Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng

Đắk Lắk chuẩn bị bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng năm 2025, nhưng hiện nông dân đang lo lắng trước việc thị trường nhập khẩu ngày càng siết chặt tiêu chuẩn, yêu...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng24/07/2025

Đắk Lắk chuẩn bị bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng năm 2025, nhưng hiện nông dân đang lo lắng trước việc thị trường nhập khẩu ngày càng siết chặt tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, giá thu mua sầu lại thấp hơn so với những năm trước.

Thời gian qua, với vai trò hỗ trợ canh tác, kết nối tiêu thụ cho nông dân; Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã liên tục có giải pháp, kiến nghị để bảo đảm định hướng quy hoạch, sẵn sàng tốt nhất cho loại trái cây này xuất khẩu…

ĐỐI DIỆN NHIỀU THÁCH THỨC

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 41.000 ha sầu riêng (bao gồm 1.000 ha của tỉnh Phú Yên cũ), sản lượng dự kiến năm 2025 khoảng 400.000 tấn. Ngành hàng này đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là việc siết chặt tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đến yêu cầu cao về kỹ thuật canh tác, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm… của thị trường nhập khẩu. Vì vậy, người trồng và doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời.

Ông Lê Anh Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk chia sẻ, với hiện trạng mùa sầu riêng năm nay, có ba vấn đề khó khăn đặt ra với nông dân. Thứ nhất, sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được mùa về sản lượng, chất lượng trái được nâng cao. Tuy nhiên, giá cả đầu vụ đang xuống thấp khiến người trồng lo lắng. Không ít nông dân chịu áp lực về chi phí đầu tư lớn, đầu ra lại không ổn định, giá cả giảm khiến việc canh tác gặp khó khăn.

Thứ hai, một số vùng trồng vẫn chưa được cấp mã số, hoặc gặp khó khăn trong việc duy trì quy trình canh tác theo yêu cầu xuất khẩu. Đây là vấn đề đã đặt ra nhiều năm, mà vẫn chưa được tháo gỡ. Thứ ba, tại một số nơi vẫn xảy ra tình trạng cạnh tranh nội bộ, thương lái ép giá, nông dân thiếu thông tin cập nhật về thị trường xuất khẩu và hạn chế sản xuất, hợp tác với các doanh nghiệp đầu mối, vì thế làm giảm khả năng bảo đảm đầu ra. Căn nguyên của cả ba vấn đề này, theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk chính là chưa có đầu mối giải quyết các vấn đề ngay từ khi triển khai canh tác đến đầu ra xuất khẩu. Để tháo gỡ, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk với vai trò là cầu nối giữa nông dân - doanh nghiệp - cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang tiếp tục phát huy hoạt động của mình

Về ngắn hạn, ngay trong vụ mùa này, Hiệp hội đang kiến nghị các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu mua, đóng gói và xuất khẩu sầu riêng đúng theo Nghị định thư với Trung Quốc; nhằm đẩy nhanh quá trình cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho nông dân. Về lâu dài, Hiệp hội sẽ tập trung hỗ trợ hội viên tổ chức sản xuất theo các quy trình chuẩn, tiến hành kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, cùng nông dân nâng cao năng lực tiếp cận thông tin thị trường, nhằm tạo ra chuỗi liên kết bền vững giữa người trồng - doanh nghiệp - thị trường. Có như vậy, khó khăn của nông dân mới giải quyết được triệt để.

Ngay trước thềm vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức ba lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 500 nông dân, chủ hợp tác xã và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây này trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các lớp tập huấn, nông dân, chủ các hợp tác xã, doanh nghiệp được chuyên gia phổ biến những nội dung như: Kỹ thuật canh tác sầu riêng bền vững, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; phổ biến về các quy định của thị trường nhập khẩu; sử dụng sổ nhật ký canh tác điện tử gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; khảo sát, đánh giá, lên kế hoạch liên kết thu mua giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng... Đồng thời, hướng dẫn cách lấy mẫu đất, lá và tiến hành kiểm tra, phân tích, đánh giá chỉ tiêu liên quan đến quy định chất lượng sầu riêng xuất khẩu...

Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Ea Kiết chia sẻ: “Gia đình tôi trồng được 2 ha sầu riêng năm thứ 7 và đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Lớp tập huấn đã giúp tôi và những người trồng sầu riêng nắm bắt kỹ thuật canh tác bền vững, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; việc sử dụng nhật ký canh tác điện tử gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hiểu thêm về quy định của thị trường nhập khẩu… Từ đó chúng tôi áp dụng vào thực tế để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng ngay vụ thu hoạch này...”.

CẤP THIẾT MINH BẠCH “VÙNG AN TOÀN”

Ông Lê Anh Trung chia sẻ: Để tháo gỡ khó khăn, việc yêu cầu xác tín, minh bạch những “vùng an toàn” là một giải pháp trực tiếp, then chốt nhất cho sầu riêng Đắk Lắk. Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã chủ động xây dựng các giải pháp ngắn hạn, trọng tâm, khẳng định chất lượng sầu riêng. Hiện nay, Hiệp hội đã phối hợp với các tổ chức khoa học nghiên cứu, xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng ở các vùng trồng trọng điểm, từ đó xác định rõ các “vùng an toàn” một cách minh bạch, để doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài yên tâm hợp tác, góp phần ổn định thị trường, nâng cao giá trị sầu riêng Việt Nam.

Về lâu dài, Hiệp hội đã lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh, với ba trụ cột chính. Một là cùng chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân tổ chức lại các khâu sản xuất theo vùng nguyên liệu có mã số, có hợp đồng liên kết rõ ràng. Quan hệ hợp tác chặt chẽ, có hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp, vừa bảo đảm để nông dân an tâm canh tác, đồng thời, có các hợp đồng bền vững. Hai là, Hiệp hội cùng chính quyền tăng cường vận động đầu tư, thu hút đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đặc biệt là các dòng sản phẩm cấp đông, giảm phụ thuộc vào thị trường trái cây tươi.

Qua đó, giúp nguồn sầu riêng Đắk Lắk vào vụ chính có nhiều lợi thế hơn để xuất khẩu, nhưng đòi hỏi phải có được khâu quy hoạch khoa học, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư hiệu quả từ chính quyền và các ngành quản lý. Ba là, đề xướng các doanh nghiệp gắn kết cùng chính quyền cơ sở xây dựng thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk gắn với truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tăng thêm giá trị, hình ảnh trách nhiệm của các bên sản xuất, xuất khẩu với thị trường, giải quyết tận gốc tình trạng nông sản trôi nổi, ảnh hưởng đến tầm nhìn quy hoạch vùng canh tác bền vững của nông nghiệp địa phương và của cả quốc gia.

Theo các chuyên gia, ngoài khách hàng Trung Quốc như hiện nay, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đang định hướng xúc tiến thị trường xuất khẩu đa dạng hơn cũng như xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro thị trường, giúp nông dân tăng thêm năng lực quản lý canh tác. Lợi thế hiện nay là tỉnh Đắk Lắk đang có các kế hoạch hỗ trợ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và kết nối thị trường. Đây là cả một hành trình lâu dài, rất cần sự chung tay của toàn ngành, từ chính quyền, doanh nghiệp đến người trồng sầu riêng, tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng khép kín, an toàn, bền vững ■

Nguồn: https://baolamdong.vn/phat-trien-ben-vung-nganh-hang-sau-rieng-383585.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm