Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thể chế là biện pháp hiệu quả nhất

(Dân trí) - Theo chuyên gia, cải cách thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp là biện pháp rẻ nhất nhưng mang lại hiệu quả lớn nhất để phát triển kinh tế tư nhân.

Báo Dân tríBáo Dân trí09/05/2025

Chiều 9/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay".

Bộ Chính trị trước đó đã ban hành Nghị quyết 68, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội đồng thời là chuyên gia kinh tế, nhận định sự ra đời của Nghị quyết 68 là cần thiết và có ý nghĩa. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng, mạnh mẽ, đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.

3 dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân

Ông Hiếu chỉ ra 3 mốc quan trọng trong sự phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ nhất là giai đoạn 1978-1990, khi Việt Nam chuyển từ quan điểm kinh tế tư nhân là thành phần cải tạo, không được thừa nhận sang là được thừa nhận và bắt đầu cho phép được hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định theo quy định. Doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn này vẫn gặp nhiều khó khăn dù có đóng góp tích cực cho các hoạt động kinh tế xã hội, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ.

Mốc thứ 2 là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp giai đoạn 1999-2000, thay đổi về quan điểm của Việt Nam đối với khu vực tư nhân. Trước đó, doanh nghiệp có thể mất từ một đến vài năm với điều kiện ngặt nghèo để được thành lập thì sau năm 2000, việc thành lập dễ dàng, có thể tính bằng ngày, bằng giờ.

Phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thể chế là biện pháp hiệu quả nhất - 1

Ông Phan Đức Hiếu (Ảnh VGP).

Dấu mốc thứ 3, theo ông Hiếu, là việc ban hành Nghị quyết 68. Ông Hiếu chỉ ra những đột phá so với các lần thay đổi trước.

Thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân bằng cách trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường, tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường…

Tiếp theo là tăng mức độ bảo vệ. "Chúng ta nhìn thấy việc xử lý trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân theo hướng không hình sự hóa, như vậy là đã giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho khu vực này", ông Hiếu nêu.

Ngoài ra là việc khơi thông nguồn lực khi giúp khu vực này tiếp cận nguồn lực với đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, vốn, nhân sự...

"Đây sẽ là dấu mốc thứ 3 giúp thay đổi chất lượng khu vực kinh tế tư nhân, để đáp ứng nhu cầu mục tiêu phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2030-2045", ông Hiếu nêu.

Tỷ lệ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp tư nhân thấp

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), cho biết trước đây, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. "Có thời kỳ, doanh nghiệp Nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì vô cùng khó khăn", bà Thủy nói.

Tuy nhiên, Nghị quyết 68 khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực... Bà nhấn mạnh: "Không chỉ dừng ở trên nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm".

Lý do Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả - vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài là bởi hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng hơn 20% GDP; khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng tương đương. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước chiếm hơn 50%.

Nếu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% và xa hơn là tăng trưởng 2 con số thì vai trò của kinh tế tư nhân là cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, bà Thủy lưu ý, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng, nhưng đa phần còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, tỷ lệ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp (dưới 20%), còn 70% giá trị xuất khẩu vẫn thuộc về nhóm doanh nghiệp FDI.

"Vậy nên, định hướng phát triển nhanh, mạnh nhưng phải bền vững, nghĩa là không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà còn đảm bảo vai trò lâu dài, song hành cùng Nhà nước", đại diện Bộ Tài chính nêu.

Phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thể chế là biện pháp hiệu quả nhất - 2

Bà Bùi Thu Thủy (Ảnh VGP).

Trước ý kiến cho rằng để phát triển kinh tế tư nhân thì gốc rễ của vấn đề là cải cách thể chế, ông Phan Đức Hiếu cho rằng nếu như cải cách thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, thì đây là biện pháp cải cách rẻ nhất nhưng lại mang lại hiệu quả lớn nhất.

Ông cũng cho rằng cải cách thể chế xét về mặt lý thuyết là dễ nhất. "Xét về mặt thực tế sẽ có những lực cản. Thực tế cải cách thể chế của nước ta đã chứng minh là không phải có những hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực thì mới tạo ra sự đột phá mà chỉ khi cải cách mạnh mẽ về thể chế mới tạo ra được đột phá", ông đưa ra quan điểm.

"Cải cách thể chế sẽ là biện pháp hiệu quả nhất, công bằng nhất, tốn ít chi phí nhất mà có thể làm được gọi là khả thi nhất", ông nhấn mạnh.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-cai-cach-the-che-la-bien-phap-hieu-qua-nhat-20250509173402332.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm