Thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và đạt được kết quả tích cực.
Riêng về lĩnh vực KH&CN, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Phòng thử nghiệm đa ngành đã được đầu tư, bao gồm các lĩnh vực: phân tích, xét nghiệm, kiểm nghiệm (lĩnh vực sinh học và hoá học). Năng lực thử nghiệm đã được bộ, ngành chứng nhận; ở lĩnh vực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; lĩnh vực dịch vụ quan trắc môi trường; lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường, chất lượng. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng chỉ định và cấp các chứng nhận liên quan”.
Trên lĩnh vực KH&CN, phòng thử nghiệm đa ngành đã được đầu tư ở các lĩnh vực: phân tích, xét nghiệm, kiểm nghiệm (lĩnh vực sinh học và hoá học).
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất và đời sống cũng có những thành tựu nhất định. Ðiển hình như việc ứng dụng công nghệ sinh học bằng phương pháp invitro trong công tác nhân giống nuôi cấy mô để sản xuất các giống chuối, keo lai; sản xuất chế phẩm sinh học và thực hiện lưu giữ các nguồn gen cây trồng làm nguồn vật liệu sạch bệnh và có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Trong giai đoạn từ 2020-2024, ngành KH&CN tỉnh đã tập trung vào triển khai thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng các nhiệm vụ KH&CN trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ðã thực hiện 5 đề tài, dự án cấp bộ; 83 đề tài, dự án cấp tỉnh và 101 dự án cấp cơ sở. Trong đó, nhiều dự án nổi bật trên lĩnh vực thuỷ sản, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng con tôm, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhiều dự án nổi bật trên lĩnh vực thuỷ sản góp phần nâng cao năng suất, sản lượng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ các tài sản trí tuệ cộng đồng cho 2 chỉ dẫn địa lý, 7 nhãn hiệu chứng nhận và 2 nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh. Ngoài các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đăng ký và được cấp 324 văn bằng bảo hộ, tỉnh đã hỗ trợ 45 doanh nghiệp phát triển các tài sản trí tuệ trong việc kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đánh giá chất lượng hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng mã số mã vạch, thiết kế nhãn hàng hoá.
"Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao, quy mô nhỏ, chưa có những kết quả mang tính đột phá để góp phần phát triển nhanh nền kinh tế - xã hội của tỉnh", ông Trần Văn Trung nhìn nhận.
Ðể thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 tăng 8%, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó có Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 27/2/2025 thực hiện kịch bản tăng trưởng GRDP tỉnh Cà Mau năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Theo đó, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản đối với khu vực ngư, nông, lâm nghiệp. Ðồng thời, phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng KHCN để nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ, ông Trần Văn Trung cho biết: “Sở KH&CN được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu các văn bản cụ thể hoá các văn bản của Trung ương. Kết quả, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình số 86-CTr/TU ngày 19/2/2025; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 25/2/2025. Trong đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được xác định và giao các đơn vị cấp tỉnh và địa phương tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của tỉnh Cà Mau là 8%”.
Với quyết tâm nêu trên, để tạo đột phá thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của tỉnh, ông Trần Văn Trung nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên đầu tư, như ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y tế và công nghiệp chế biến, tập trung vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, công nghệ chế biến nông sản và dược liệu; nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế biển và năng lượng tái tạo; nghiên cứu phát triển đổi mới, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao giá trị hàng hoá có thế mạnh của tỉnh.
Ðồng thời, tập trung hoàn thiện hạ tầng số, trọng tâm là hạ tầng dữ liệu, đầu tư mới Trung tâm dữ liệu của tỉnh; đẩy mạnh số hoá và chuẩn hoá dữ liệu các ngành trọng yếu, như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, y tế, giáo dục. Triển khai ứng dụng kết nối IoT, đẩy mạnh thí điểm đưa AI vào các ứng dụng của cơ quan Nhà nước; chú trọng công tác đảm bảo an toàn và an ninh mạng, an ninh thông tin. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, số hoá quy trình sản xuất, quản lý thông minh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ðầu tư vào công nghệ bảo mật, bảo vệ dữ liệu, đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số; đầu tư vào học liệu số, mô hình lớp học thông minh, ứng dụng AI trong giảng dạy, giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao...
Hồng Nhung
Nguồn: https://baocamau.vn/tao-dot-pha-vi-su-phat-trien-ben-vung-a39131.html
Bình luận (0)