Thi công Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa.
Là một trong những dự án giao thông chiến lược của tỉnh, tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa dài 23,7km, tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, có vai trò kết nối các khu kinh tế, công nghiệp và du lịch ven biển. Đến nay, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã hoàn thành, bàn giao 100% cho các nhà thầu. Tuy nhiên, mốc hoàn thành dự kiến vào ngày 31/12 năm nay đang gặp nhiều áp lực, khi các nhà thầu vẫn còn khối lượng rất lớn thi công nền, móng và thảm nhựa; trong khi nguồn cung nguyên vật liệu tiếp tục gặp khó.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, khối lượng vật liệu thiếu hụt của dự án hiện ước khoảng 360.000m3 đất, cùng một lượng lớn cát và đá. Trong các buổi kiểm tra thực địa công trình mới đây, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh: Để đảm bảo tiến độ, các nhà thầu cần chủ động kết nối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong và ngoài tỉnh, khẩn trương ký hợp đồng bổ sung nguồn vật liệu và hoàn tất việc tập kết trước ngày 1/7/2025, nhằm duy trì thi công liên tục, tránh gián đoạn. Cùng với đó, yêu cầu các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực, thiết bị, tổ chức nhiều mũi thi công đồng thời trên toàn tuyến, tranh thủ thời tiết thuận lợi, phấn đấu hoàn thành phần nền đường trước tháng 11/2025 và toàn bộ dự án trước 31/12/2025.
Một điểm nhấn hạ tầng khác là Dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây. Với tổng mức đầu tư hơn 647 tỷ đồng, công trình không chỉ giải tỏa áp lực giao thông trên Quốc lộ 47 đoạn qua đường sắt Bắc - Nam mà còn kết nối đồng bộ các khu đô thị phía Đông - Tây của tỉnh, góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị.
Công trình cầu Xuân Quang khánh thành đầu năm 2025 kết nối không gian phát triển đôi bờ sông Mã.
Trên công trường, hàng trăm kỹ sư, công nhân đang tổ chức nhiều mũi thi công với tinh thần khẩn trương. Anh Trần Văn Thanh, đại diện tư vấn giám sát Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm, cho biết: “Đây là công trình trọng điểm, chúng tôi bố trí đủ nhân lực để đồng hành cùng nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp”. Ngoài giám sát chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, chúng tôi còn tư vấn các giải pháp kỹ thuật, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình tổ chức thi công. Hiện tiến độ công trình bảo đảm yêu cầu và phấn đấu thông xe kỹ thuật vào dịp Quốc khánh 2/9/2025”.
Năm 2025, kế hoạch đầu tư công từ ngân sách Nhà nước của tỉnh được bố trí hơn 14.000 tỷ đồng, tạo nguồn lực tiên quyết để đưa các dự án đã khởi công vào khai thác và khởi động nhiều dự án chiến lược mới. Hiện trên địa bàn có 13 dự án đầu tư công lớn, trọng điểm đang được triển khai chuyển tiếp. Nhiều công trình có ý nghĩa kết nối liên vùng, như: tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa (cũ); đường nối cao tốc Bắc - Nam với QL1A đi Cảng Nghi Sơn; nâng cấp, mở rộng Đại lộ Lê Lợi (phường Hạc Thành); đường từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến tuyến đường bộ ven biển Nga Sơn - Hoằng Hóa (cũ). Các chủ đầu tư, nhà thầu hiện đang tập trung, nỗ lực khắc phục nhiều tình huống khó khăn khách quan và chủ quan để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, năm 2025, đơn vị được giao tổ chức thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng với tổng mức đầu tư lớn. Cùng với chủ động phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB - yếu tố then chốt quyết định thành công dự án; đơn vị đồng thời đôn đốc nhà thầu khắc phục khó khăn về vật liệu, nhân lực, thiết bị. “Chúng tôi cũng đang đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo thời gian thực tế, áp dụng phần mềm giám sát thi công từ xa, quản lý tiến độ và hồ sơ thanh toán điện tử, đảm bảo giải ngân vốn nhanh để các nhà thầu có nguồn lực tăng tốc thi công” - Giám đốc Ban Quản lý dự án Lê Bá Hùng nhấn mạnh.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngày 19/6/2025, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 9382/UBND-THĐT yêu cầu phân loại dự án, xử lý nghiêm các trường hợp chậm tiến độ, đồng thời tập trung nguồn lực cho những công trình động lực. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 cũng được xác định rõ: “Việc lựa chọn dự án phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, khả năng cân đối ngân sách và nhu cầu phát triển; tập trung cho các dự án trọng điểm, thực sự cần thiết, hiệu quả cao, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả”.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đặt kỳ vọng các công trình hạ tầng trọng điểm sẽ trở thành “bệ phóng” vững chắc, mở rộng không gian phát triển, thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao trong giai đoạn mới.
Bài và ảnh: Minh Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thuc-day-tien-do-cac-du-an-ha-tang-trong-diem-254335.htm
Bình luận (0)