* Nhật Bản sẽ sản xuất xe thiết giáp Patria AMV XP 8×8 tại Hiroshima
Trang Bulgarian Military đưa tin, công ty Japan Steel Works của Nhật Bản sẽ bắt đầu sản xuất theo giấy phép mẫu xe thiết giáp bánh lốp Patria AMV XP 8×8 do Phần Lan thiết kế ở Hiroshima vào tháng 9 năm nay. Đây là một bước phát triển quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản, thể hiện rõ những nỗ lực hiện đại hóa quân đội của quốc gia này.
Patria AMV XP 8×8 là xe thiết giáp bánh lốp do Phần Lan thiết kế. Ảnh: Blog Spot |
Việc sản xuất sẽ được thực hiện tại các cơ sở của Japan Steel Works ở Hiroshima, bắt đầu bằng việc lắp ráp các bộ phận do Phần Lan cung cấp, sau đó sẽ chuyển sang sử dụng linh kiện sản xuất trong nước thông qua mạng lưới các nhà thầu phụ của Nhật Bản.
AMV XP là phiên bản cải tiến hiện đại của dòng xe thiết giáp mô-đun của Patria, được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu chiến trường hiện đại. Xe có chiều dài khoảng 8m, rộng 2,8m và cao 2,4m, trọng lượng tác chiến tối đa 32 tấn và có thể mang tải trọng lên tới 15 tấn.
Hệ thống giáp mô-đun của xe cung cấp khả năng chống lại đạn xuyên giáp 30mm và mìn có sức nổ tương đương 10kg TNT, giúp nâng cao đáng kể khả năng sống sót so với xe tăng Type 96, vốn chủ yếu chỉ chống được hỏa lực súng bộ binh và mảnh đạn pháo. Hệ thống treo thủy khí độc lập của AMV XP cho phép xe đạt tốc độ tối đa hơn 100km/giờ, tăng khả năng cơ động trên nhiều loại địa hình.
Một trong những điểm nổi bật của AMV XP là tính linh hoạt. Nền tảng này có thể cấu hình cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như xe chở quân, xe chiến đấu bộ binh, xe chỉ huy, xe cứu thương, và các biến thể hỗ trợ hỏa lực. Xe có thể được trang bị trạm vũ khí điều khiển từ xa với súng máy hạng nặng, súng phóng lựu tự động hoặc pháo 30mm.
* Philippines mua 40 tàu tuần tra nhanh
Mới đây, hãng đóng tàu Pháp OCEA vừa ký hợp đồng cung cấp 40 tàu tuần tra nhanh cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Pháp vào nỗ lực an ninh hàng hải của Manila.
Bản dựng 3D tàu FPB 110 MKII tương lai của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ảnh: OCEA |
Các tàu tuần tra này sẽ được thiết kế dựa trên mẫu FPB 110 MKII của OCEA, dài 35m và nặng 110 tấn. Tàu có năng lực vượt trội so với bốn tàu OCEA FPB 72 hiện đang hoạt động, vốn chủ yếu được dùng để tuần tra ven bờ và hiếm khi đi vào khu vực Biển Đông. Theo OCEA, tàu FPB có thể đạt tốc độ 51 - 64,8km/giờ và hoạt động trong phạm vi 1.296km. Tàu có thể thực hiện các nhiệm vụ giám sát vùng lãnh hải và vùng biển xa, kiểm soát tàu thuyền trên biển và tuần tra bảo vệ chủ quyền.
Theo đó, thỏa thuận trị giá 400 triệu euro này bao gồm cung cấp tàu, các dịch vụ hỗ trợ hậu cần trong vòng 9 năm, và trang thiết bị để hỗ trợ hoạt động cho các tàu tuần tra nhanh tại 6 căn cứ của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Theo kế hoạch, 20 tàu sẽ được đóng tại Pháp và số còn lại đóng tại Philippines.
Trước đó, Manila đặt hàng thêm 5 tàu đa năng dài 97m từ Nhật Bản, một dự án lớn khác trong chương trình hiện đại hóa Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Cùng với nỗ lực từ Paris, 45 tàu mới sẽ bổ sung đáng kể cho đội tàu hiện có gồm 13 tàu có khả năng hoạt động xa bờ, giúp hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trên khắp quần đảo Philippines và vùng đặc quyền kinh tế.
Truyền thông nhà nước Philippines cũng đưa tin rằng quốc gia này cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán để mua 3 tàu tuần tra xa bờ theo thiết kế của tàu Gabriela Silang Pháp.
* Ấn Độ triển khai súng chống tăng mới
Theo Defence Blog, Quân đội Ấn Độ đã bắt đầu triển khai súng chống tăng vác vai Carl-Gustaf M4. Việc triển khai này diễn ra sau khi Saab FFVO India Pvt Ltd, công ty con do nước ngoài sở hữu của Saab AB, thành lập cơ sở sản xuất mới tại Ấn Độ.
Ấn Độ triển khai súng chống tăng Carl-Gustaf M4 mới. Ảnh: Defence Blog |
Theo những hình ảnh được lan truyền từ các cuộc tập trận gần đây của Quân đội Ấn Độ, binh sĩ đang vận hành hệ thống Carl-Gustaf M4 cỡ nòng 84mm, với các pháo thủ phụ mang theo hai viên đạn chống tăng tầm xa dòng 751.
M4 là bản nâng cấp đáng kể so với các mẫu Carl-Gustaf cũ từng được sử dụng trong quân đội Ấn Độ, với trọng lượng nhẹ hơn, chiều dài ngắn hơn và hệ thống ngắm bắn được cải tiến.
Năm 2024, sau khi được chấp thuận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 100%, Saab đã thành lập đơn vị sản xuất mới tại Ấn Độ nhằm chế tạo hệ thống Carl-Gustaf M4 trong nước. Công ty đã khởi công nhà máy mới vào tháng 3-2024, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình sản xuất biến thể M4 trong nước với việc chuyển giao công nghệ hoàn toàn.
M4 được thiết kế với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và vật liệu nhẹ, bao gồm sợi carbon gia cường, giúp tăng khả năng cơ động và phản ứng nhanh trong các hoạt động bộ binh. Súng tương thích với nhiều loại đạn như đạn chống tăng, đạn công phá công trình, và đạn chiếu sáng.
Việc Ấn Độ đưa vào sử dụng mẫu súng chống tăng mới nhất này thể hiện nỗ lực hiện đại hóa vũ khí bộ binh và thúc đẩy sản xuất quốc phòng trong nước theo sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India).
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
Nguồn: https://baodaknong.vn/quan-su-the-gioi-hom-nay-24-5-an-do-trien-khai-sung-chong-tang-moi-253481.html
Bình luận (0)