Thưa bà, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình tài sản mới đã và đang xuất hiện, trong đó có tài sản số và tín chỉ carbon. Bà có thể khái lược về hai loại tài sản này?
Trong nền kinh tế số, tài sản số ngày càng phổ biến và đa dạng. Theo các định nghĩa quốc tế, tài sản số là bất kỳ đối tượng nào tồn tại dưới dạng kỹ thuật số, có thể nhận dạng, lưu trữ và mang lại giá trị – từ dữ liệu, hình ảnh, âm thanh, phần mềm đến các tài sản được mã hóa như tiền mã hóa, token hay NFT. Tại Việt Nam, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu định nghĩa tài sản số là sản phẩm công nghệ được tạo lập, chuyển giao, xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối và thuộc quyền sở hữu hợp pháp theo quy định dân sự.
Tài sản số không cần tồn tại dưới dạng vật lý mà được lưu trữ trên nền tảng số như Blockchain, điện toán đám mây hoặc cơ sở dữ liệu. Một số loại phổ biến hiện nay gồm tiền mã hóa token đại diện quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng; NFT – đại diện cho tài sản kỹ thuật số duy nhất như tranh, nhạc, video; hay dữ liệu lớn và các phần mềm có giá trị kinh tế. Với sự hỗ trợ của công nghệ Blockchain, tài sản số đang tái định nghĩa lại khái niệm sở hữu và trở thành động lực tăng trưởng mới cho nhiều lĩnh vực.
Trong khi đó, tín chỉ carbon là loại tài sản gắn với xu hướng chuyển đổi xanh và được quan tâm ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xác định tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch, thể hiện quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc tương đương. Tín chỉ này thường được tạo ra từ các dự án giảm phát thải như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc cải tiến công nghệ. Trên thực tế, tín chỉ carbon đang dần trở thành công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững.
Mặc dù đã bước đầu được thừa nhận về mặt thương mại, nhưng cả tài sản số và tín chỉ carbon hiện vẫn chưa được pháp luật Việt Nam ghi nhận cụ thể là tài sản bảo đảm trong giao dịch tín dụng ngân hàng.
Bà có thể chia sẻ rõ hơn về quy định pháp luật đối với hai loại hình tài sản này hiện nay như thế nào?
Tài sản số như tiền mã hóa, tài sản kỹ thuật số và các tài sản số khác đang trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế số, nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể và toàn diện về tài sản số.
Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Định nghĩa về tài sản được đưa ra theo hướng liệt kê mà không khái quát theo nội hàm hay bản chất của tài sản. Định nghĩa này cũng không thể hiện và cũng không phủ nhận tài sản số có được coi là tài sản dưới góc độ pháp lý. Điều này dẫn đến sự hiểu không thống nhất về bản chất pháp lý của tài sản số. Bởi vì, nếu tài sản số được xác định là tài sản thì các chủ thể được xác lập, thực hiện các giao dịch đối với tài sản số, trong đó bao gồm các giao dịch bảo đảm như thế chấp, ký quỹ… Ngược lại, nếu tài sản số không được xác định là tài sản thì các vấn đề pháp lý đối với loại tài sản này đang bị bỏ ngỏ nên cũng không có cơ chế để tài sản này trở thành các tài sản bảo đảm.
Luật Giao dịch điện tử và Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã đề cập đến các giao dịch điện tử và rủi ro liên quan đến tài sản số, song không quy định rõ về khả năng sử dụng tài sản số làm tài sản bảo đảm. Tương tự, Bộ luật Dân sự và Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về các loại tài sản bảo đảm như đất đai, chứng khoán, quyền sở hữu trí tuệ…, nhưng không đề cập đến tài sản số. Việc tài sản số có được coi là tài sản bảo đảm hay không vẫn phụ thuộc vào việc pháp luật thừa nhận nó là tài sản (theo định nghĩa tại Điều 105).
Hiện nay, khung pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong quá trình xây dựng. Đáng chú ý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu với tài sản này. Đây là bước đi quan trọng mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai.
Theo bà việc hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản số và tín chỉ carbon hiện nay đã thực sự cấp thiết?
Theo tôi là hoàn toàn cấp thiết. Hiện nay, các tài sản số như tiền mã hóa, token, NFT vẫn chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là tài sản bảo đảm trong các giao dịch tín dụng, trong khi các quy định hiện hành chủ yếu áp dụng cho tài sản hữu hình hoặc tài sản tài chính truyền thống. Việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng khiến các ngân hàng gặp khó khăn khi muốn tiếp cận loại tài sản mới này, dù tiềm năng rất lớn.
Thừa nhận tài sản số và tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm không chỉ giúp mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho khách hàng, mà còn tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đa dạng hóa tài sản bảo đảm, đồng thời góp phần phát triển thị trường tài chính xanh và kinh tế số. Tín chỉ carbon nếu được pháp luật ghi nhận còn là kênh quan trọng giúp doanh nghiệp xanh huy động vốn, ngân hàng có cơ sở hỗ trợ các dự án môi trường.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, tiệm cận với quốc tế sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu thế, thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Có thể thấy hai loại tài sản mới trên được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, nền kinh tế. Vậy, bà có đề xuất, kiến nghị gì để hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản số, tín chỉ carbon phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Việc thừa nhận tài sản số và tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm sẽ mang lại nhiều lợi ích: tài sản số có tính thanh khoản cao, dễ giao dịch, minh bạch, tiết kiệm chi phí và góp phần thúc đẩy kinh tế số; trong khi tín chỉ carbon có thể mở rộng nguồn vốn cho các doanh nghiệp xanh và góp phần phát triển thị trường tài chính xanh. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp thực tiễn phát triển và xu hướng toàn cầu hóa.
Trước hết, cần xác lập rõ ràng địa vị pháp lý của tài sản số và tín chỉ carbon, coi đây là loại hình tài sản trong Bộ luật Dân sự. Đây là tiền đề để có thể sử dụng hai loại tài sản này làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính. Hiện pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể, trong khi thực tế giao dịch và nhu cầu sử dụng đang ngày càng lớn.
Thứ hai, pháp luật cần bổ sung quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự và Nghị định 21/2021/NĐ-CP để thừa nhận tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm, đồng thời ban hành hướng dẫn chi tiết về các biện pháp bảo đảm phù hợp, như thế chấp hoặc ký quỹ – thay vì cầm cố hay đặt cọc vốn chỉ phù hợp với tài sản hữu hình.
Thứ ba, cần xây dựng các quy định đặc thù về quản lý, lưu trữ, định giá, giám sát và xử lý hai loại tài sản này. Với tính chất phi vật lý và dễ biến động, việc kiểm soát rủi ro và xác định giá trị là yếu tố then chốt để đảm bảo tính minh bạch, an toàn và khả thi khi sử dụng làm tài sản bảo đảm.
Cuối cùng, việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm hơn khi tiếp cận loại tài sản mới mà còn tạo động lực thúc đẩy tài chính xanh, kinh tế số – phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/som-hoan-thien-phap-luat-ve-tai-san-bao-dam-la-tai-san-so-tin-chi-carbon-163348.html
Bình luận (0)