Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tập trung giảm nghèo, vững bước vào kỷ nguyên mới: Kỳ 2 - Giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững

BHG - Những năm gần đây, tỉnh Hà Giang đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo. Nhưng bên cạnh thành tích giảm mạnh số lượng hộ nghèo, tỉnh vẫn đang đối mặt với thực trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở mức cao, đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang01/05/2025

BHG - Những năm gần đây, tỉnh Hà Giang đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo. Nhưng bên cạnh thành tích giảm mạnh số lượng hộ nghèo, tỉnh vẫn đang đối mặt với thực trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở mức cao, đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

“Điệp khúc” thoát nghèo - tái nghèo

Theo số liệu rà soát của ngành chuyên môn, giai đoạn 2022 – 2024, toàn tỉnh có 34.574 hộ được công nhận thoát nghèo, bình quân giảm hơn 11.500 hộ nghèo mỗi năm. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh ghi nhận 5.232 hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Trung bình cứ 6,6 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo hoặc hộ nghèo phát sinh mới. Điều này cho thấy một bộ phận đáng kể hộ dân chỉ tạm thời thoát nghèo và dễ dàng bị đẩy ngược trở lại nếu gặp rủi ro hoặc thiếu điều kiện duy trì thu nhập. Một số địa phương có tỷ lệ hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh ở mức cao như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê.

Với đa phần diện tích tự nhiên là núi đá khiến nhiều nông dân của huyện Mèo Vạc thiếu đất sản xuất.
Với đa phần diện tích tự nhiên là núi đá khiến nhiều nông dân của huyện Mèo Vạc thiếu đất sản xuất.

Tại huyện Mèo Vạc, địa phương ghi nhận số hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở mức cao, giai đoạn 2022 – 2024, toàn huyện có 3.549 hộ thoát nghèo nhưng cũng có đến 324 hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh, chiếm gần 10% số hộ đã thoát nghèo. Phần lớn các hộ được xếp vào diện hộ nghèo thường rơi vào nhóm người dễ bị tổn thương như người già neo đơn, hộ có bệnh nhân mãn tính, yếu thế, hộ mới tách khẩu.

Gia đình anh Vừ Mí Ly, thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) là một trong những trường hợp tái nghèo. Năm 2018, gia đình anh được công nhận thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò vỗ béo. Tuy nhiên, từ năm 2022, gia đình có mẹ già thường xuyên đau yếu, phải nằm viện nhiều lần trong năm. Tài sản cứ dần dần phải bán đi để chăm lo cho người ốm, điều này khiến anh Ly mất thời gian, công sức, trong khi anh lại là lao động chính của gia đình. Kinh tế ngày càng khó khăn, cuối năm 2024, gia đình anh được chính quyền xã Pải Lủng xét là hộ nghèo.

Tương tự, tại huyện Bắc Mê, trước năm 2022, gia đình anh Nguyễn Văn Thương, dân tộc Tày, thôn Ngọc Trì, xã Minh Sơn thuộc diện hộ cận nghèo. Với ý chí, nghị lực muốn được thoát nghèo, hai vợ chồng anh luôn động viên, không ngừng nỗ lực tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Năm 2022, qua rà soát của chính quyền địa phương, gia đình anh đã được công nhận thoát nghèo. Nhưng niềm vui không được bao lâu thì tai họa lại ập đến khi vợ anh bị tai nạn lao động và mất vào năm 2024, một mình anh phải chăm sóc 3 con nhỏ đang tuổi đến trường. Không có nguồn thu nhập ổn định, diện tích đất canh tác ít, qua rà soát gia đình anh lại tái nghèo vào cuối năm 2024. Anh mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.

Đi tìm nguyên nhân

Số hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới trong giai đoạn 2022 – 2024 trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có hơn 1.700 hộ tái nghèo hoặc hộ nghèo phát sinh mới. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố đan xen, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Người dân thôn Hồng Ngài A, xã Sủng Thài (Yên Minh) cải tạo vườn tạp nâng cao thu nhập.
Người dân thôn Hồng Ngài A, xã Sủng Thài (Yên Minh) cải tạo vườn tạp nâng cao thu nhập.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do sinh kế của nhiều hộ dân thiếu ổn định, dễ bị tổn thương trước các tác động khách quan. Phần lớn hộ nghèo sinh sống ở vùng cao, nơi điều kiện canh tác khắc nghiệt, chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung, tự cấp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Thu nhập phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, trong khi sản xuất lại thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật và không có nguồn thu thay thế. Chỉ cần một đợt thiên tai, mất mùa hay dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cả gia đình có thể mất trắng tư liệu sản xuất. Báo cáo rà soát năm 2024 cho thấy, toàn tỉnh có tới 20.910 hộ nghèo không có vốn sản xuất, kinh doanh, 13.836 hộ thiếu công cụ sản xuất, 19.942 hộ không có kỹ năng lao động. Mô hình hỗ trợ sinh kế ở nhiều nơi vẫn còn thiếu tính bền vững, chưa gắn với chuỗi giá trị và đầu ra ổn định. Khi không tạo được sinh kế vững chắc, người dân sau khi thoát nghèo rất dễ quay trở lại tình trạng tái nghèo nếu gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.

Đơn cử tại huyện Mèo Vạc, như đã nói ở trên, trong 3 năm từ 2022 – 2024, toàn huyện có 324 hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Lý giải về con số trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Ngô Mạnh Cường cho biết: Mèo Vạc là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn, với địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Những yếu tố này khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, giao thông… bị hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Ngoài ra, điều kiện sản xuất nông nghiệp nghèo nàn, đất canh tác ít khiến sinh kế của người dân thiếu ổn định. Trong 3 năm gần đây, thời tiết bất thường, mưa đá, hạn hán cục bộ xảy ra nhiều lần đã gây thiệt hại lớn đến mùa màng, vật nuôi là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân.

Anh Vừ Mí Ly (trái), thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) phát triển nuôi bò vỗ béo để phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Anh Vừ Mí Ly (trái), thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) phát triển nuôi bò vỗ béo để phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới tại Hà Giang vẫn ở mức cao, một phần bắt nguồn từ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ nhà nước của một bộ phận người dân. Thực tế cho thấy, sau khi được công nhận thoát nghèo, không ít hộ chưa chủ động tìm kiếm sinh kế mới hay nâng cao năng lực sản xuất, mà vẫn quen tư duy dựa vào các chương trình hỗ trợ như cấp giống cây, con, miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế, hỗ trợ điện sinh hoạt... Thậm chí có trường hợp cố tình không nâng mức sống để tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo và cận nghèo. Tình trạng này không chỉ làm suy giảm hiệu quả của các chương trình giảm nghèo mà còn khiến công tác rà soát, đánh giá thực trạng hộ nghèo gặp nhiều khó khăn. Theo cán bộ một số xã vùng cao, việc vận động người dân vươn lên thoát nghèo vẫn là bài toán nan giải, bởi nhiều hộ sợ thoát nghèo thì mất hỗ trợ, mất quyền lợi. Đây là biểu hiện rõ nét của việc giảm nghèo về hình thức nhưng chưa thực sự tạo được chuyển biến về nhận thức và tinh thần tự lực vươn lên, từ đó ảnh hưởng đến tính bền vững của toàn bộ quá trình.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến công tác giảm nghèo của tỉnh chưa đạt được tính bền vững là một số chính sách triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ và hiệu quả thực thi ở cấp cơ sở còn hạn chế. Thực tế cho thấy, trong một số giai đoạn, các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được ban hành chậm, thiếu cụ thể, gây lúng túng cho chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai. Việc phân bổ nguồn lực còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, trong khi nhu cầu của từng vùng, từng nhóm đối tượng lại rất khác nhau. Nhiều địa phương thiếu cán bộ chuyên trách về giảm nghèo, hoặc cán bộ kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến việc rà soát hộ nghèo còn mang tính hình thức, chưa phản ánh sát thực tế. Công tác giám sát, đánh giá hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế cũng còn lỏng lẻo, thiếu theo dõi sau hỗ trợ, khiến nhiều chương trình sau khi triển khai không mang lại hiệu quả lâu dài.

Việc hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo thành công đã khó, nhưng việc giữ được hộ không tái nghèo, tạo chuyển biến thực chất về thu nhập và chất lượng cuộc sống lại càng cần đến một hệ thống chính sách linh hoạt, sát thực tế và đội ngũ thực hiện có năng lực, tâm huyết. Thiếu những yếu tố đó, hiệu quả giảm nghèo sẽ chỉ mang tính ngắn hạn và thiếu chiều sâu.

Ngoài ra, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng các dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin và bảo hiểm. Báo cáo rà soát hộ nghèo năm 2024 cho thấy, toàn tỉnh có tới gần 14.000 hộ nghèo không có việc làm bền vững, gần 10.000 hộ thiếu dinh dưỡng, hơn 12.800 hộ có nhà ở chất lượng thấp, hơn 12.000 hộ không có kiến thức về sản xuất. Những thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống mà còn làm giảm khả năng phục hồi của hộ dân khi gặp rủi ro, khiến họ dễ dàng rơi trở lại vào diện nghèo. Đặc biệt, tại các xã vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tình trạng thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh, nguồn nước sạch không đảm bảo, điều kiện sống chật hẹp cũng là nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ bệnh tật, suy dinh dưỡng - những yếu tố gắn liền với vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Có thể thấy, tỉnh Hà Giang đang từng bước thoát khỏi cái bóng của đói nghèo, nhưng muốn đi xa, tỉnh cần tập trung hơn vào chất lượng thoát nghèo, thay vì chỉ chạy theo con số. Giảm nghèo không chỉ tăng thu nhập, mà là tạo dựng một cuộc sống thực sự chất lượng để không gục ngã trước rủi ro. Muốn như vậy, cần thay đổi cách tiếp cận, từ trao “con cá” sang trao “cần câu, dạy cách câu, và đảm bảo có cá để câu”.

----------------

Kỳ cuối: Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo

Bài, ảnh:  NHÓM PV

 

Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/tap-trung-giam-ngheo-vung-buoc-vao-ky-nguyen-moi-ky-2-giam-ngheo-nhanh-nhung-chua-ben-vung-b9b1adf/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm