Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Thời hoàng kim" của IELTS sắp qua vì quy chế tuyển sinh thay đổi?

(Dân trí) - Việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học được dự đoán sẽ khiến chứng chỉ IELTS giảm bớt "quyền lực".

Báo Dân tríBáo Dân trí09/05/2025

Quy chế thi THPT giảm "quyền lực" của chứng chỉ ngoại ngữ

Những thay đổi trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025 đang âm thầm tác động đến "vị thế" của chứng chỉ IELTS. Bằng chứng rõ ràng nhất đến từ TPHCM, nơi số lượng học sinh lớp 12 được miễn thi môn ngoại ngữ đã giảm một cách đột biến.

Theo số liệu vừa được Sở GD&ĐT TPHCM công bố, chỉ có hơn 1.700 học sinh lớp 12 của thành phố được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Con số này chủ yếu tập trung ở môn tiếng Anh.

Điều đáng quan tâm là, so với năm ngoái, có tới hơn 13.000 học sinh được miễn thi ngoại ngữ thì số lượng năm nay chỉ bằng khoảng 1/7.

Thời hoàng kim của IELTS sắp qua vì quy chế tuyển sinh thay đổi? - 1

Thay vì là môn bắt buộc, tiếng Anh chỉ còn là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (Ảnh minh họa: Huyên Nguyễn).

Số liệu trên cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược lựa chọn của học sinh. Một sự sụt giảm mạnh mẽ đã đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là IELTS, trong bối cảnh tuyển sinh đại học hiện tại.

Theo Sở GD&ĐT, nguyên nhân của việc giảm nói trên là các thay đổi của quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025.

Những năm trước, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc bên cạnh toán và văn. Nhiều học sinh có chứng chỉ IELTS hoặc tương đương, không có nhu cầu lấy điểm môn này để xét tuyển đại học nên đã đăng ký miễn thi để giảm áp lực và tập trung cho những môn thi tuyển sinh vào đại học.

Tuy nhiên, năm nay ngoại ngữ đã trở thành môn thi tự chọn. Những em không có nhu cầu sử dụng điểm ngoại ngữ để xét tuyển sẽ không chọn thi.

Một yếu tố quan trọng khác được đề cập là việc bãi bỏ quy định quy đổi chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương thành điểm 10 môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy chế mới của Bộ GD&ĐT. Điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học cũng được Bộ GD&ĐT khống chế với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%. Do đó, số lượng đăng ký miễn thi giảm là điều dễ hiểu.

Năm ngoái cả nước có khoảng 67.000 thí sinh được miễn thi và tính điểm 10 môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp. Trong đó, Hà Nội và TPHCM đông nhất, lần lượt có 21.500 và 13.100 em. Năm nay, Bộ cho biết chưa có số thống kê chi tiết.

Đại học không còn "mặn mà" với IELTS?

Một trong những yếu tố then chốt làm thay đổi "sức hút" của các chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là IELTS, chính là việc nhiều trường đại học đang có sự điều chỉnh trong chính sách tuyển sinh, cân nhắc lại vai trò chứng chỉ ngoại ngữ.

Thay vì tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS hay ưu tiên quy đổi điểm số từ các chứng chỉ này sang điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đang có xu hướng sử dụng chúng như một tiêu chí phụ hoặc thậm chí chỉ xét đến trong phương thức xét tuyển kết hợp.

Điều này cũng xuất phát từ Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng mới, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra khống chế trọng số tính điểm xét tuyển từ việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, không vượt quá 50%.

Quy định về sử dụng chứng chỉ trong Quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD&ĐT

Điểm b, Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định:

"Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%".

Trong đó, Trường Đại học Hà Nội (HANU) không chấp nhận sử dụng điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 ở môn ngoại ngữ. Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ được dùng làm điều kiện ưu tiên xét tuyển kết hợp.

Bảng quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm cộng khuyến khích của HANU ở mức điểm cộng dao động 1-4 điểm. Theo đó, thí sinh có IELTS 6.0 được cộng 1 điểm, 6.5 được cộng 2 điểm, 7.0-7.5 được cộng 3 điểm và 8.0 trở lên được cộng 4 điểm. Với chứng chỉ SAT, thí sinh đạt 1.100 được cộng 1 điểm, trên 1.420 được cộng 4 điểm.

Trường Đại học Dược Hà Nội không xét tuyển chứng chỉ IELTS, không quy đổi điểm IELTS sang điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh do trường chỉ xét tổ hợp khối A00 và B00.

Tương tự, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội bỏ tuyển thẳng thí sinh có IELTS từ 6.5 cho chương trình tiên tiến ngành kiến trúc. Thay vào đó, thí sinh có IELTS từ 6.0 trở lên được cộng điểm ưu tiên 0,6-1,2 điểm.

Thời hoàng kim của IELTS sắp qua vì quy chế tuyển sinh thay đổi? - 2

Xu thế học và thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đặc biệt là IELTS được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với quy chế thi và tuyển sinh đại học mới (Ảnh minh họa: Huyên Nguyễn).

Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng thay đổi cách tính điểm chứng chỉ quốc tế. Với xét tuyển kết hợp, trường sẽ cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0, TOEFL 80 hoặc điểm SAT từ 1340/1600 trở lên. Các năm trước, hai chứng chỉ này được dùng để sơ tuyển, tùy theo ngành.

Mới đây nhất, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội điều chỉnh thông tin tuyển sinh theo hướng bỏ cộng 3 điểm cho thí sinh có IELTS từ 4.0. Với quy định mới, IELTS 4.0-4.5 chỉ được trường cộng 1 điểm. Thí sinh có IELTS 6.5 trở lên mới được cộng 3 điểm. Trường này cũng không quy đổi điểm IELTS sang điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh.

Có thể thấy, xu hướng chung của nhiều trường đại học là giảm bớt sự ưu tiên đối với việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó tập trung hơn vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp và sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ như một yếu tố cộng thêm hoặc điều kiện phụ trong xét tuyển kết hợp.

Như vậy, tư duy phụ thuộc vào chứng chỉ ngoại ngữ như một "tấm vé thông hành", "kim bài" duy nhất để tuyển thẳng vào nhiều trường đại học đã không còn "hiệu nghiệm". Học sinh và phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc đầu tư vào các chứng chỉ ngoại ngữ, tập trung hơn vào kết quả học tập và các phương thức xét tuyển khác.

Với quy định mới của Bộ GD&ĐT và động thái từ nhiều trường đại học, dự báo rằng "cơn sốt" chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là IELTS, có thể sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/thoi-hoang-kim-cua-ielts-sap-qua-vi-quy-che-tuyen-sinh-thay-doi-20250509120755930.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm