Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Lê Tấn Tới chủ trì Tọa đàm.
Cùng dự có: đại diện Bộ Công an và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu, thấu đáo của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cho rằng đây là dự án Luật mới và khó, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dữ liệu cá nhân vừa tài nguyên chiến lược, được phép khai thác theo quy định nhưng lại thuộc quyền sở hữu của cá nhân, là tài sản đặc biệt; khi được giao dịch, sử dụng thì trở thành hàng hóa đặc biệt.
Trên tinh thần tạo một trong những đột phá trong cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý những vấn đề mới, đủ chín, đủ rõ thì luật hóa quy định, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và chưa đủ chín thì quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết để tổ chức thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Tọa đàm
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp - là chủ thể dữ liệu và tới nhiều lĩnh vực về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và một trong những yêu cầu nghiêm ngặt là quá trình sử dụng, quá trình xử lý, quá trình chuyển giao kể cả trong nước và chuyển dữ liệu ra khỏi biên giới, thì phải bảo vệ được an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho mọi hoạt động, bảo đảm khơi thông được nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để xử lý các mối quan hệ trên môi trường số là vô cùng phức tạp, nên cần chú ý xử lý thấu đáo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
Quang cảnh Tọa đàm
Đối với nội dung dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nội dung Chương III về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân và Chương IV về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình sử dụng dữ liệu cá nhân cần nghiên cứu điều chuyển các khoản cho phù hợp hơn, bởi đây là hai quá trình thường đi liền với nhau. Đồng thời, về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần nghiên cứu để bảo đảm nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm nhưng cũng cần bảo đảm phù hợp với thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở một số nội dung liên quan đến áp dụng pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền chủ thể dữ liệu; về dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến, trước mắt để hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo thẩm tra gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới theo quy định, trong đó có giải trình cụ thể các vấn đề nhằm hướng đến xây dựng dự thảo Luật có chất lượng tốt nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu
Trước đó, phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nêu rõ, dữ liệu cá nhân ngày càng có vai trò đặc quan trọng, không chỉ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là chủ thể dữ liệu, mà còn là nguồn dữ liệu chiến lược, tác động trực tiếp, toàn diện đến chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Thực tiễn cho thấy, công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn còn sơ hở, đã phát hiện nhiều vụ thu thập, tấn công, chiếm đoạt, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Nguyễn Minh Đức phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới nêu rõ, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được xây dựng trên tinh thần kế thừa và phát triển từ Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, có nhiều nội dung mới và nhiều nội dung liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi phí tuân thủ pháp luật. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với dự thảo Luật này là bảo vệ tốt dữ liệu cá nhân gắn liền với bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; phải phục vụ tốt cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, khơi thông nguồn lực, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Các đại biểu dự tọa đàm
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại mong muốn, các đại biểu trên từng lĩnh vực cụ thể phát huy tinh thần, trách nhiệm, tâm huyết, góp ý giúp Ủy ban có thêm cơ sở hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trước khi trình ra Quốc hội.
Tại Tọa đàm, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về chính trị, pháp lý, tính cấp thiết nhằm kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay. Đồng thời, tạo sự đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt của hệ thống pháp luật, phục vụ cuộc cách mạng đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các đại biểu dự tọa đàm
Các đại biểu cũng đề nghị, cân nhắc quy định mức xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân cho phù hợp hơn; đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; bảo đảm cân bằng giữa quyền dữ liệu cá nhân và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bảo đảm an ninh trật tự; nghiên cứu về việc lưu trữ dữ liệu cá nhân cho phù hợp…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức đánh giá cao các ý kiến phát biểu; nêu rõ, đây là những thông tin quan trọng về cơ sở khoa học, pháp lý, thực tiễn, giúp Thường trực Ủy ban trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
T. Thành
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-thuong-tuong-tran-quang-phuong-du-toa-dam-ve-du-thao-luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-post411700.html
Bình luận (0)