
Đây là dấu mốc đáng chú ý đối với TP.Đà Nẵng – địa phương đang sở hữu tiềm năng lớn về dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, sa nhân tím…, vốn chủ yếu sinh trưởng dưới tán rừng tự nhiên ở các vùng núi cao nhưng bấy lâu nay thiếu hành lang pháp lý để phát triển bền vững.
Theo quy định mới, người dân và doanh nghiệp được phép nuôi trồng dược liệu hợp pháp trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất, nếu có phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình trồng trọt phải đảm bảo không làm suy giảm chức năng sinh thái của rừng và tuân thủ đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt, các hoạt động chế biến, bao gồm ngâm, sấy, ủ... bị nghiêm cấm trong rừng nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm và cháy rừng, đảm bảo rừng được duy trì nguyên trạng.

Nghị định cũng phân quyền rõ ràng cho chính quyền địa phương, cho phép TP.Đà Nẵng chủ động ban hành danh mục cây dược liệu phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, đồng thời thúc đẩy liên kết cộng đồng, nhóm hộ và doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu dưới tán rừng. Các tổ chức, cá nhân có thể ký kết hợp đồng thuê môi trường rừng với thời hạn lên đến 10 năm, được bảo hộ quyền lợi và hưởng các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế sinh học.
Đáng chú ý, khái niệm “cây dược liệu trong rừng” và “thu hoạch dược liệu” cũng lần đầu tiên được định danh rõ ràng, nhằm tách biệt hoạt động nuôi trồng hợp pháp khỏi việc khai thác tự nhiên không kiểm soát. Điều này giúp loại bỏ tình trạng “lách luật” trong khai thác tài nguyên rừng, đồng thời khẳng định chủ trương phát triển ngành dược liệu theo hướng bài bản, bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

Với khung chính sách mới này, mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại Đà Nẵng có điều kiện để mở rộng quy mô, đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong quản lý. Nhiều doanh nghiệp địa phương kỳ vọng sẽ được tiếp cận quỹ đất hợp pháp, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong truy xuất nguồn gốc, bảo tồn giống gốc, chế biến sâu… Từ đó hình thành các chuỗi giá trị khép kín, vừa tạo sinh kế cho người dân miền núi, vừa nâng tầm giá trị thương hiệu của sâm Ngọc Linh và dược liệu bản địa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 183 góp phần mở đường cho Đà Nẵng trở thành trung tâm dược liệu vùng miền Trung, hiện thực hóa chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế sinh học đến năm 2030. Khi tài nguyên rừng được quản lý hiệu quả và gắn kết với mô hình sinh kế xanh, dược liệu Việt Nam, đặc biệt là các loài đặc hữu như sâm Ngọc Linh sẽ có cơ hội vươn tầm quốc gia và từng bước tiến ra thị trường quốc tế.
Nguồn: https://baodanang.vn/sam-ngoc-linh-va-duoc-lieu-da-nang-duoc-phat-trien-hop-phap-trong-rung-3264826.html
Bình luận (0)