Chiều tối 24/4, chủ trì và phát biểu ý kiến về việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đơn vị tập trung nhân lực, tài lực, tiếp tục phối hợp để tiếp tục hoàn thiện các chương trình, sản phẩm, bước đầu có thể tiến hành thử nghiệm ngay tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9 tới.
Sau khi lắng nghe ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số đơn vị liên quan, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại Phong trào Bình dân học vụ số được phát động nhằm thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và đơn vị thuộc Quốc hội phải bắt đầu nghiên cứu để sớm có thể sử dụng được ngay các phần mềm ngay trong Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan, đơn vị đã nghe trình bày về các tính năng của Ứng dụng Quốc hội số 2.0 và phần mềm trợ lý ảo.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận xét: Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học Công nghệ, các công ty và chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số của Quốc hội đã có chuyển biến tích cực.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội và ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024-2026, mục tiêu đặt ra khi hoàn thành các danh mục phần mềm, mỗi công chức, viên chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, đơn vị trực thuộc của Quốc hội sẽ có trợ lý ảo, theo đánh giá, có thể tiết kiệm tới 30% thời gian làm việc, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc.
Cùng dự cuộc làm việc có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội; Nguyễn Đức Hải; Trần Quang Phương; Vũ Hồng Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Các đại biểu đã nghe đại diện Tập đoàn Viettel giới thiệu về App Quốc hội số 2.0 và các tính năng mới; trao đổi, thảo luận về các cải tiến, nâng cấp của ứng dụng để phục vụ hiệu quả nhất cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Qua nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Tập đoàn Viettel trong thời gian rất ngắn vừa qua đã làm việc ngày đêm để cải tiến, bổ sung nhiều tính năng mới cho App Quốc hội số 2.0.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những ý kiến trao đổi của các đại biểu Quốc hội, đề nghị tập đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện App Quốc hội số 2.0, đẩy nhanh việc cài đặt, tập huấn, hỗ trợ các đại biểu Quốc hội, qua đó có thể đưa vào vận hành thử nghiệm ngay tại Kỳ họp thứ 9 vào đầu tháng 5.
Để đạt các mục tiêu, yêu cầu về các tính năng hiện đại và hiệu suất ứng dụng của App Quốc hội số 2.0, hướng tới việc khai thác hiệu quả cao, có tính thân thiện, tiện ích phục vụ các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ, cung cấp dữ liệu cho ứng dụng nói trên, sớm triển khai sử dụng ứng dụng trong hoạt động của các cơ quan.
Giới thiệu về App Quốc hội số 2.0, đại diện Tập đoàn Viettel cho biết vừa qua đã bổ sung một số tính năng mới, cải thiện hiệu suất hệ thống như tính năng tìm kiếm và truy cập văn bản, mở rộng phạm vi tìm kiếm, không giới hạn ở từng kỳ họp; cập nhật và sắp xếp các văn bản theo thứ tự ưu tiên, tối ưu hóa tính năng chia sẻ tài liệu trực tuyến giữa các đại biểu, tăng tốc độ truy cập ứng dụng khi sử dụng tài liệu...
App Quốc hội số 2.0 cũng bổ sung tính năng cho phép tra cứu trực tiếp trong một nội dung văn bản giúp truy vấn thông tin nhanh chóng mà không cần phải đọc từng trang tài liệu; tổng hợp tóm tắt các trang tài liệu có ghi chú cá nhân; phân chia văn bản thành các loại để tra cứu dễ dàng hơn; tích hợp trợ lý ảo AI để hỗ trợ đại biểu tra cứu thông tin, tích hợp chức năng chất vấn bằng văn bản, cho phép đại biểu truy vấn các nội dung chất vấn, góp phần hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động của đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Nguồn
Bình luận (0)