Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường truyền thông về phòng ngừa tai nạn đuối nước

Theo thống kê của các ngành chức năng, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hàng ngàn trường hợp tử vong do đuối nước, trong đó phần lớn là trẻ em. Từ thực trạng này, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra những khuyến cáo để giúp phòng ngừa đuối nước, đồng thời cung cấp kỹ năng cứu hộ và thoát hiểm hiệu quả.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa18/05/2025

Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH khuyến cáo, trẻ em cần được giám sát chặt chẽ khi tắm tại bể bơi, biển, hoặc chơi gần sông, hồ. Sự giám sát của người lớn không chỉ đảm bảo an toàn mà còn xây dựng ý thức cho trẻ. Giải pháp hiệu quả nhất để phòng, chống đuối nước là dạy bơi cho trẻ em. Do đó, cần mở rộng triển khai các chương trình dạy bơi miễn phí hoặc chi phí thấp, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, trang bị cho trẻ kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm dưới nước như ra tín hiệu cầu cứu. 

Kỹ năng thoát khỏi dòng nước xoáy trên các bãi biển.
Kỹ năng thoát khỏi dòng nước xoáy trên các bãi biển.

Đối với những người không biết bơi, khi phát hiện người bị đuối nước cần sử dụng các vật dụng như: Cây sào, phao cứu sinh, hoặc dây thừng để hỗ trợ nạn nhân từ bờ, bởi hành động nhảy xuống nước cứu người mà không có kỹ năng có thể dẫn đến hậu quả cả nạn nhân và người cứu hộ đều gặp nguy hiểm. Vụ nam thanh niên lao theo cứu cô gái nhảy cầu Trần Phú hồi tháng 4-2025 là một ví dụ.

Theo các chiến sĩ CNCH chuyên nghiệp, tại các vùng biển như Bãi Dài (Cam Lâm) hay Nha Trang thường xuất hiện những dòng xoáy ngầm, với vận tốc lên đến 2,5m/s, có thể cuốn người ra xa bờ. Do thiếu kiến thức, nhiều người cố gắng bơi ngược dòng để vào bờ, dẫn đến kiệt sức và đuối nước. Vì thế, khi gặp trường hợp này, người dân cần bơi ngang dòng chảy, sau đó bơi vòng cung để trở lại bờ. Đối với những người không biết bơi hoặc đã kiệt sức, việc thả lỏng cơ thể để dòng nước đẩy đi và chờ cơ hội ra tín hiệu cầu cứu là lựa chọn an toàn nhất. Người dân cần quan sát nhận biết dòng xoáy thông qua các dấu hiệu như: Màu nước xanh thẫm hoặc sóng bạc đầu để tránh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm khảo sát, lắp đặt các biển cảnh báo dòng xoáy tại bãi biển và tăng cường tổ chức các buổi tập huấn cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực phát triển du lịch như: Nha Trang, Cam Lâm.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước hiện nay còn nhiều hạn chế. Đó là, nhận thức của cộng đồng về nguy cơ đuối nước còn chưa đồng đều; cơ sở hạ tầng phục vụ dạy bơi và cứu hộ còn thiếu thốn, đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi; các chiến dịch truyền thông về phòng, chống đuối nước chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ, dẫn đến việc nhiều người dân chưa nắm được các kỹ năng cơ bản. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng; nên đưa bơi lội vào chương trình giáo dục bắt buộc, đồng thời hỗ trợ xây dựng bể bơi công cộng ở các địa phương. Các tổ chức, doanh nghiệp có thể đóng góp thông qua việc tài trợ các khóa học bơi hoặc cung cấp thiết bị cứu hộ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua nhiều kênh để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân.

THÀNH LONG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/tang-cuong-truyen-thong-ve-phong-ngua-tai-nan-duoi-nuoc-adf37b5/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm