
Theo nhiều thầy cô giáo, các thế hệ học sinh tương lai sẽ không còn cảnh đi học với ba lô túi cặp nặng trĩu trên vai. Những loại máy tính bảng, máy đọc sách, máy tính thông minh đang dần thay thế các công cụ truyền thống. Sách điện tử, gồm cả sách giáo khoa, đang dần phát triển và quen thuộc.
Từ bỡ ngỡ đến làm quen
Tất nhiên, với các thế hệ đi trước, kể cả những bậc cha mẹ thế hệ 9X thế kỷ 20, việc tiếp cận môi trường học tập dùng sách vở điện tử là không dễ dàng. Đơn cử, dịp dịch bệnh COVID-19 cách đây mấy năm, dù đã sẵn sàng tâm lý, nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng hoài nghi chất lượng học tập của con em, khi thấy bọn trẻ “lên lớp học online”, nghe giảng trực tuyến.
“Đó là khi con cái họ còn sử dụng sách giáo khoa giấy để học, chứ còn sắp tới, khi sách giáo khoa điện tử phổ biến hơn, suy nghĩ lo lắng của phụ huynh còn như thế nào” - một giáo viên tiểu học tâm tư.
Theo cô giáo này, việc tiếp cận sách giáo khoa điện tử, ở các lớp học gần đây đã có những biến chuyển tích cực. Nhà xuất bản Giáo dục cũng đã tổ chức trang “Hành trang số” để giới thiệu, hỗ trợ sử dụng sách giáo khoa điện tử cho học sinh.
Trang thông tin này có đầy đủ các bộ sách giáo khoa tiện cho phụ huynh, học sinh tra cứu, theo dõi, sử dụng học tập. Các bài giảng đều được trình bày rõ ràng qua từng “trang giấy online”, lại có thêm những công cụ hỗ trợ như tệp tin âm thanh, bài tập nhóm qua trò chơi…, rất tiện cho học sinh nắm bắt, thực hành làm bài tập.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, chủ trương giảng dạy trực tuyến, sử dụng các tài liệu, sách giáo khoa điện tử ở các cấp học đang được chú ý. Nhiều trường học đã bắt đầu vận động học sinh làm quen với sách điện tử, xây dựng các khung bài học, thực hành, trải nghiệm với dữ liệu số hóa, ngày càng đa dạng điều kiện tiếp cận và sử dụng sách giáo khoa điện tử trong lớp học.
Đặc biệt, với chủ trương số hóa này, các bộ sách giáo khoa khác nhau đều có thể được tra cứu dễ dàng, sử dụng thuận tiện hơn, và nhiều thầy cô giáo đã không phải lúng túng trước yêu cầu cần chuyển đổi sách học, môn học theo chương trình. Thậm chí các thầy cô giáo còn có thể chủ động chọn sách học cho phù hợp với yêu cầu giảng dạy, cách thức trình bày của mình.
Đối với học sinh, sách điện tử lại càng tỏ ra thuận tiện khi có thể tra cứu nhanh chóng từ máy tính, máy đọc sách, sao chép lưu giữ thông tin gọn gàng, và nhất là hành trang đến trường trở nên gọn nhẹ hơn.
Còn nhiều cái khó
Điều đáng nói, mặc dù đã cố gắng vận động, phát triển các nội dung số, song cho đến nay, mảng sách điện tử, nhất là sách giáo khoa, vẫn còn nhiều hạn chế.

Trang “Hành trang số” của ngành giáo dục vẫn bị giới hạn nhiều mục thông tin, nhất là các bài tập, bài giảng liên quan đến thực hành, trải nghiệm thực tiễn. Hệ thống công cụ hỗ trợ, về hình ảnh, đoạn phim, âm thanh… vẫn chưa được đa dạng và chưa đầy đủ.
Mới đây, ngành giáo dục đã phải lên tiếng cảnh báo khi phát hiện một số địa chỉ đào tạo, trung tâm giáo dục tư thục… sử dụng những bài giảng, dữ liệu số hóa từ sách giáo khoa điện tử để phục vụ các mục đích kinh doanh. Điều này vi phạm các nguyên tắc sở hữu bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Nhưng cảnh báo thì cứ cảnh báo, nạn sao chép, sử dụng phi pháp các thông tin từ sách giáo khoa điện tử vẫn tiếp tục diễn ra. Theo đó, câu chuyện “hành trang số” có đảm bảo các nguyên tắc bản quyền và giá trị giáo dục nhân văn hay không, vẫn là vấn đề cần được cả xã hội quan tâm giải quyết.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục, việc học tập qua sách điện tử sẽ chỉ là một hướng công cụ cơ bản. Quan trọng là môi trường giáo dục của các thế hệ trẻ hiện tại đã thay đổi nhiều, việc học tập không chỉ căn cứ sách giáo khoa, mà còn phải mở rộng ra nhiều lĩnh vực, điều kiện khác nhau. Ngoài đọc sách, học sinh cần được trang bị các kiến thức thực tiễn, kỹ năng sống… mới có thể phát triển cân bằng.
Việc sử dụng sách điện tử trong giáo dục còn cần gắn với những điều kiện về trang thiết bị, phương tiện sử dụng. Đơn cử, máy tính bảng phục vụ học tập sẽ cần được cài đặt, quản lý giám sát ra sao để tránh những nội dung xấu trên môi trường mạng. Việc tương tác qua lại của học sinh, từ sách giáo khoa đến các bài tập ứng dụng, trò chơi, cũng cần được kiểm soát nghiêm túc, cụ thể về môi trường trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay để giám sát, hỗ trợ đúng yêu cầu với học sinh.
Nhiều nhà trường ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã phải có những cảnh báo về tình trạng học sinh dùng các công cụ AI làm bài tập về nhà, vừa sai lệch các tiêu chí học tập vừa dễ dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc công cụ, lười suy nghĩ, kém sáng tạo ở học sinh.
Những vấn đề này, cho thấy đến nay môi trường học tập qua mạng trực tuyến, sử dụng các dạng sách giáo khoa điện tử vẫn còn nhiều khúc mắc, trở ngại. Từ ý thức chấp hành của học sinh, đến tâm lý chấp nhận, tin tưởng của phụ huynh, đã là một rào cản lớn với chủ trương phổ cập học tập “số hóa”.
Nguồn: https://baodanang.vn/sach-giao-khoa-dien-tu-hanh-trang-so-cua-nganh-giao-duc-3264907.html
Bình luận (0)