Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đồng chủ trì Tham vấn chính trị Việt Nam-Đan Mạch lần thứ 3

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và Đối tác toàn diện với Đan Mạch.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế11/07/2025

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đồng chủ trì Tham vấn chính trị Việt Nam-Đan Mạch lần thứ 3
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đan Mạch Lina Gandlose Hansen.

Ngày 9/7, tại Copenhagen (Đan Mạch), Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cùng Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đan Mạch Lina Gandlose Hansen đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ ba.

Bày tỏ vui mừng được gặp lại Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và tiến hành tham vấn chính trị, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đan Mạch chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị P4G tại Hà Nội tháng 4/2025.

Khẳng định Đan Mạch hết sức coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược Xanh với Việt Nam, Quốc vụ khanh Lina Gandlose Hansen đánh giá cao những bước phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam-Đan Mạch trong những năm qua, trong đó điểm nhấn quan trọng là chuyến thăm Việt Nam rất thành công của Thái tử Đan Mạch Frederik (nay là Nhà vua Đan Mạch) tháng 11/2022 và cuộc hội đàm đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tháng 11/2023.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cảm ơn Quốc vụ khanh Hansen và Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã dành cho Thứ trưởng và đoàn Việt Nam sự đón tiếp chân thành, nồng ấm; cảm ơn cá nhân bà Quốc vụ khanh luôn dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ quý báu, trong đó có việc hỗ trợ và trực tiếp tham gia hội nghị P4G vừa qua tại Hà Nội; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và Đối tác toàn diện với Đan Mạch, đặc biệt trên các lĩnh vực hai bên có nhu cầu và thế mạnh.

Hai bên đã thông tin cho nhau về tình hình mỗi nước. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đan Mạch khẳng định luôn quan tâm theo dõi và rất ấn tượng với những cải cách và mục tiêu to lớn của Việt Nam; cho rằng đây là cơ hội để đẩy mạnh quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước và làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao Đan Mạch là nước đi đầu trong phát triển bền vững và tăng trưởng Xanh và đạt được những thành quả có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho Đan Mạch, EU mà cho toàn cầu.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và Quốc vụ khanh Hansen đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971 và nhất trí hai bên sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tăng cường trao đổi đoàn các cấp và trên các kênh khác nhau, đồng thời cùng nỗ lực thúc đẩy mọi lĩnh vực hợp tác, đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đan Mạch vào năm 2026.

Hai bên cũng nhất trí duy trì và phát huy hơn nữa các cơ chế hợp tác sẵn có, trong đó có cơ chế Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, củng cố tin cậy chính trị, tạo cơ sở và nền tảng cho các lĩnh vực hợp tác khác, đồng thời tăng cường phối hợp, ủng hộ ứng cử của nhau vào các vị trí quan trọng ở các tổ chức quốc tế và khu vực.

Việt Nam ủng hộ Đan Mạch tăng cường quan hệ với ASEAN; Đan Mạch ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong thời gian Đan Mạch đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Châu Âu vì sự phát triển, thịnh vượng của hai nước và của ASEAN và EU mà hai nước là thành viên, góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đồng chủ trì Tham vấn chính trị Việt Nam-Đan Mạch lần thứ 3
Các đại biểu tham dự Tham vấn chính trị Việt Nam-Đan Mạch lần thứ 3.

Trao đổi về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ mà Đan Mạch đã dành cho Việt Nam, đặc biệt là trong cung cấp viện trợ phát triển (ODA) với tổng vốn lên đến 1 tỷ USD, đồng thời đề nghị Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ triển khai các dự án phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Hai bên ghi nhận kết quả tích cực trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Đan Mạch vào Việt Nam và nhất trí nối lại cơ chế trao đổi đã có về kinh tế-thương mại, đầu tư và công nghệ, thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, tham gia triển khai các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và thế mạnh của Đan Mạch như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, năng lượng tái tạo, logistics…

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Đan Mạch với vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Châu Âu trong nửa cuối 2025 có tiếng nói thúc đẩy các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), qua đó tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa hai bên; thông tin để Ủy ban châu Âu thấy rõ những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển nghề cá bền vững, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, qua đó thúc đẩy sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp với chặt chẽ và triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực thi quan hệ Đối tác toàn diện và Đối tác Chiến lược Xanh giai đoạn 2024-2025; Chương trình Hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3) và giai đoạn kế tiếp.

Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), giảm phát thải nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 và COP 28.

Hai bên trao đổi cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai các dự án hợp tác phát triển, mở rộng mô hình đối tác công tư (PPP) nhằm hỗ trợ các vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và Quốc vụ khanh Lina Gandlose Hansen cũng đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, giao thông – vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân… để khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước, nhằm đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Quốc vụ khanh Lina Gandlose Hansen đánh giá cao lập trường và cách tiếp cận tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trước những diễn nhanh chóng, phức tạp ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhấn mạnh cần tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế, đồng thời ủng hộ các nỗ lực cải cách tổ Liên hợp quốc và các cơ quan của Liên hợp quốc để tổ chức này có vai trò ngày càng lớn trong việc xây dựng một thế giới công bằng, hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Đan Mạch ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, các tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ sớm thông qua và thực thi hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đồng chủ trì Tham vấn chính trị Việt Nam-Đan Mạch lần thứ 3
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Tranholm Mikkelsen.

Trong khuôn khổ chuyến công tác và đồng chủ trì Tham vấn chính trị tại Đan Mạch, ngày 10/7, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Tranholm Mikkelsen và có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Kinh tế và Tài chính Đan Mạch Tine Nielsen Hertz.

Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Đan Mạch là đối tác rất quan trọng của Việt Nam ở Bắc Âu, quan hệ hai nước đã, đang và sẽ phát triển lành mạnh trên nền tảng của tin cậy chính trị và tiềm năng bổ trợ cho nhau.

Thông tin về tình hình Việt Nam hiện nay với những đổi mới về thể chế, chính sách nhất là về kinh tế, khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị đây là thời điểm hai bên cần tích cực phối hợp để hợp tác hai nước có những bước phát triển ở tầm cao mới trong đó có việc chuẩn bị chu đáo và tổ chức tốt các hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước, nhất là trong 6 tháng cuối năm 2025 và 2026, rà soát việc thực hiện các thỏa thuận song phương đã có, phát huy tối đa EVFTA, đẩy mạnh các lĩnh vực khác như khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, chuyển đổi năng lượng và phát triển xanh, hợp tác về biển và môi trường….

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Đan Mạch đánh giá cao kết quả Tham vấn chính trị lần 3 cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao; bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ song phương kể từ sau chuyến thăm của Thái tử, nay là Nhà Vua Đan Mạch tháng 11/2022; tự hào trước việc Đan Mạch là đối tác đầu tư, thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Bắc Âu và Việt Nam là đối tác hàng đầu của Đan Mạch trong ASEAN.

Ghi nhận hai bên còn nhiều tiềm năng và thế mạnh có thể khai thác trong thời gian tới, Thứ trưởng Thường trực Mikkelsen cam kết sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, phát huy vai trò điều phối của hai Bộ Ngoại giao và bày tỏ tin tưởng trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU, Đan Mạch sẽ đóng góp hiệu quả vào việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-EU.

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Kinh tế và Tài chính Đan Mạch Hertz nhất trí với mục tiêu về thương mại và đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước mà Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã nêu; ủng hộ thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là hợp tác biển trong đó có nghiên cứu khoa học biển và đại dương, phát triển điện gió ngoài khơi, nuôi trồng thủy hải sản, nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực ….

Thứ trưởng Hertz đánh giá cao các cam kết của Việt Nam tại COP 26, COP 28 và khảng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế nêu trên cũng như trong khuôn khổ JETP.

Nhân dịp này, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề toàn cầu và nhất trí tiếp tục ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương và các cơ chế của Liên hợp quốc.

Nguồn: https://baoquocte.vn/thu-truong-ngoai-giao-le-thi-thu-hang-dong-chu-tri-tham-van-chinh-tri-viet-nam-dan-mach-lan-thu-3-320683.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm