Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp:

Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội chính thức chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7-2025. Với mô hình mới gần dân, kết hợp đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, Hà Nội sẽ có thêm “cú hích thể chế” để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút nguồn vốn đầu tư.

Hà Nội MớiHà Nội Mới30/06/2025

Tăng trưởng kinh tế khởi sắc

Theo số liệu từ Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt trên 460 nghìn tỷ đồng. Ngành công nghiệp tăng 5,8%, trong khi du lịch phục hồi mạnh mẽ với gần 4 triệu lượt khách. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 10,1 tỷ USD và 22 tỷ USD, tăng 13,8% và 12,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu ngân sách đến giữa tháng 6-2025 đạt 372,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 73,7% dự toán năm; tổng chi ngân sách địa phương khoảng 59 nghìn tỷ đồng.

khu-cn.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh). Ảnh: Nguyễn Quang

6 tháng đầu năm, Hà Nội cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực về môi trường đầu tư, khởi sự kinh doanh, khi thu hút trên 2,8 tỷ USD vốn FDI, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước. Gần 14.000 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 125 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lũy kế đến nay lên khoảng 403.000 doanh nghiệp.

Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế 6 tháng đầu năm là mức tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ấn tượng. Quý I-2025, GRDP đạt 7,35%, cao gấp 1,35 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt kịch bản tăng trưởng đặt ra đầu năm. Quý II-2025, ước đạt 7,93%, đưa tốc độ tăng trưởng 6 tháng lên mức 7,59% - tạo đà vững chắc để cả năm cán mốc 8%...

Đáng chú ý, một trong những dấu ấn nổi bật là công tác sắp xếp đơn vị hành chính và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hà Nội liên tục tăng hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, tăng 19 bậc từ năm 2021 đến nay. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về chỉ số công nghiệp, công nghệ thông tin, giữ vị trí thứ 2 về thương mại điện tử trong 7 năm liên tiếp, đứng đầu về quản trị điện tử và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024…

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong nhận định, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, với những thách thức lớn từ xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và bất ổn tài chính toàn cầu, thành phố Hà Nội kiên định mục tiêu tăng trưởng, đạt được nhiều kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2025. Kinh tế tiếp tục phát triển tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, công tác quy hoạch, hạ tầng có bước tiến rõ rệt. Đây là nền tảng quan trọng để Thủ đô bước vào 6 tháng cuối năm với quyết tâm cao độ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên trong năm 2025.

Cơ hội phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số toàn diện, việc sắp xếp địa giới hành chính sẽ tạo ra “không gian thể chế” và “hệ sinh thái quản trị” thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực vào năm 2030.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Chăm sóc sức khỏe đường ruột Việt Nam Nguyễn Tuấn Dương chia sẻ, việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ tạo ra môi trường hành chính minh bạch, hiệu quả hơn. “Chúng tôi tin tưởng, chính quyền địa phương 2 cấp sẽ mở ra thời kỳ, cơ hội phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp, mở rộng quy mô, tăng cường khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường lớn hơn. Trong giai đoạn phát triển mới, doanh nghiệp không chỉ là chủ thể kinh tế mà còn là lực lượng kiến tạo giá trị và lan tỏa tư duy đổi mới”, ông Nguyễn Tuấn Dương kỳ vọng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh nhận định, việc sắp xếp địa giới hành chính là bước đi mang tính căn cơ để đồng bộ hóa mô hình quản lý đô thị; đồng thời thúc đẩy quy hoạch đô thị theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng, giảm tình trạng manh mún trong đầu tư hạ tầng và dịch vụ công; tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận nguồn lực đầu tư công và tư nhân nhanh hơn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, logistics, khu công nghiệp, công nghệ cao.

Còn Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ có tác động rất lớn đối với đất nước, tạo ra cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế.

“Đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn hơn sẽ tạo dư địa lớn cho phát triển kinh tế, đầu tư, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các địa phương, có đủ hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường sông… Hơn nữa, chính quyền địa phương 2 cấp sát dân, gần dân hơn sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn lý giải.

Có thể thấy, việc thành phố Hà Nội đã và đang chủ động, quyết liệt trong triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là bước đi mạnh mẽ trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mà còn thể hiện khát vọng đổi mới để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/thuc-hien-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-dong-luc-moi-thuc-day-kinh-te-thu-do-phat-trien-707525.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm