Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ blockchain (chuỗi khối) và tài sản mã hóa, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý đối với tài sản mã hóa. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết cho phép triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa.
Trao đổi bên lề sự kiện BlockStar Meetup Hanoi với chủ đề "Thúc đẩy tương lai Web3 của Việt Nam" tối 22/5, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, cho rằng khi thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa cần phải có sự kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý.
"Đã là sàn thí điểm thì cần được kiểm soát, nhưng không nên bó buộc, trói tay trói chân những người thực hiện. Hãy tạo điều kiện để họ chủ động triển khai, đồng thời giám sát chặt chẽ. Nếu xuất hiện rủi ro hay dấu hiệu bất thường, lúc đó có thể can thiệp kịp thời, như việc ngắt cầu dao khi cần thiết", ông nói.
Ông nhận định hiện nay Việt Nam đã hình thành một thị trường crypto và tài sản số rõ nét, thậm chí mức độ sôi động và khối lượng giao dịch của thị trường này còn vượt qua cả thị trường chứng khoán.
"Khi khung pháp lý được xác lập một cách rõ ràng, chúng tôi sẽ thành lập quỹ đầu tư vào tiền mã hóa. Bởi lẽ, khi cả thế giới đã công nhận xu hướng này, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Hơn nữa, trong bối cảnh Chính phủ liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ, đây là lĩnh vực mà chúng ta càng không thể đứng ngoài", ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh blockchain là một xu thế công nghệ để vận hành và quản trị xã hội trong tương lai (Ảnh: BTC).
Về tính ứng dụng của Web3 (thế hệ internet phi tập trung), ông Trần Lưu - Giám đốc Công nghệ Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital) - cho biết có 3 điểm mạnh nhất của công nghệ này.
Thứ nhất là mã nguồn mở, bất kỳ ai cũng có thể tham gia xây dựng và đóng góp. Thứ hai là khả năng tự động hóa quy trình thông qua hợp đồng thông minh, cuối cùng là tính minh bạch.
Dẫn chứng về một tổ chức như Tether - công ty phát hành USDT (Tether USD) đang quản lý tài sản hàng chục tỷ USD trên hơn 40-50 blockchain khác nhau, hoàn toàn thông qua hợp đồng thông minh. "Vậy tại sao chúng ta lại không ứng dụng blockchain vào quản lý vận hành các khâu, các giai đoạn trong dịch vụ công của Nhà nước. Đây là thứ rất tiềm năng để nghiên cứu và phát triển", ông đặt vấn đề.
Chia sẻ về công nghệ blockchain, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh blockchain không chỉ là công nghệ, mà là một xu thế công nghệ để vận hành và quản trị xã hội trong tương lai. Công nghệ blockchain là công nghệ giao dịch phi tập trung và không ai có quyền xóa vết hay điều hành.
"Blockchain ở đây không đơn thuần là công nghệ lưu trữ, mà là cơ chế liên kết tất cả thành viên theo hướng minh bạch, công bằng, không gian lận. Nếu mọi giao dịch đều được ghi nhận và xác minh tự động, tốc độ xử lý sẽ nhanh hơn, dữ liệu rõ ràng hơn và không thể bị can thiệp", ông nói.
So sánh blockchain như một hệ thống giao thông, ông Hưng cho rằng nếu con đường được thiết kế chuẩn, sẽ có nhiều loại xe lưu thông trên đó. Điều quan trọng là phải chọn đúng hạ tầng, đúng thiết kế và đơn vị phát triển phải đủ uy tín để đảm bảo độ tin cậy của toàn hệ thống.
Ông Trần Lưu cho rằng, điểm mạnh nổi bật của công nghệ blockchain là khả năng tạo ra các giao thức linh hoạt, có thể tùy biến trực tiếp trên mạng lưới. Công nghệ này sở hữu tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công, như cấp phép, quản lý hồ sơ, xác minh danh tính... Đặc biệt, khi được kết hợp với công nghệ định danh, blockchain cho phép theo dõi và xác thực mọi tài nguyên trong một hệ thống mở, minh bạch và phi tập trung.
Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam hồi tháng 8/2024, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (tương đương 21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ.
Báo cáo của Hãng phân tích thị trường Chainalysis (Mỹ) cho thấy, trong 12 tháng (tính đến tháng 7/2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3-4 lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 20% so với giai đoạn 2021-2022 (khoảng 100 tỷ USD).
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thi-diem-giao-dich-tai-san-ma-hoa-can-su-kiem-soat-nhung-khong-nen-bo-buoc-20250523140541479.htm
Bình luận (0)