Thể chế trong trường hợp này được hiểu là một hành lang pháp lý đủ dài, đủ rộng và đủ yên tâm cho những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích lâu dài của cộng đồng, xã hội. Nó được coi như một thanh bảo kiếm vừa che chở cho người tốt, vừa kịp thời ngăn chặn kẻ xấu cố tình cản trở tiến trình phát triển của đất nước. Nó lại bao dung như tấm lòng một người mẹ nâng đỡ con mình cứng cáp vươn lên vượt mọi chông gai.
Điển hình như trong lĩnh vực giáo dục. Bao năm nay nhiều thế hệ mãi trăn trở về một nền giáo dục nặng thành tích khiến cả gia đình, nhà trường và học sinh vật lộn không lối thoát. Nguyên nhân chính không nói thì ai cũng biết. Dù lúc nào cũng hướng đến việc nói không với bệnh thành tích nhưng nếu không có thành tích thì… chẳng biết nói gì, lấy tiêu chí gì ra đánh giá lực học của học sinh, nỗ lực của thầy cô và định hướng của ngành.
Rào cản ở đây chính là chủ trương yêu cầu, khuyến khích ngành Giáo dục và các nhà trường nói không với bệnh thành tích nhưng trong phần đánh giá kết quả công tác, nếu không có gì nổi bật hãy coi chừng. Từ đó phát sinh hàng loạt “giải pháp” né quy định nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn phải là… có thành tích.
Mới đây, trong thông báo quy chế tuyển sinh vào lớp 10 công lập có chi tiết được đông đảo dư luận, đặc biệt là những phụ huynh có con em thi vào lớp 10 hoan nghênh nhiệt liệt. Đó là việc môn Văn làm bài theo hình thức tự luận hoàn toàn. Đề bài được định hướng không theo bộ đề truyền thống như trước mà bắt nhịp với cuộc sống thường nhật. Như vậy, học sinh không phải bò ra bàn học thuộc cơ man nào kiến thức mà chỉ cần có kiến thức xã hội, kỹ năng sống và khả năng cảm thụ văn học, cảm thụ cuộc sống là hoàn toàn có thể làm tốt bài thi mà không cần ôn luyện đến rạc cả người như trước.
Có thể nói, đây chính là một trong những tác động tích cực đầu tiên khi rào cản thể chế vừa được tháo gỡ, người dân lập tức được hưởng thành quả, từ tâm lý cho đến lợi ích về thời gian, sức khỏe, vật chất…
Trong lĩnh vực kinh tế, thực tiễn ở nước ta cho thấy, chỉ có cải cách mạnh mẽ, mang tính đột phá mới tạo ra cú hích, giúp thay đổi trạng thái. Ví như cải cách đột phá của Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã thay đổi tư duy về quản lý doanh nghiệp, đề cao quyền tự do kinh doanh, chuyển từ cấp phép sang đăng ký thành lập doanh nghiệp, bãi bỏ hàng trăm giấy phép kinh doanh… tạo cú hích lớn để hình thành lực lượng doanh nghiệp hùng hậu như ngày nay. Do đó, nhiều người ví Luật Doanh nghiệp năm 2000 như "Khoán 10" trong kinh doanh.
Như vậy, cải cách thể chế chính là giải pháp trọng tâm để tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế của đất nước. Trước mắt, cấp thiết và trọng tâm là nâng cao chất lượng quy định pháp luật hiện hành. Cần từ tư duy và góc nhìn của doanh nghiệp để xác định các trọng tâm cải cách, theo các khâu trong quá trình đầu tư kinh doanh, từ gia nhập thị trường đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, hòa nhập với quốc tế và khu vực, Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp có tính quyết liệt, đặc biệt coi kinh tế tư nhân là xương sống của nền kinh tế. Cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu triển khai đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, từ cải cách thể chế, tiếp cận nguồn lực, nâng cao năng lực đến xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh. Trong đó, cần đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật, bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết; giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin - cho”, tư duy “không quản được thì cấm”.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp. Ngay trong năm 2025, tối thiểu phải cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; 30% chi phí tuân thủ pháp luật; 30% điều kiện kinh doanh hiện hành.
Làm tốt việc chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hiện đại hóa quản trị công, quản trị dựa trên dữ liệu. Thực hiện cơ chế thị trường, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác.
Có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế. Bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Đồng thời tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao…
Chắc chắn, khi rào cản về mặt thể chế được tháo gỡ, cả nhận thức và tư duy của người đứng đầu cho đến hành động của người thực thi có sự thay đổi tích cực thì không gì có thể ngăn cản được sự phát triển tất yếu theo xu thế thời đại của một nước Việt Nam giàu đẹp, hùng cường.
Bài, ảnh: Quang Nam
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128778/Thao-rao-can-mo-tuong-lai
Bình luận (0)