Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thanh âm hạ...

Rốt cuộc rồi cũng hạ!

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk26/04/2025

Cứ tưởng đất trời quên mất cái hẹn cùng mùa khi suốt giêng hai, sang đến tháng Ba mà vẫn lạnh, vẫn mưa; thậm chí còn… lụt lội sơ sơ như đang tiết chính đông mới lạ! Cuối xuân chưa thấy nắng, hàng bằng lăng nhánh cành trụi trơ vẫn tỉnh bơ thiếp ngủ, thi thoảng còn nghe gió bấc lao rao, tuyệt không thấy bóng hạ thấp thoáng phương nào…

Vậy nhưng, tháng Tư đã về. Hành trang tháng Tư rộn rã thứ âm thanh không ai có thể nhầm bởi nó vô cùng hạ! Ừ thì nắng chưa ruộm vàng, trời chưa trong xanh – có lẽ nhưng nghe tiếng ve ran thì chắc cú trăm phần trăm đã hạ. Dữ dội, trầm hùng, ngân vang, tha thiết cái thanh âm đến hẹn lại lên chưa năm nào lại gấp gáp, sục sôi khẳng định bước chân mùa hạ như năm nay! Năm giờ sáng đã thức giấc ran ran. Mười giờ lên đỉnh điểm.

Trưa nghỉ hơi dăm tiếng lại đến ca chiều. Hết đơn thanh đến hòa thanh, bè bổng, bè trầm vang vọng! Ve đu tàng cây xanh. Ve đậu mái, tường nhà. Ve chui luôn qua cửa sổ vào nhà. Những chú ve xám mốc, bộ dạng hệt con ruồi hoặc con ong… khổng lồ cánh mỏng, mắt tròn to. Ve gần gũi, hiền lành, thân thiện để lũ học trò nghịch ngợm tha hồ tóm bắt đem vô lớp học, sắp hàng dài trên bàn, thi thoảng lại dùng tay ấn nhẹ lên lưng cho các chàng “nhạc công” ve đực rung tít cánh, phát tiếng “e.., e…” nghe chơi!

Minh họa: Trà My

Chả hiểu nguyên do từ đâu những chú ve kia lại có tên “ve sầu”. “Sầu đâu mà sầu, náo nhiệt ồn ào, vui như… mở hội!” Bạn tôi hài hước bảo vậy. Bình tâm mà xét thấy không phải không có lý: nhạc ve gây ồn thì có chứ sầu e… chưa chắc! Nghĩ lại có khi tâm vận cảnh: người buồn khiến thanh âm hạ nghe cũng buồn theo. Hạ, mùa chia tay, xa bạn bè trường lớp, chắc vậy mà sầu. Nhưng ấy dù gì cũng đã chuyện xưa. Giờ hạ đến lũ nhỏ đâu mấy đứa nghỉ hè; không đến trường cũng dắt nhau đến… lớp học thêm. Đương nhiên lũ ve cứ thỏa chí gào vang bản hợp xướng ve ve loan tin hè đến chẳng phải sợ ai buồn. Thanh âm rộn rã đón chào khoảng thời gian đất trời rực rỡ, xán lạn nhất trong năm: nắng ruộm vàng, trời thẳm xanh, gió nồm lồng lộng!

Ngày bé, tôi chỉ biết đến con ve sầu qua… sách vở - cho dù tôi là đứa trẻ quê rất yêu thiên nhiên, sẵn sàng kể vanh vách “hành tung” của lũ bướm, ong, chuồn chuồn, châu chấu, dế mèn, dế nhủi, dế cơm, nhưng đụng tới con ve sầu là tôi… điếc đặc! Không biết đành phải tưởng tượng hoặc “cóp-pi” ý tưởng của người khác.

Dễ thôi: hình ảnh con ve sầu, tiếng ve sầu đi vào âm nhạc, thơ ca không ít - có cả thi phẩm lẫy lừng thế giới như bài thơ ngụ ngôn “Con ve và con kiến” của nhà thơ Pháp La Fontaine! “Hành tung” của con ve theo cụ La Fontaine mô tả nghe chừng khá “tiêu cực”: lười biếng không chịu làm ăn, chỉ lo ca hát để rồi lâm cảnh đói kém...

Vậy nhưng, lạ lùng sao, đọc xong thơ tôi vẫn cứ thấy… yêu con ve lười biếng lãng mạn hơn con kiến siêng năng, thực dụng, lạnh lùng. Mãi sau này lớn lên tiếp cận khoa học, hiểu rõ về vòng đời và tập tính loài ve mới biết: cái “án” mà cụ La Fontaine bắt ve nhận lãnh trong bài ngụ ngôn rành rành… oan quá! Té ra, trực giác trẻ thơ trong tôi ngày ấy đã đúng khi cứ nhất định dành tình yêu cho chú ve tội nghiệp mặc dù chưa biết chú bị “hàm oan”…

Như để cảm ơn dòng suy tưởng nhân văn, mấy chú ve trên tàng cây bên cửa sổ bất thần trỗi “ve ve” cho tôi nghe một khúc ca chiều muộn. Có chú phởn chí còn theo ánh đèn bay luôn qua cửa, đậu xuống bàn thân thiện rung tít cánh ve ve…

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/thanh-am-ha-b87063a/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm