Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ quy hoạch, đào tạo, hỗ trợ tài chính đến quảng bá sản phẩm, bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Sở NN&MT đã thí điểm một số mô hình mang tính chất lan tỏa, tạo sức hút cho du lịch nông nghiệp kết hợp nghề truyền thống. Điển hình là mô hình trồng giống nho Mẫu Đơn trên diện tích 0,1ha tại xã Lục Hồn, mô hình trồng mận Tam Hoa quy mô 1,2ha/5 hộ dân và dự án trồng hồi ghép theo hướng hữu cơ trên 5ha/5 hộ dân tại Hoành Mô. Thông qua các mô hình này, người nông dân được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải thiện quy trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và định vị thương hiệu trên thị trường du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống. Tiêu biểu như xã Bình Liêu đang duy trì làng nghề chế biến dong riềng tại thôn Lục Ngù; khuyến khích phát triển nghề đan lát truyền thống từ mũ nón, túi lưới đến kèn lá của dân tộc Sán Chỉ để xây dựng thành đồ lưu niệm phục vụ du khách; bảo tồn nghề làm đàn tính của người Tày... Những sản phẩm này không chỉ được bán tại chợ phiên, homestay mà còn trở thành điểm nhấn trong các tour du lịch cộng đồng.
Còn tại xã Hải Sơn cũng chú trọng phục hồi các nghề truyền thống của người Dao Thanh Y. Các hộ gia đình đã khôi phục nghề đan nia, thúng, nón lá, mây tre đan; cùng đó là bảo tồn ẩm thực: Khau nhục, bánh chưng gù, cơm ba màu… và dược liệu cổ truyền như thuốc uống, thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh.
Về phía tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 238/KH-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xác định rõ nhiệm vụ phát triển các làng nghề truyền thống thành sản phẩm văn hóa, du lịch. Toàn tỉnh hiện có 405 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, với 178 chủ thể tham gia chương trình và 100% sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử. 7 HTX điển hình tích hợp sản xuất nông nghiệp và du lịch nông thôn, như HTX Hoa Bình Liêu, HTX Cam mùng 10/10 (Vân Yên) hay HTX Nông dược xanh tinh hoa…, đã thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm, góp phần lan tỏa hiệu quả mô hình kinh tế tập thể đa chức năng.
Về quy hoạch và đầu tư hạ tầng, các địa phương đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 các làng văn hóa cộng đồng, cấp vốn hàng chục tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và huyện để chỉnh trang cảnh quan, xây mới cổng làng, nhà sinh hoạt cộng đồng, tạo không gian hấp dẫn cho du khách. Bình Liêu, Vân Đồn, Móng Cái đều triển khai chỉnh trang đường làng, tuyên truyền vận động người dân lắp đặt rào tre, vẽ tranh tường, trồng hoa, cắm biển hướng dẫn… nhằm nâng cao tính thẩm mỹ, giữ gìn bản sắc địa phương.
Công tác đào tạo, tập huấn đóng vai trò then chốt. Từ năm 2023-2025, hơn 2.000 học viên đã tham gia các lớp sơ cấp nghề chế biến món ăn, phục vụ du lịch cộng đồng, tập huấn quy tắc ứng xử văn minh với khách, kỹ năng giới thiệu sản phẩm OCOP, quản lý HTX, chuyển giao kỹ thuật nông - lâm nghiệp... với sự tham gia của cán bộ UBND xã, các thôn bản, các nghệ nhân, người có uy tín… Qua đó tạo sự đồng thuận, phát huy nội lực tại chỗ.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá được đa dạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Các sự kiện như Lễ khai trương Làng Sán Dìu, Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch Pò Hèn, hội thảo “Bảo tồn di sản Then”… đều là dịp giới thiệu hình ảnh, sản phẩm truyền thống của tỉnh đến công chúng.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư, mở rộng liên kết chuỗi giá trị, khuyến khích HTX, hộ gia đình đầu tư thiết bị chế biến, đổi mới bao bì, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm truyền thống. Đồng thời, phát triển mạnh du lịch trải nghiệm, giáo dục di sản, hướng đến mục tiêu “Sản phẩm đặc sản - nghề thủ công - trải nghiệm văn hóa” trở thành thương hiệu du lịch bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-trien-cac-nghe-san-pham-truyen-thong-3368052.html
Bình luận (0)