Cuốn sánh Phù thủy tranh giả mạo. Ảnh: CTV |
Trong Phù thủy tranh giả mạo, nhà văn người Mỹ Edward Dolnick tái hiện “câu chuyện có thật về một vụ lừa bịp cực lớn. Kẻ lừa đảo là người vẽ tranh giả thành công nhất thế kỷ XX, kẻ bị lừa nặng nhất là người có quyền lực thứ hai của nước Đức Quốc xã... Mọi điều liên quan đến vụ này đều phi thường”.
Tác giả một trong những vụ lừa đảo nghệ thuật lớn nhất thế kỷ XX là họa sĩ người Hà Lan Han van Meegeren (1889-1947). Sau những nỗ lực khẳng định mình trên con đường hội họa nhưng không được các nhà phê bình mỹ thuật ghi nhận, Han van Meegeren quyết định chứng minh tài năng của mình theo cách điên rồ: làm giả các bức tranh được sáng tác trong thời kỳ hoàng kim của Hà Lan. Và kỳ lạ thay, Han van Meegeren đã qua mặt các chuyên gia hàng đầu lúc bấy giờ.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, Hermann Goering - chỉ huy quân sự và thành viên hàng đầu của Đảng Quốc xã - đã mua một trong những bức Vermeers của Han van Meegeren, và “tác phẩm” này trở thành một trong những vật sở hữu quý giá nhất của ông ta. Sau chiến tranh, họa sĩ Han van Meegeren bị bắt vì tội bán tài sản văn hóa cho Đức Quốc xã. Lúc đó, họa sĩ mới thú nhận rằng bức tranh là đồ giả, và bị tuyên án 1 năm tù. Chưa đầy 2 tháng sau, ông qua đời do những cơn đau tim.
Nhà văn Edward Dolnick sinh năm 1952. Trong sự nghiệp của mình, ông có hàng chục tác phẩm tiêu biểu. Ông đoạt giải thưởng Edgar dành cho tác phẩm viết về tội phạm có thật xuất sắc nhất. Với THE FORGER’S SPELL - A True Story of Vermeer, Nazis, and the Greatest Art Hoax of the Twentieth Century, The New York Times nhận xét: “Edward Dolnick đã khơi trúng một mỏ vàng khi bàn đến sự táo bạo của quy trình giả mạo các tác phẩm nghệ thuật…”. The Washington Post viết: “Một câu chuyện lịch sử cuốn hút… Phù thủy tranh giả mạo đã đặt ra những câu hỏi kích thích tư duy về bản chất của nghệ thuật cũng như tâm lý dối lừa”.
Nhà văn Edward Dolnick chia sẻ rằng ông đã dành 5 năm để “rình rập trong những ngõ ngách khuất kín của thế giới mỹ thuật, giao du cùng với những kẻ bịp bợm và lừa đảo cũng như những chuyên viên điều tra và thám tử cố gắng vạch mặt chúng. Nếu không có người hướng dẫn về thế giới ngầm này, tôi sẽ không bao giờ tìm ra đường đi”.
Nguồn: https://baophuyen.vn/van-nghe/202505/phu-thuy-tranh-gia-mao-den-voi-ban-doc-viet-nam-55f2710/
Bình luận (0)