Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Rà soát toàn diện, sẵn sàng bảo vệ dân trước bão số 3

“Các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, khẩn trương rà soát toàn diện phương án ứng phó bão, mưa lớn, sẵn sàng sơ tán, bảo đảm an toàn cho người dân tại mọi khu vực xung yếu...”

Hà Nội MớiHà Nội Mới20/07/2025

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó bão số 3 và mưa lớn sáng 20-7.

Đây là cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành trung ương và 18 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc. Hơn 1.700 xã, phường thuộc địa bàn ảnh hưởng đã được kết nối điểm cầu.

Tại điểm cầu Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Xuân Đại cùng đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự đầy đủ.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-hop-ung-pho-voi-con-bao-so-3-2007.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3. Ảnh: TTXVN

Bão mạnh, mưa lớn cận kề - các địa phương khẩn trương vào cuộc

Thông tin tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường đánh giá, bão số 3 có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, đòi hỏi hành động ứng phó thần tốc. Dự kiến khoảng 10h ngày 21-7, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; đến 10h ngày 22-7, tâm bão áp sát khu vực Quảng Ninh - Thanh Hóa, duy trì cấp 10-11, giật cấp 14.

Từ đêm 21-7, khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-11; vùng sâu trong đất liền gió cấp 6-7, giật cấp 8-9. Miền Bắc xảy ra mưa lớn diện rộng, khu vực đồng bằng - trong đó có thành phố Hà Nội - đối mặt nguy cơ úng ngập nghiêm trọng, bao gồm các xã thuộc lưu vực sông Bùi.

Theo Bộ Quốc phòng, đến 6h30 ngày 20-7, các lực lượng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn hơn 54.300 phương tiện với 227.000 người hoạt động trên biển nắm rõ hướng di chuyển và mức độ nguy hiểm của bão. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cử cán bộ tăng cường hỗ trợ thực địa tại: Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ; đồng thời phát đi 35 triệu tin nhắn cảnh báo đến người dân.

Các địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh đã khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, chuẩn bị cấm biển. Các doanh nghiệp viễn thông cam kết bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Hà Nội khẩn trương ứng phó bão và mưa lớn

ha-noi-1.jpg
Điểm cầu thành phố Hà Nội. Ảnh: Kim Nhuệ

Trao đổi bên lề cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phó Trường ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Ngay khi bão số 3 hình thành và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền, UBND thành phố đã ban hành các văn bản khẩn, yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng ứng trực theo phương châm “4 tại chỗ”.

Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai đã có hướng dẫn chi tiết cho các địa phương; yêu cầu theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động phương án tiêu úng, kiểm tra an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực có nguy cơ sạt lở. Các doanh nghiệp thủy lợi, cây xanh, thoát nước... đã vận hành hệ thống tiêu thoát, chủ động cắt tỉa cây, kịp thời giải tỏa cây xanh gãy đổ.

Liên quan đợt dông lốc chiều 19-7, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết: Thiên tai đã làm 3 người bị thương nhẹ (tại Mê Linh, Hồng Vân, Đại Mỗ), gây thiệt hại hơn 1.700m² mái tôn, 1,5ha nhà lưới, 80m² nhà sàn. Nhiều tuyến phố bị úng ngập, ách tắc tạm thời do cây đổ như Nguyễn Xiển, Phạm Văn Đồng, Cầu Bươu...; một số chuyến bay tại sân bay Nội Bài phải tạm hoãn. Hiện nay, toàn thành phố vừa tập trung khắc phục hậu quả, vừa khẩn trương triển khai các phương án ứng phó bão số 3 và mưa lớn kéo dài.

Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải hành động khẩn trương, đồng bộ, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không để bị động, lơ là. Các địa phương cần ngay lập tức rà soát, cập nhật phương án phòng, chống bão, lũ, úng ngập, sạt lở đất, đặc biệt ở những vùng trọng điểm ngoài đê, khu vực nuôi trồng thủy sản, nhà bè, sản xuất nông nghiệp. Với những khu vực nguy hiểm, cần sẵn sàng phương án di dời dân, kể cả áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết để bảo vệ an toàn tính mạng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương duy trì chế độ trực ban 24/24, phân công rõ cán bộ phụ trách từng khu vực xung yếu; bảo đảm an toàn điện, nước, y tế tại nơi sơ tán dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân chủ động phòng tránh.

Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật liên tục, truyền tải bản tin dễ hiểu, kịp thời tới người dân; hệ thống viễn thông bảo đảm thông suốt, hỗ trợ cảnh báo sớm.

“Một bài học lớn trong phòng, chống thiên tai là tính chủ động và sẵn sàng. Không thể để một phút chủ quan phải trả giá bằng tính mạng hoặc thiệt hại lớn cho nhân dân” - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/ra-soat-toan-dien-san-sang-bao-ve-dan-truoc-bao-so-3-709717.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm