Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Số hóa giáo dục ở An Giang

Trong kỷ nguyên số hóa, ngành giáo dục An Giang đã chủ động, tích cực triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác quản lý, dạy học. Sự đồng hành chặt chẽ của VNPT An Giang, cùng nỗ lực nội tại của ngành đã mang lại kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề vững chắc cho một nền giáo dục hiện đại, minh bạch, hiệu quả hơn.

Báo An GiangBáo An Giang14/05/2025

Ngành giáo dục An Giang đã chủ động và tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin

Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai nhiều dự án, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng trong hoạt động quản lý chuyên môn, quản lý tài chính, tài sản và quản trị trường học. Điều này cho thấy sự quyết tâm, tầm nhìn của lãnh đạo ngành trong việc tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Điểm sáng nổi bật trong quá trình chuyển đổi số giáo dục ở An Giang là việc triển khai thành công hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Theo Giám đốc GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm, việc xây dựng các mô hình công nghệ có sự gắn kết, liên thông dữ liệu đã đạt được những bước tiến quan trọng. Trong năm học 2024 - 2025, 100% trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thành công tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, mang lại sự minh bạch, giảm thiểu đáng kể thủ tục hành chính, nâng cao trải nghiệm cho phụ huynh và học sinh.

Không dừng lại ở đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 cũng được thực hiện hoàn toàn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, từ khâu đăng ký dự thi đến công bố kết quả. Bước tiến này tăng cường tính công bằng, minh bạch trong kỳ thi quan trọng, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Hơn nữa, dữ liệu tuyển sinh được kết nối tự động, chuyển thông tin học sinh trúng tuyển lên cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, tạo sự đồng bộ, liền mạch trong quản lý.

Một nội dung quan trọng khác là việc triển khai thí điểm học bạ số. Bắt đầu từ năm học 2023 - 2024 ở cấp tiểu học, đến năm học hiện tại, An Giang đã triển khai chính thức học bạ số cho toàn bộ bậc tiểu học; tiếp tục thí điểm ở bậc trung học. Bà Trần Thị Ngọc Diễm nhấn mạnh: “Việc số hóa học bạ không chỉ giúp giảm đáng kể hồ sơ giấy, nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn phù hợp với mục tiêu cung cấp thông tin, bổ sung dữ liệu thiết yếu về quá trình giáo dục cho người dân trong tương lai. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi xét tuyển và chuyển cấp, cũng như cho người dân khi tham gia lao động, học tập và hoạt động khác trong suốt cuộc đời”.

Theo VNPT An Giang, việc triển khai thành công Cổng học bạ số của Sở GD&ĐT, phối hợp các trường triển khai Học bạ số cấp tiểu học trong năm học 2023 - 2024 đã được Bộ GD&ĐT đánh giá cao. Dự kiến năm 2025, VNPT tiếp tục phối hợp triển khai Học bạ số cho cấp trung học, mở rộng phạm vi ứng dụng, nhân rộng lợi ích của giải pháp này. Phụ huynh giờ đây dễ dàng cập nhật kết quả học tập, điểm số và nhận xét từ giáo viên thông qua thiết bị điện tử, giúp nắm bắt tình hình học tập của con em mình mọi lúc mọi nơi.

“Học bạ điện tử rất tiện lợi. Tôi có thể xem điểm số, nhận xét của con bất cứ lúc nào, không cần phải chờ đến cuối kỳ hay cuộc họp phụ huynh, mọi thứ đều rõ ràng và minh bạch. Thông tin trên học bạ điện tử được bảo mật tốt hơn so với việc giữ quyển sổ giấy ở nhà, tránh bị thất lạc hoặc hư hỏng. Có thể thấy, học bạ điện tử giúp nhà trường và phụ huynh tiếp cận những phương pháp quản lý hiện đại hơn, tiện lợi hơn” - chị Ngọc An (32 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trên, ngành giáo dục An Giang còn triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số khác, mang lại lợi ích thiết thực. Các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, học và thi trực tuyến, phần mềm đánh giá mức độ chuyển đổi số... đã và đang được ứng dụng hiệu quả. Nhìn chung, các giải pháp thử nghiệm cung cấp đầy đủ dữ liệu cho Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, đang được đề xuất triển khai chính thức, phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số của ngành trong thời gian tới.

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, bà Trần Thị Ngọc Diễm nhấn mạnh việc hoàn thiện hạ tầng số, ưu tiên đầu tư mạng Internet và trang thiết bị phù hợp cho các trường học ở vùng khó khăn là yếu tố then chốt. Đồng thời, việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý thông qua chương trình tập huấn, hướng dẫn thực tế cũng được xem là nhiệm vụ cấp thiết. Ngoài ra, việc tăng cường bảo mật thông tin, triển khai giải pháp đảm bảo an toàn dữ liệu, mở rộng hệ sinh thái giáo dục số, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa công tác quản lý, cá nhân hóa trải nghiệm học tập cũng là định hướng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của cả thầy và trò.

Những nỗ lực, kết quả đạt được trong chuyển đổi số giáo dục ở An Giang là minh chứng cho sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm của ngành GD&ĐT trong việc nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, hứa hẹn những bước phát triển vượt bậc nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ số đối với giáo dục An Giang.

PHƯƠNG LAN

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/so-hoa-giao-duc-o-an-giang-a420723.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm