Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thúc đẩy tín dụng xanh mở đường cho khu công nghiệp xanh

Hiện, mới chỉ có 1 - 2% khu công nghiệp của Việt Nam là khu công nghiệp xanh. Cần thúc đẩy mạnh mẽ tín dụng xanh để mở đường cho xanh hóa khu công nghiệp.

Báo Công thươngBáo Công thương09/05/2025

Tín dụng xanh cho khu công nghiệp còn nhiều thách thức

Chiều 9/5, tại thành phố Đà Nẵng, Thời báo Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 9 tổ chức Diễn đàn: “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh”.

Diễn đàn Kết nối tín dụng xanh thúc đẩy phát triển khu công nghiệp xanh
Diễn đàn Kết nối tín dụng xanh thúc đẩy phát triển khu công nghiệp xanh

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng - cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ và cụ thể trong việc thúc đẩy tín dụng xanh. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã và đang kiến tạo dòng vốn quan trọng cho sự phát triển bền vững, bao gồm cả việc hỗ trợ xây dựng và chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh hóa. Một số ngân hàng còn chủ động nghiên cứu, cập nhật các chuẩn mực tiên tiến của quốc tế về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường - xã hội và rủi ro khí hậu, từng bước tiệm cận với các thông lệ tốt nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy tín dụng hỗ trợ sự hình thành và nhân rộng các khu công nghiệp xanh vẫn còn đối diện với không ít thách thức, như chưa có khung quốc gia về khu công nghiệp xanh để các bên hiểu đúng các yếu tố cấu thành từ đó định hướng, xây dựng, phát triển và chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh. Danh mục, ngành, lĩnh vực xanh chưa được thống nhất áp dụng chung trên cả nước nên các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng. Hơn nữa, việc cạn quỹ đất và thiếu vùng đệm để phát triển cũng là một trong khó khăn để nhân rộng các khu công nghiệp xanh…

Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen
Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen

“Diễn đàn Kết nối tín dụng xanh - khu công nghiệp xanh sẽ trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, cũng như các giải pháp tài chính và chính sách để thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức tín dụng và các khu công nghiệp trong hành trình xanh. Đồng thời, đề xuất giải pháp khả thi và hiệu quả để thúc đẩy quá trình “xanh hóa” các khu công nghiệp một cách tiết kiệm và bền vững”, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen nói.

Tại diễn đàn, các tổ chức tín dụng, các ban quản lý các khu công nghiệp, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ trao đổi, đánh giá tình hình triển khai các mô hình khu công nghiệp xanh hiện nay, chỉ ra những thành công và thách thức; Đánh giá khách quan và toàn diện về tình hình triển khai tín dụng xanh cho khu công nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian qua, nhận diện những điểm nghẽn và các vấn đề cần giải quyết; Kinh nghiệm quốc tế và các giải pháp khả thi để phát triển các khu công nghiệp xanh, thúc đẩy tín dụng xanh góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng bền vững.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Tín dụng xanh phải đi trước 1 bước

Ở Việt Nam, qua hơn 30 năm từ khi phát triển khu công nghiệp cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển, quy hoạch, và hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường của các khu công nghiệp. Do đó, từ năm 2014, một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... đã có chủ trương chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp xanh.

Đến nay đã có nhiều khu công nghiệp tham gia và triển khai thành công. Trong số 290 khu công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có khoảng 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước trở thành khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh.

Tuy nhiên, để xây dựng một khu công nghiệp xanh đòi hỏi những khoản đầu tư không nhỏ vào hạ tầng đồng bộ, hệ thống vận chuyển thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, các giải pháp xử lý, thu gom và tái chế chất thải tiên tiến, cùng các chương trình quản lý và vận hành xanh. Đây là những khoản đầu tư chiến lược, mang tầm nhìn dài hạn đặt ra không ít thách thức về tài chính cho các doanh nghiệp tiên phong.

Để hỗ trợ các khu công nghiệp trong quá trình xanh hóa, thời gian qua, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành Ngân hàng tích cực thúc đẩy tín dụng xanh để các khu công nghiệp có thêm nguồn lực nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh bền vững.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, xanh hóa sản xuất, xanh hóa công nghiệp là vấn đề tất yếu của sản xuất công nghiệp, và của nền kinh tế xanh. Nếu không xanh hóa sản xuất thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó khăn trong cạnh tranh với sản phẩm không chỉ trong nước mà còn quốc tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Khu Công nghiệp Tam Thăng (tỉnh Quảng Nam) là một trong số ít khu công nghiệp
Tín dụng xanh phải đi trước một bước để đảm bảo nguồn lực để thực hiện các khu công nghiệp xanh

“Để thực hiện được mục tiêu kinh tế xanh cần nguồn lực tín dụng rất lớn. Tín dụng xanh phải đi trước một bước, phải đảm bảo nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xanh cho các doanh nghiệp, cho các dự án đầu tư”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói và thông tin thêm, ngay từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số chính sách cho tín dụng xanh. Đến nay, ngành ngân hàng cơ bản đã có một hành lang pháp lý cho loại hình tín dụng này.

Dưới chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2017, chỉ có 15 tổ chức tín dụng có các chương trình liên quan đến tín dụng xanh, đến nay, cả nước có 50 đơn vị phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Một số ngân hàng còn chủ động nghiên cứu, cập nhật các chuẩn mực tiên tiến của quốc tế về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường - xã hội và rủi ro khí hậu, từng bước tiệm cận với các thông lệ tốt nhất trên thế giới.

Diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh” tại Đà Nẵng nhấn mạnh vai trò tiên phong của ngành ngân hàng trong thúc đẩy tín dụng xanh nhằm hỗ trợ khu công nghiệp chuyển đổi mô hình phát triển bền vững. Các ý kiến tại diễn đàn đã chỉ ra nhiều thách thức trong chính sách, hạ tầng và khung pháp lý, đồng thời đề xuất các giải pháp tài chính khả thi để mở rộng tín dụng xanh trên phạm vi cả nước.
Vũ Lê

Nguồn: https://congthuong.vn/thuc-day-tin-dung-xanh-mo-duong-cho-khu-cong-nghiep-xanh-386844.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm