Xây dựng xã hội học tập không chỉ là khẩu hiệu mà là một đòi hỏi khách quan, sống còn trong bối cảnh hiện nay. Một xã hội học tập đúng nghĩa là nơi mọi công dân có cơ hội được học tập suốt đời, nâng cao trình độ, kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và thị trường lao động. Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4/11/2013) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra mục tiêu: "Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời". Tiếp đó, các kết luận, chỉ thị quan trọng như Kết luận số 49-KL/TW, Chỉ thị số 11-CT/TW, Chỉ thị số 29-CT/TW năm 2024 của Bộ Chính trị đã khẳng định yêu cầu cấp bách phải duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đặc biệt cho người lớn ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Như vậy, xây dựng xã hội học tập không đơn thuần là khát vọng văn hóa - tri thức, mà đã trở thành một yêu cầu chính trị rõ ràng, cụ thể, xuyên suốt trong các văn kiện chỉ đạo của Trung ương.
Quảng Ninh đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ "nâu" sang "xanh", từ công nghiệp khai thác đến du lịch, dịch vụ chất lượng cao và các ngành kinh tế tri thức, thì nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng học hỏi và sáng tạo là yếu tố "then chốt". Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh có địa hình rộng lớn, phức tạp, với nhiều địa phương miền núi, hải đảo, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số… nhiệm vụ xóa mù chữ và nâng cao dân trí càng trở nên cấp thiết.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, dù năm 2022, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, nhưng kết quả này vẫn còn thiếu bền vững. Đến năm 2024, toàn tỉnh vẫn còn 3.815 người chưa đạt chuẩn xóa mù chữ, trong đó có 1.424 người chưa đạt chuẩn mức độ 1. Con số ấy không chỉ là thách thức về giáo dục mà còn là chỉ dấu cho thấy ranh giới mong manh giữa việc duy trì kết quả đạt được và nguy cơ tái mù chữ trên diện rộng, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Cô Tô - nơi điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ dân tộc thiểu số cao và cơ hội tiếp cận giáo dục còn hạn chế…
Trong bối cảnh đó, việc ban hành quy định rõ nội dung, mức chi cho nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ là yêu cầu cấp thiết. Dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được xây dựng và đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 29 của HĐND tỉnh khóa XIV là "lời giải cho bài toán" tạo ra một khung pháp lý vững chắc, nguồn lực tài chính minh bạch để triển khai hiệu quả việc xây dựng xã hội học tập. Nghị quyết được ban hành sẽ tạo sự đồng bộ, kế thừa và phát triển các chính sách đã có, tạo nên một hệ thống vững chắc cho công tác quan trọng này.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của dự thảo Nghị quyết là việc quy định chi tiết các nội dung và mức chi, thể hiện sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý ngân sách nhà nước. Cụ thể, mức hỗ trợ thắp sáng ban đêm cho lớp học xóa mù chữ bán trú là 200.000 đồng/lớp/tháng, tối đa 13 tháng đối với giai đoạn 1 và 12 tháng đối với giai đoạn 2. Mức chi mua tài liệu học tập phục vụ lớp học không vượt quá 250.000 đồng/lớp/giai đoạn.
Học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ được hỗ trợ trực tiếp 500.000 đồng/người/giai đoạn. Dự thảo Nghị quyết còn quy định hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại cho tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ người tham gia tuyên truyền, huy động học viên với mức hỗ trợ 200.000 đồng/người, thể hiện sự trân trọng và khuyến khích những đóng góp của cộng đồng vào sự nghiệp giáo dục.
Các nội dung chi và mức chi đều được xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tế, tham khảo khung hướng dẫn của Bộ Tài chính và kinh nghiệm của nhiều địa phương đã thực hiện trước, có tính khả thi cao, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý tài chính công và tạo thuận lợi cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả.
Không chỉ hợp lý về tài chính, những quy định này còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm thực chất của tỉnh đối với người học ở nhóm yếu thế. Điểm nổi bật và mang tính đột phá của dự thảo Nghị quyết là mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân tham gia học xóa mù chữ. Với mức 5 triệu đồng/người/giai đoạn, đây là một khoản hỗ trợ đáng kể, không chỉ khích lệ người dân trong độ tuổi từ 15-60, có thường trú tại Quảng Ninh tham gia các lớp học, mà còn giúp họ vượt qua những "rào cản" về chi phí sinh hoạt trong quá trình học tập.
Điều kiện hỗ trợ được xác định rõ ràng, học viên được hưởng kinh phí sau khi cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành từng giai đoạn của chương trình xóa mù chữ. Chính sách này cũng có ý nghĩa to lớn trong việc đẩy lùi nạn mù chữ và tái mù chữ, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn. Việc áp dụng từ năm 2025 đến hết năm 2030, cùng với điều khoản linh hoạt cho những học viên đang tham gia học trong năm 2025, đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả của chính sách từ dự thảo Nghị quyết này.
Nghị quyết được thông qua góp phần tạo chuyển biến tích cực, sâu rộng trong công cuộc xây dựng xã hội học tập tại Quảng Ninh, góp phần duy trì và nâng cao kết quả xóa mù chữ, phòng chống tái mù một cách chủ động; tạo động lực và điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, phụ nữ nông thôn, tiếp cận với tri thức, phát triển bản thân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Qua đó, cũng giúp các cấp chính quyền có cơ sở pháp lý vững chắc để phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách hiệu quả, công khai, minh bạch.
Xây dựng xã hội học tập là chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư bền bỉ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt rất cần có những chính sách công nhất quán, cụ thể. Việc ban hành nghị quyết quy định nội dung, mức chi cho nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và hỗ trợ người dân tham gia xóa mù chữ là hành động thiết thực để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hiện thực hóa các cam kết chính trị thành lợi ích cụ thể cho người dân. Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là nền tảng vững chắc.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/quan-tam-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-3366836.html
Bình luận (0)