Quá trình theo dõi, quản lý, sử dụng và phát triển rừng được các ngành, địa phương của Quảng Ninh thực hiện bài bản. Trong 6 tháng đầu năm 2025, diện tích trồng rừng tập trung trong toàn tỉnh đạt 27.438,9ha, vượt 4,2% so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, diện tích trồng lim, giổi, lát đạt 180,1ha, thể hiện nỗ lực huy động nguồn lực và kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn của các địa phương.
Bên cạnh đó, hàng loạt mặt hàng lâm sản có giá trị kinh tế cao như gỗ rừng trồng, nhựa thông, hoa hồi, vỏ quế và hạt sở đều đạt sản lượng vượt kế hoạch. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 875.365m³, tăng 91,2% so cùng kỳ năm 2024; nhựa thông thu hoạch hơn 450 tấn, hoa hồi 465 tấn, vỏ quế 2.757 tấn… Đây chính là minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến và tổ chức điều phối khai thác hợp lý, giúp cây rừng phát triển đúng chu kỳ, tránh đổ gãy trong mùa mưa bão. Đồng thời, tỉnh cũng đã thực hiện thanh lý 1.332,73ha rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân bị thiệt hại do bão số 3 năm 2024 gây ra.
Chương trình khoán bảo vệ rừng thuộc dự án mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đã được giao cho 32 đơn vị với tổng diện tích 51.812,1ha rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Việc chuyển giao trách nhiệm bảo vệ cho các địa phương và tổ chức kinh tế đã góp phần tạo nên mạng lưới giám sát hiện trường chặt chẽ, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Song song đó, công tác chuyển mục đích sử dụng rừng luôn đảm bảo nguyên tắc và điều kiện theo quy định. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 267/NQ-HĐND ngày 28/4/2025 phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 36 dự án, công trình; trong đó 53,77ha là rừng tự nhiên (gồm 49,67ha quy hoạch rừng phòng hộ, 4,1ha quy hoạch rừng sản xuất) và 229,546ha rừng trồng quy hoạch rừng sản xuất.
Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã thẩm định, trình tỉnh phê duyệt 2 hồ sơ phương án quản lý rừng bền vững. Quy trình thẩm định chặt chẽ đã góp phần cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chức năng phòng hộ, sản xuất của rừng. Chi cục cũng trình UBND tỉnh xem xét, quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 12 dự án, công trình; chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế đối với 6 dự án.
Một trong những đột phá quan trọng là công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong năm 2024, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt 5.340.897 nghìn đồng. Số tiền này đã được tạm ứng cho chủ rừng 3.930.021 nghìn đồng và chi cho quản lý 31.766 nghìn đồng, tạo động lực tài chính cho cộng đồng tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Công tác quản lý giống cây lâm nghiệp cũng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 206 cây trội, 0,06ha vườn giống và 3ha rừng giống chuyển hoá, phục vụ nghiên cứu và trồng rừng các loài chính, như thông nhựa, lim xanh, hồi, quế, giổi xanh… Ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm và chủ rừng, hằng năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý rừng, theo dõi diễn biến rừng và kỹ thuật trồng cây gỗ lớn cho cán bộ và chủ rừng.
Thời gian tới, Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, nâng cao hiệu quả dịch vụ môi trường rừng và đa dạng hoá nguồn giống lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy vai trò chủ rừng và cộng đồng, nhằm xây dựng Quảng Ninh trở thành địa phương phát triển lâm nghiệp điển hình.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/quan-ly-su-dung-va-phat-trien-rung-ben-vung-3365918.html
Bình luận (0)