Tàu cập Cảng Nghi Sơn xếp dỡ hàng hóa.
Những tín hiệu vui...
Hệ thống cảng biển Thanh Hóa hiện có 28 cầu cảng cứng với tổng chiều dài 5.343m (trong đó 15 cầu cảng tổng hợp với chiều dài 3.341m, tăng gấp gần 6 lần về số lượng và tăng 5 lần về chiều dài so với năm 2010. Trong những năm qua, hệ thống cảng biển Thanh Hóa đã được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các bến cảng mới (bao gồm tuyến bến, khu nước trước bến) được đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng hàng hải từng bước hoàn thiện. Hệ thống giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển Thanh Hóa tương đối tốt, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa đi và đến cảng. Hiện nay, cảng biển Thanh Hóa đủ năng lực tiếp nhận tàu lớn nhất có trọng tải 320.000 tấn tại bến phao SPM; tàu tổng hợp, rời có trọng tải đến 70.000 tấn (giảm tải) tại cầu bến. Bước đầu đã thu hút được tuyến vận tải container đến và rời khu bến Nam Nghi Sơn.
Cùng với việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các nhà đầu tư khai thác cảng; đặc biệt là chính sách thu hút các hãng tàu nước ngoài vào cảng để bốc xếp hàng container. Các chủ trương, chính sách này là động lực để tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực hoàn thiện hạ tầng hệ thống cảng biển Nghi Sơn, triển khai các giải pháp để gia tăng số lượng, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng, tăng thu ngân sách cho tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tại địa phương vượt cao so với dự báo tại Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Thanh Hóa đạt 56,27 triệu tấn; trong đó hàng khô, rời đạt 36,31 triệu tấn (chiếm 64,5%), hàng lỏng đạt 19,7 triệu tấn (chiếm 35%), hàng container đạt 0,27 triệu tấn (21.061 TEU). Trong đó, tỷ trọng hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng qua Nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh). Tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020-2024 đạt 12,7%.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng, lợi thế của hệ thống cảng biển Thanh Hóa vẫn còn hạn chế, khó khăn. Một số dự án chưa có sự đồng bộ giữa lộ trình đầu tư tại quy hoạch và thời gian thực tế đầu tư xây dựng các bến cảng. Về giao thông kết nối đường biển, chuẩn tắc luồng tàu chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hạn chế về các vị trí chứa chất nạo vét ổn định, lâu dài, ảnh hưởng đến tiến độ nạo vét và duy tu các tuyến luồng hàng hải và khu nước trước cầu cảng, làm giảm hiệu quả khai thác cảng. Khu vực Bắc Nghi Sơn chưa thiết lập được tuyến luồng công cộng; việc triển khai dự án xã hội hóa nạo vét tuyến luồng Lệ Môn còn khó khăn, vướng mắc. Các bến cảng thuộc cảng biển Thanh Hóa được kết nối đến các tuyến vận tải thủy nội địa chủ yếu thông qua tuyến vận tải ven biển, các tuyến đường thủy nội địa thông qua tuyến sông hạn chế...
Hiện tại mới chỉ có 1 khu đón trả hoa tiêu (tại khu vực phía Nam Nghi Sơn) phục vụ cho cả khu vực bến cảng Nam và Bắc Nghi Sơn. Do vậy, việc đón trả hoa tiêu cho tàu vào khu vực Bắc Nghi Sơn tương đối khó khăn do hải trình di chuyển xa. Thanh Hóa chưa hình thành được các trung tâm logistics, các cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức tại khu vực để hỗ trợ cảng biển...
Đến gần hơn với mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển
Vừa qua, Bộ Xây dựng vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với nhiều nội dung quan trọng, quy hoạch tạo nền tảng, cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển toàn diện hạ tầng cảng biển tại Thanh Hóa, thúc đẩy thương mại hàng hải, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Theo nội dung quy hoạch, cảng biển Thanh Hóa gồm các khu bến: Nam Nghi Sơn; Bắc Nghi Sơn; đảo Hòn Mê; bến cảng Quảng Nham - Hải Châu; bến cảng Lạch Sung; bến cảng Lệ Môn, Quảng Châu; các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Cảng biển Nghi Sơn.
Mục tiêu đến năm 2030, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Thanh Hóa sẽ đạt từ 71,65 triệu tấn đến 86,15 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,07 triệu TEU đến 0,2 triệu TEU, chưa bao gồm hàng của các dự án mở rộng/xây mới khu liên hợp sản xuất gang thép). Về kết cấu hạ tầng, Thanh Hóa sẽ có tổng số từ 20 đến 24 bến cảng gồm từ 57 cầu cảng đến 65 cầu cảng với tổng chiều dài từ 11.386m đến 13.526m (chưa bao gồm các bến cảng khác). Tầm nhìn đến năm 2050, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Thanh Hóa dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6%/năm đến 4,5%/năm.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 387,5ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 99.042,9ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải). Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn đến năm 2030 khoảng 21.906 tỷ đồng gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 4.511 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 17.395 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Trọng tâm đầu tư bến cảng tại các khu bến Nam Nghi Sơn, Bắc Nghi Sơn; đầu tư các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như: khu neo chờ, tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải; bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành. Cùng với đó là nâng cấp luồng Nam Nghi Sơn cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn (bao gồm cả khu quay trở), nghiên cứu hình thành luồng hai chiều khi đủ điều kiện; tuyến luồng hàng hải công cộng Bắc Nghi Sơn cho tàu trọng tải 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Để đạt được mục tiêu đề ra, quy hoạch tập trung vào 6 nhóm giải pháp, bao gồm: cơ chế, chính sách; huy động vốn đầu tư; môi trường, khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Trong đó, giải pháp về cơ chế, chính sách; huy động vốn đầu tư là “chìa khóa” mở cánh cửa dư địa và các giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch tạo nên sự chuyển dịch sâu hơn về chất.
Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra cơ hội, phát huy hiệu quả, tối đa tiềm năng, lợi thế của cảng biển, từ đó gia tăng nguồn lực kinh tế biển, tạo đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội, từng bước đến gần hơn với mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/quy-hoach-cang-bien-thanh-hoa-don-bay-cho-su-phat-trien-ben-vung-255473.htm
Bình luận (0)