Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu, nền tảng nhân lực - vốn đang thiếu hụt phải được thiết lập bài bản, lâu dài và mang tầm chiến lược.
Cần 3.900 nhân sự
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1020/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035”. Đây là bước đi chiến lược nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong giai đoạn tới.
Theo đề án, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Không chỉ đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn các nhà máy điện hạt nhân, nguồn nhân lực còn đóng vai trò trụ cột trong việc đảm bảo an ninh và ứng dụng khoa học - công nghệ hạt nhân vào thực tiễn.
Đề án nhấn mạnh việc khai thác hiệu quả đội ngũ đã qua đào tạo; đồng thời tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu và các tổ chức triển khai khoa học - công nghệ hạt nhân. Mục tiêu là hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của ngành năng lượng hạt nhân.
Một điểm nổi bật của đề án là chủ trương đa dạng hóa hình thức đào tạo, kết hợp giữa trong nước và nước ngoài. Điều này nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời tiến độ xây dựng và vận hành hai nhà máy điện hạt nhân trọng điểm: Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Giai đoạn đến năm 2030, đề án dự kiến đào tạo tổng cộng 3.900 người có trình độ đại học và cao đẳng, trong đó có 670 người được cử đi đào tạo tại nước ngoài. Từ năm 2031 đến 2035, việc đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại tất cả nhà máy điện hạt nhân trong cả nước.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt. Chính sách này áp dụng cho cả người dạy, người học, người lao động và các cơ sở đào tạo tham gia chương trình phát triển điện hạt nhân.
Theo đó, 11 cơ sở đào tạo, bao gồm các trường đại học, học viện và trường cao đẳng được giao nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành điện hạt nhân. Các trường này sẽ được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và giảng viên. Danh sách các đơn vị đào tạo có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy theo điều kiện triển khai thực tế.

Các trường đã có gì?
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một trong 11 đơn vị trọng điểm được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân đến năm 2035. Tại đây, ngành Kỹ thuật hạt nhân do Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật đảm trách. Ngành này được thành lập năm 2011 và tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2012.
Trong buổi làm việc giữa Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và đoàn công tác Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương (ngày 16/5), PGS.TS Trần Thiện Thanh - Phó Trưởng Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật cho biết nhà trường hiện có hai đơn vị chuyên trách đào tạo và nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân với 27 cán bộ cơ hữu, đảm bảo công tác giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.
Thực tế công tác tuyển sinh cho thấy, giai đoạn năm 2020 đến 2024, sinh viên chuyên ngành Vật lý hạt nhân (ngành Vật lý học) trung bình khoảng 15 sinh viên/năm, ngành Kỹ thuật hạt nhân trung bình 40 sinh viên/năm và ngành Vật lý y khoa trung bình 60 sinh viên/năm. Học viên cao học trung bình 20 học viên/năm và nghiên cứu sinh trung bình 5 người/năm. Điều này cho thấy, hạt nhân là một “ngành đặc thù”, cần đổi mới trong phương thức tuyển sinh, thu hút người học.
PGS.TS Trần Thiện Thanh đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi rõ ràng cho cả người học và giảng viên, nhằm khích lệ sự gắn bó và phát triển bền vững của đội ngũ. Đồng thời, ông nhấn mạnh việc đầu tư trọng điểm vào cơ sở vật chất phải được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Mới đây, nhà trường đã ký kết thỏa thuận với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) về hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân, hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Biên bản ghi nhớ xác định bốn lĩnh vực hợp tác chính, gồm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng, cơ sở vật chất và hạ tầng chiến lược. Trong đó, về đào tạo, hai bên thỏa thuận phát triển các chương trình về công nghệ điện hạt nhân, đào tạo sau đại học và xây dựng nguồn nhân lực cho các dự án năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.
PGS.TS Trần Lê Quan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhà trường luôn ưu tiên phát triển các lĩnh vực mũi nhọn, trong đó kỹ thuật hạt nhân giữ vai trò chiến lược, góp phần vào công nghiệp hóa và an ninh năng lượng quốc gia.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhà trường đang tích cực hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại. Đồng thời, trường cam kết đầu tư nguồn lực tối ưu, huy động đội ngũ giảng viên, nhà khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng công nghệ toàn cầu.
Trường Đại học Đà Lạt cũng là một trong những cơ sở đào tạo về lĩnh vực hạt nhân tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng nguyên tử. Khoa Vật lý - Kỹ thuật hạt nhân của trường đảm trách đào tạo ngành Kỹ thuật hạt nhân và chuyên ngành Vật lý hạt nhân thuộc ngành Vật lý học.
Hơn 97% giảng viên của khoa có trình độ sau đại học, trong đó nhiều người được đào tạo chuyên sâu tại các quốc gia có nền khoa học công nghệ hạt nhân tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Điều này đảm bảo sinh viên được tiếp cận với kiến thức và công nghệ cập nhật nhất từ các cường quốc hạt nhân trên thế giới.
Chương trình đào tạo được thiết kế toàn diện, bao quát cả kiến thức lý thuyết và thực hành, kế thừa tính ưu việt của nhiều chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu qua các môn học như: Vật lý hạt nhân và ứng dụng; Lò phản ứng hạt nhân và ứng dụng; Ứng dụng năng lượng hạt nhân trong y tế, công nghiệp và nông nghiệp; Quản lý chất thải phóng xạ và an toàn môi trường. Giáo trình giảng dạy được tham khảo từ các tài liệu quốc tế, liên tục cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Tự chủ đào tạo nhân lực
Trong bối cảnh các cơ sở đào tạo trong nước đang tích cực chuẩn bị nguồn lực phục vụ chiến lược phát triển điện hạt nhân, yêu cầu đặt ra là không chỉ mở rộng quy mô đào tạo mà còn phải đảm bảo chất lượng chuyên sâu, sát với thực tiễn vận hành nhà máy. Theo các chuyên gia, để đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và kỹ thuật của ngành này, việc đào tạo cần gắn chặt với đặc thù công nghệ và hệ thống thiết bị vận hành.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm - Ủy viên Ban chấp hành Hội Tự động hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhà máy điện nguyên tử có hai thành phần chính: Phần lò phản ứng hạt nhân tạo ra năng lượng để phát điện và phần hệ thống nhà máy điện, thực hiện biến đổi năng lượng phát ra từ lò phản ứng thành điện năng. Hai phần này được tích hợp với nhau trong hệ thống điều khiển.
Như vậy, điện hạt nhân sẽ tích hợp 2 loại công nghệ (công nghệ hạt nhân và công nghệ phát điện). Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ở nước ta có thể phân chia sơ bộ thành đào tạo vận hành lò phản ứng hạt nhân và đào tạo vận hành hệ thống điện.
Là chuyên gia có gần 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân, PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng, đào tạo nhân lực vận hành lò phản ứng hạt nhân Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn. Ông nêu lý do, điều khiển lò phản ứng hạt nhân sử dụng các kiểu điều khiển vòng kín để duy trì thông lượng nơ-tron theo công suất đặt, sử dụng các mô-đun và linh kiện điện tử, cơ khí, tự động hóa giống như nhiều ngành khác.
Tuy nhiên điểm khác biệt hệ thống điều khiển lò phản ứng ở hệ thống vật lý - kỹ thuật, trong đó sử dụng các cảm biến ghi nhận bức xạ hạt nhân có dải năng lượng rộng và ngẫu nhiên. Do đó, theo PGS Lâm, người vận hành cần phải nắm một số vấn đề liên quan đến các đại lượng hạt nhân như mật độ nơ-tron trong lò và chu kỳ tăng/giảm công suất tự động phù hợp để tránh sốc về mật độ nơ-tron, có thể gây sự cố. Ngoài ra, sự cố lò phản ứng hạt nhân có thể gây thảm họa lớn, như sự cố Chernobyl, Ukraine năm 1986.
Do yêu cầu nghiêm ngặt về vận hành lò phản ứng hạt nhân, nhân lực vận hành đòi hỏi có kỹ năng để đảm bảo cho lò hoạt động an toàn, có trách nhiệm cao, có tính kỷ luật cao, tuân thủ quy trình công nghệ,.... Việc đào tạo nhân lực vận hành cần phải gắn với hệ thống lò phản ứng cụ thể và giao cho đơn vị chuyên ngành về hạt nhân.
Dẫn lịch sử đào tạo ngành hạt nhân tại Việt Nam, ông Lâm khẳng định, vấn đề đào tạo nhân lực hạt nhân được đặt ra từ rất sớm. Tuy nhiên có những giai đoạn khó khăn kinh tế của đất nước, nhiều vấn đề phải giải quyết và điện nguyên tử vẫn chưa được quyết định ra đời nên phần nào giới hạn các hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân nguyên tử. Tuy nhiên, trong thời kỳ đất nước chuyển mình, năng lượng hạt nhân đang trở thành một nhu cầu phát triển. Mục tiêu khoảng 5 - 6 năm nữa, Việt Nam có điện hạt nhân, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước.
Để đào tạo nhân lực phù hợp vận hành lò phản ứng hạt nhân, ông Lâm cho rằng, ngoài việc phải mua nhà máy điện hạt nhân từ nước ngoài, nhà nước cần tiếp tục tuyển chọn nhân sự đi đào tạo quản lý và vận hành theo gói thầu kèm theo nhà máy điện. Đây là cách phù hợp tiến độ xây dựng nhà máy và đào tạo nhân sự trực tiếp với hệ thống sẽ sản xuất điện tại Việt Nam.
Về chính sách phát triển nhân lực, PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm nhận định, cần phải có định hướng đào tạo nhân lực trong nước để tạo nền tảng vững chắc cho các nhà máy điện này hoạt động. Hiện, một số cơ sở đào tạo có truyền thống trong nước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng)... đang tập trung chủ yếu cho đào tạo cơ bản về vật lý hạt nhân và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân.
Để đào tạo vận hành lò phản ứng hạt nhân cần có thiết bị thực hành tương ứng. “Nhiều cơ sở đào tạo có thể tham gia vào đào tạo nhân lực cho điện nguyên tử, nhưng cần làm rõ đơn vị sẽ đào tạo mảng nào trong hệ thống này và cần có hệ thống thực hành tương ứng kèm theo”, ông Lâm nói.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-dien-hat-nhan-dat-nen-mong-tu-dao-tao-nhan-luc-post738685.html
Bình luận (0)