vũ đầu tư chăn nuôi gà lai chọi và lợn để phát triển kinh tế.
Rót cốc nước nụ vối nóng hổi, sóng sánh màu vàng chanh mời chúng tôi, chị Nhân bảo: Nụ vối này chị hái và ủ ngày mùng 5 tháng 5 (ngày giết sâu bọ) đấy. Trong năm, chỉ có ngày này nụ vối, lá vối được hái mang ủ rồi phơi khô để hãm nước uống là ngon nhất. Chị Nhân sinh năm 1968, trong câu chuyện tiếp cận nguồn vốn vay chính sách để làm kinh tế, chị Nhân luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã có một chính sách mang tính nhân văn rất cao, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là những người chấp hành xong án phạt tù để trao cho họ cơ hội được đóng góp vào sự phát triển của gia đình, xã hội và cộng đồng. Chị nói: “Ai trong đời đều có cái sai lầm nhưng quan trọng nhất là chồng chị đã biết sửa sai, bỏ lại quá khứ không vui để hướng đến tương lai”. Đứa cháu ngoại chị Nhân khoảng chừng 10 tuổi bưng khay bỏng gạo vừa nổ ngoài đầu làng vẫn còn giòn tan lễ phép mời bà, mời khách. Mưa mùa Hạ ào ào chợt đến rồi tạnh ngay để nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời, cũng như gia đình chị Nhân: Sau cơn mưa trời lại sáng.
Xã Tu Vũ được sáp nhập 3 xã: Đồng Trung, Hoàng Xá và Tu Vũ với diện tích gần 38km2, dân số gần 19 nghìn người. Phòng giao dịch NHCSXH hiện đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng trên địa bàn xã với dư nợ ủy thác hơn 215 tỷ đồng, 109 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV), với 3.598 khách hàng vay vốn. Tổ Tiết kiệm và Vay vốn khu 19 xã Tu Vũ do anh Đào Xuân Quang làm Tổ trưởng đang quản lý 9 chương trình tín dụng, dư nợ gần 5,3 tỷ đồng với 60 tổ viên bao gồm các chương trình vay vốn như: Hộ nghèo, Cận nghèo, Giải quyết việc làm, Học sinh sinh viên... Trong những năm qua, Tổ TK&VV không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Số dư tiền gửi tiết kiệm trên hơn 200 triệu đồng; 100% số hộ vay có tiền gửi tiết kiệm hằng tháng với hơn 100 ngàn đồng/tháng/tổ viên. Các tổ viên vay vốn đều có ý thức trả lãi, trả nợ đúng thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu.
Anh Đào Xuân Quang cho biết: “Sau khi các tổ viên được duyệt hồ sơ và nhận vốn, tổ tiến hành kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, đôn đốc thu nợ đúng quy định. Với những thành viên vay vốn gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh..., tổ kịp thời phối hợp động viên, tư vấn về phương án sản xuất, kinh doanh, giúp họ vượt khó để có nguồn thu trả nợ. Với các thành viên đi khỏi nơi cư trú, nguy cơ phát sinh nợ quá hạn, tổ kịp thời báo cáo tổ chức hội nhận ủy thác, cán bộ ngân hàng để triển khai các giải pháp kịp thời, hiệu quả”.
Xác định tổ TK&VV có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng CSXH, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Thanh Thuỷ cùng với các xã và 4 tổ chức hội, đoàn thể mở rộng mạng lưới hoạt động đến các khu dân cư; tổ chức tập huấn cho cán bộ kiêm nhiệm (Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện hội đồng quản trị, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ ban giảm nghèo; trưởng khu, ban quản lý tổ TK&VV). Đến nay, Phòng Giao dịch quản lý 3 xã có 11 điểm giao dịch với 245 tổ TK&VV. Tính đến hết ngày 3/7, tổng dư nợ đạt gần 507 tỷ đồng, đạt 99,45% kế hoạch, tăng gần 23 tỷ đồng so với 31/12/2024. Tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,56 % với 245 tổ TK&VV, 8.405 hộ vay còn dư nợ, bình quân dư nợ gần 2,1 tỷ đồng/ Tổ TK&VV; 60 triệu đồng/hộ.
Ngoài việc tập huấn cho cán bộ hội, đoàn thể, ban giảm nghèo xã, trưởng ban và ban quản lý tổ TK&VV nhận ủy thác từ ngân hàng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thanh Thuỷ thường xuyên kiểm tra, rà soát quá trình hoạt động của tổ TK&VV tại địa phương; tích cực hướng dẫn các tổ về quy trình, thủ tục cho vay, gửi tiền tiết kiệm, ghi chép, theo dõi, giám sát các hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội thường xuyên rà soát, đánh giá, xếp loại, có kế hoạch củng cố các tổ. Chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV ngày càng nâng lên, là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH, quản lý hiệu quả nguồn vốn, giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo.
Thuý Hằng
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-huy-vai-tro-cua-to-tiet-kiem-va-vay-von-236167.htm
Bình luận (0)