
Sáng 24/7, tại Kỳ họp thứ 29 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2025) HĐND TP Hải Phòng khoá XVI, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã trình bày báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hải Phòng sau sắp xếp.
Hải Phòng tiếp đà tăng trưởng 2 con số
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu nhấn mạnh 2025 là năm đặc biệt quan trọng - năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025, gắn liền với cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy.

TP Hải Phòng cùng với cả nước đang nỗ lực cao nhất để thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu quan trọng: vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp; đồng thời, vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp theo mô hình mới, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn (theo giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 209.600 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước, xếp thứ 2/34 tỉnh, thành phố và dẫn đầu trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương cũng như vùng đồng bằng sông Hồng (đông Hải Phòng tăng trưởng 11,04%, xếp thứ 7/63 địa phương cũ, thứ 2 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương; tây Hải Phòng tăng trưởng 11,59%, xếp thứ 5/63 địa phương cũ, thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng).
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2024, gấp 1,6 lần mức tăng bình quân cả nước (cả nước tăng 9,2%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên 100.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 58.400 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 41.300 tỷ đồng (Đông Hải Phòng thu trên 81.100 tỷ đồng; Tây Hải Phòng thu trên 19.800 tỷ đồng).
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt trên 139.800 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2024.
Thành phố thu hút trên 7,5 triệu lượt khách du lịch, đạt 52% kế hoạch năm, tăng trên 28% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 1,3 tỷ USD. Đã thành lập trên 3.300 doanh nghiệp, đạt 56% kế hoạch cả năm.
Tính đến ngày 30/6, thành phố giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 15.100 tỷ đồng, bằng 38,5% kế hoạch cả năm thành phố giao, bằng 42,2% kế hoạch cả năm Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Đông Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 7.800 tỷ đồng, bằng 30,65% kế hoạch thành phố giao, bằng 30,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Tây Hải Phòng giải ngân trên 7.300 tỷ đồng, đạt 53,4% so với kế hoạch tỉnh giao, đạt 70,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhiều dấu ấn kinh tế - xã hội nổi bật
Đồng chí Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu đã chỉ ra những điểm sáng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của thành phố trong 6 tháng đầu năm.
Trong đó, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, đồng bộ, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt ngay từ đầu. Thành phố đã chỉ đạo rà soát, bố trí trụ sở làm việc và đầu tư bổ sung trang thiết bị cần thiết cho các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp xã và tổ chức vận hành đồng bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngay từ ngày 1/7.
TP Hải Phòng đã hoàn thành đề án và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
.jpeg)
Hải Phòng tiếp tục triển khai nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, điển hình như việc trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bến cảng số 9, số 10, số 11 và số 12, khu bến cảng Lạch Huyện; trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Đề án Khu kinh tế chuyên biệt; hoàn thành việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực đô thị trung tâm phía đông thành phố; hoàn thành việc trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng đến năm 2050.
TP Hải Phòng (trước hợp nhất) được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024 và đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Gần đây nhất, TP Hải Phòng đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP Hải Phòng năm 2025 bên lề kỳ họp ABAC III với chủ đề “Hải Phòng - Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới”.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Lê Ngọc Châu cho biết phía tây Hải Phòng đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, toàn thành phố không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Những nhiệm vụ quan trọng sau hợp nhất
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu cho biết kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng còn một số hạn chế.
.jpg)
Trong đó, tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp so với tiến độ kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án chưa bảo đảm tiến độ yêu cầu và quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp còn phát sinh vướng mắc, nhất là ở cấp xã.
Đồng chí Lê Ngọc Châu nhấn mạnh để xảy ra hạn chế có nguyên nhân khách quan nhưng có 4 nguyên nhân chủ quan. Một số địa phương cấp xã chưa chủ động chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân sự và quy trình tác nghiệp khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, dẫn đến vận hành ban đầu còn bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; còn lúng túng trong việc điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình mới. Sự phối hợp giữa các sở, ngành với chính quyền cấp xã trong triển khai các nhiệm vụ còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Công tác phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội của một số ngành chưa sát thực tiễn dẫn đến việc xây dựng chỉ tiêu và đề xuất giải pháp thiếu tính khả thi.
Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, đồng chí Lê Ngọc Châu cho biết UBND TP Hải Phòng đã phân tích, xác định 5 bài học kinh nghiệm. Đó là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương; chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải ngân vốn đầu tư công để làm căn cứ trong chỉ đạo, điều hành, việc giao nhiệm vụ được thực hiện chi tiết đến từng tháng, quý, bảo đảm theo đúng tinh thần “6 rõ” như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền). Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là trong công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và điều hành linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 và trong 6 tháng cuối năm 2025, UBND TP Hải Phòng xác định một số mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát, xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt tập trung vào 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của 6 tháng cuối năm.


Cùng với 22 chỉ tiêu chủ yếu, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Đó là thực hiện tốt việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp gắn với tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của thành phố. Ưu tiên nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 12,35% cho cả năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong nhiệm kỳ tới.
Tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 226 ngày 27/6/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Khẩn trương triển khai hiệu quả Khu kinh tế phía nam TP Hải Phòng, Khu kinh tế chuyên biệt phía tây TP Hải Phòng, đặc biệt là khu thương mại tự do của thành phố.
Cụ thể hóa 4 nghị quyết của Trung ương về trụ cột chiến lược phát triển. Thường xuyên chỉ đạo, giải quyết dứt điểm 64 dự án tồn đọng, chậm tiến độ theo Công điện 112 của Thủ tướng Chính phủ.
Chuẩn bị về nhiệm vụ lập quy hoạch cấp tỉnh của TP Hải Phòng thay thế Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập quy hoạch chung TP Hải Phòng thay thế Quy hoạch chung TP Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023.
Triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để duy trì và cải thiện mạnh mẽ thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị công, sự hài lòng của người dân nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài ngân sách.
Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là bảo đảm an sinh xã hội với mức ngày càng cao, trong đó quan tâm rà soát các cơ chế, chính sách để bảo đảm thống nhất khi thực hiện sau khi hợp nhất cấp tỉnh.
PVNguồn: https://baohaiphongplus.vn/tang-truong-kinh-te-cua-hai-phong-sau-hop-nhat-dung-thu-hai-toan-quoc-417130.html
Bình luận (0)