Lời hứa với đồng đội
Năm 1970, chàng trai trẻ Hoàng Huy tình nguyện nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 406, Quân khu 5. Tại các chiến trường khốc liệt như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai..., ông đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công.
Ông Hoàng Huy tìm kiếm thông tin, dữ liệu về các liệt sĩ. |
Ông vẫn nhớ như in trận chiến căng thẳng tại Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) vào tháng 6/1971. Dưới sự chỉ huy của cấp trên, ông cùng đồng đội âm thầm phục kích suốt 10 tiếng đồng hồ trong rừng núi khắc nghiệt; khi thời cơ chín muồi mới bất ngờ nổ súng tiêu diệt địch, bắn rơi hai máy bay. Chiến thắng ấy tạo thuận lợi cho việc mở đường để bộ binh ta tiến vào giải phóng Sơn Hà. Với chiến công này, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tháng 4/1972, Tiểu đoàn Đặc công 406 lại tiếp tục đối đầu với lực lượng địch tại căn cứ Đại Đức (Hoài Ân, tỉnh Bình Định) - nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố với vũ khí hiện đại. Trong trận đánh không cân sức ấy, đơn vị của ông Huy tổn thất nặng nề, nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại ở chiến trường.
Suốt những năm tháng chiến đấu trên các mặt trận, ông cùng đồng đội chôn cất nhiều đồng đội hy sinh. Từ những năm tháng khốc liệt đó, ông đã tự hứa với lòng mình nếu còn sống sẽ đi tìm đưa hài anh em trở về.
Gần 50 năm lặng thầm thực hiện lời hứa với đồng đội, cựu chiến binh Hoàng Huy không chỉ là người lính từng cầm súng trên chiến trường mà còn là người thắp sáng, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng tri ân đối với những liệt sĩ. |
Ngày thống nhất đất nước, người lính trẻ năm nào trở về quê hương mang theo ký ức nặng trĩu và một lời hẹn chưa trọn. Năm 1976, ông bắt đầu chuyến đi đầu tiên trở lại Quảng Ngãi, tìm nơi chôn cất liệt sĩ Trần Quang Xà, quê ở thôn Trần, xã Hạp Lĩnh, huyện Tiên Sơn (nay là khu phố Trần, phường Hạp Lĩnh, tỉnh Bắc Ninh). Ông Xà là Phó trưởng ban quân y, trong một lần đi mua thuốc cho đơn vị bị địch tấn công bất ngờ đã anh dũng hy sinh. “Anh Xà hy sinh ngày 10/3/1974 tại dốc Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh - tỉnh Quảng Ngãi. Hôm ấy trời mưa như trút nước. Chúng tôi chôn cất anh bên một căn nhà nhỏ nơi sườn núi. Khi tôi quay lại tìm, nơi này đã thay đổi nhiều”- ông Huy ngậm ngùi kể lại. Căn nhà nhỏ ngày trước đã đổ nát, chỉ còn móng đá rêu phong… nhưng những dấu hiệu ông ghi vẫn còn. Khi tìm kiếm, đưa được hài cốt liệt sĩ Xà về quê hương Bắc Ninh, trước bàn thờ của người đồng đội cũ, mắt ông rưng rưng. Lần đầu tiên sau chiến tranh, ông thấy lòng mình nhẹ nhõm.
Hành trình đưa 70 liệt sĩ trở về đất mẹ
Kể từ đó, ông Huy tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội, thầm lặng và bền bỉ. Ông lần theo trí nhớ, gặp gỡ đồng đội cũ, lật từng trang hồ sơ, từng ký hiệu quân sự, nhờ các sở lao động - thương binh và xã hội, bộ chỉ huy quân sự nhiều tỉnh, thành phố. Khi cần, ông phối hợp với gia đình liệt sĩ xét nghiệm ADN, xác minh từng chi tiết, dù là nhỏ nhất.
Danh sách các liệt sĩ còn nằm lại ở các chiến trường do ông Hoàng Huy sưu tầm, tìm hiểu, thống kê nhiều năm qua. |
Trong ba lô ông mang theo mỗi lần về lại chiến trường xưa lúc nào cũng đầy đủ bản đồ cũ, la bàn, đèn pin, kính lúp, máy ảnh và một cuốn sổ nhỏ ghi chép rất nhiều chi tiết. Những vật dụng ấy đã cùng ông trèo đèo, lội suối, băng rừng trong bao chuyến đi tìm đồng đội kéo dài. Không ít lần, để tìm kiếm được một hài cốt liệt sĩ, ông Huy phải lặn lội, ngược xôi từ Bắc vào Nam từ 2 đến 3 lần.
Tính đến nay, ông đã giúp đưa 70 hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Từng cái tên liệt sĩ, quê quán, ngày hy sinh đều được ông ghi chép tỉ mỉ. Đó là các liệt sĩ: Nguyễn Bá Tôn (Hoài Đức, tỉnh Hà Tây nay là Hà Nội), Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Vũ Thương ở Phù Cừ (Hưng Yên), Nguyễn Đình Tất ở xã Phượng Mao (nay là phường Phương Liễu, Bắc Ninh), Cao Đức Thắng ở xã Đông Tiến (nay là xã Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)… Mỗi lần đưa được một đồng đội về với gia đình, đất mẹ, ông lại thắp nén hương thơm thì thầm: "Tôi đã giữ lời, anh ạ".
Không đếm được bao lần ông vượt đường rừng Tây Nguyên, có lúc phải quay lại vì mưa lũ. Năm 2011, ông bị tai nạn giao thông khi đang trên đường tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng ở Quảng Ngãi. Có khi nhiều ngày trời ông và thân nhân liệt sĩ phải nằm lại rừng sâu, ngủ lán, ăn mì gói, chỉ để xác minh một điểm nghi là nơi chôn cất liệt sĩ. Dù vậy, chưa một lần ông bỏ cuộc. “Còn sức, tôi còn cùng với thân nhân đi tìm đồng đội trở về”- ông nói giản dị mà kiên quyết.
Vợ ông, bà Đào Thị Toàn, dù rất lo lắng trước mỗi chuyến đi của chồng song luôn lặng lẽ ủng hộ: “Thấy ông sống nghĩa tình với đồng đội, tôi chỉ biết thắp hương cầu nguyện, mong ông tìm được thêm nhiều anh em”! Chi phí cho những chuyến đi ấy, ông đều tự trang trải từ khoản lương hưu chưa đầy ba triệu đồng mỗi tháng. Thi thoảng, gia đình và bạn bè giúp đỡ ít nhiều. Với ông, rừng xanh năm xưa không chỉ lưu giữ ký ức chiến tranh mà còn giữ lại một phần đời ông, nơi đó còn những đồng đội vẫn chưa được gọi tên, vẫn chưa trở về với vợ con, gia đình. Điều đó thôi thúc ông không ngừng bước.
Gần 50 năm lặng thầm thực hiện lời hứa với đồng đội, cựu chiến binh Hoàng Huy không chỉ là người lính từng cầm súng trên chiến trường mà còn là người thắp sáng, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng tri ân đối với những liệt sĩ. Ghi nhận những đóng góp ấy, ông đã được Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen (năm 2021) và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen (năm 2023) vì những đóng góp đặc biệt trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất là đưa được đồng đội trở về với gia đình, quê hương. Khi được hỏi vì sao ông chưa dừng lại khi tuổi đã cao, ông trả lời: “Bởi chiến tranh chỉ thật sự kết thúc, khi người cuối cùng nằm xuống được gọi tên”.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/tam-nguyen-cua-nguoi-linh-nua-the-ky-di-tim-dong-doi-postid422279.bbg
Bình luận (0)