Ra mắt làng văn bằng tập truyện ngắn Tự nhiên say, một trong những tác phẩm được chọn xuất bản từ cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6, Phát Dương gây bất ngờ về một cây bút mới ngoài 20 nhưng có cách chọn và khai thác đề tài mới lạ, độc đáo. Giống như nhiều cây bút trẻ khác, Phát Dương từng có không ít truyện ngắn về thân phận người phụ nữ với những chìm nổi, đắng cay, dễ dàng bắt gặp đâu đó trong các truyện ngắn của thế hệ đi trước. Điều đáng ghi nhận ở Phát Dương chính là nỗ lực làm mới bản thân qua những đề tài mang màu sắc nghịch dị, phi lý, kỳ ảo. Càng về sau, truyện ngắn của anh càng đằm, chững chạc, mang đến nhiều bất ngờ với các tập truyện Bộ móng tay màu đỏ (2020), Mở mắt và mơ (2020), 2 người trong 1 ngăn tủ (2023).
Đến với văn học thiếu nhi bằng truyện dài 100 cửa sổ vào năm 2022, năm nay, Phát Dương trở lại bằng tập thơ dành cho thiếu nhi mang cái tên mộc mạc mà như bao trùm không gian của miền Tây Nam bộ: Xứ nước. Tập thơ với 29 bài, dựng nên cảnh sắc miền sông nước trù phú, đầy màu sắc với hình ảnh chợ nổi: Như là trong cổ tích/ Những chiếc ghe nói cười/ Có cả hoa và trái/ Tươi rói những mặt người (Sáng sớm đi chợ nổi). Và còn những hình ảnh thân thương, như ngôi chùa Khmer hoa văn muôn màu, ngày hội đua ghe ngo tưng bừng, câu xàng xê mùi mẫn, cá tôm dồi dào… Đặc biệt, bằng những con chữ giản dị, Phát Dương cũng cho người đọc thấy được tình nghĩa của những người dân nơi đây: Chẳng cần tiền đi chợ/ Rổ vẫn đầy và nhiều/ Bởi vì tình làng xóm/ Đong đếm bằng thương yêu (Đi chợ không cần tiền).
Theo chia sẻ của Phát Dương, trước khi viết văn xuôi, anh chạm ngõ văn chương bằng thơ, nhưng chủ yếu là những bài thơ viết cho riêng mình nhằm giải tỏa cảm xúc. Cho đến khi bắt đầu chuyển hướng viết cho thiếu nhi, anh nhận ra thơ có những khả năng hỗ trợ các em nhỏ tốt hơn mà văn xuôi chưa có. “Ví dụ như tính vần điệu và sự cô đọng, không phải chúng ta ngày nhỏ luôn dễ đọc lại vanh vách một bài thơ hơn là học thuộc lòng một đoạn văn đó sao? Vì lẽ đó, tôi đã chọn thơ làm hình thức biểu hiện cho tác phẩm lần này”, Phát Dương chia sẻ.
Với Xứ nước lần này, Phát Dương cũng muốn thử thách bản thân mình. Bởi trước đây, anh thường làm thơ tự do, trong khi thơ cho các em nhỏ lại chú trọng đến cách gieo vần. Với Phát Dương, làm thơ cho thiếu nhi cũng là một cách để anh thư giãn và quan sát cuộc sống bằng cách nhìn mới.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tac-gia-phat-duong-ve-xu-nuoc-bang-tho-post794689.html
Bình luận (0)