Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiền Giang: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Tiền Giang đã triển khai Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025” và đã mang lại những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nông dân. TRÊN 15.000 HA THAM GIA DỰ ÁN

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang23/05/2025

Trước đây, sản xuất lúa tại Tiền Giang mang nặng tính truyền thống, phụ thuộc nhiều vào lao động thủ công và các yếu tố đầu vào như giống, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu gieo sạ còn rất thấp, người dân chủ yếu sử dụng phương pháp sạ lan dẫn đến lãng phí giống, tốn công và chi phí cao.

Hiện tại trên toàn tỉnh Tiền Giang, có tổng cộng 15.356 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa.
Hiện tại trên toàn tỉnh Tiền Giang, có tổng cộng 15.356 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa.

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng phân đạm, phun thuốc không theo khuyến cáo gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và chất lượng nông sản. Thu nhập của nông dân từ trồng lúa thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Sản xuất lúa còn chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, hạn - mặn và thiếu nước tưới. Trước những bất cập đó, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025” với mục tiêu đưa công nghệ cao vào canh tác lúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, dự án được triển khai tại 4 huyện trọng điểm: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông, với tổng diện tích đến năm 2025 là 15.356 ha; trong đó, diện tích nhân rộng đạt 14.544 ha (94,9% kế hoạch).

4 điểm trình diễn công nghệ cao được xây dựng từ năm 2020 với diện tích 40,7 ha, trang bị hệ thống máy cấy 3 trong 1, cảm biến điều khiển tưới nước tự động, sử dụng phân bón thông minh, giống lúa chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. 

Ngoài ra, dự án tập trung đào tạo kỹ thuật, tổ chức 743 lớp tập huấn và 28 lớp TOT/TOF cho cán bộ, nông dân nòng cốt; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hành tài liệu kỹ thuật, biển mô hình và tổ chức các cuộc tham quan thực tế. 

Sau 8 năm triển khai, dự án đã mang lại những kết quả ấn tượng. Năng suất lúa trung bình đạt 6,97 tấn/ha, tăng 0,36 tấn/ha so với ngoài mô hình và cao hơn năng suất trung bình toàn tỉnh trước năm 2018. Lợi nhuận trung bình đạt 27,15 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 15% so với sản xuất truyền thống nhờ giảm mạnh chi phí đầu vào.

Qua những kết quả đạt được trong giai đoạn đầu, các địa phương đã tiếp tục chủ động triển khai dự án trên địa bàn. Trong đó, huyện Cái Bè có quy mô thực hiện dự án 3.055 ha; trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện 600 ha, huyện 2.455 ha trong giai đoạn 2018 - 2022. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cái Bè, đến giai đoạn 2023 - 2025, huyện đã triển khai dự án cơ bản đạt 2.545,86 ha, vuợt 88,86 ha so với kế hoạch đề ra trên địa bàn các xã: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Trinh, Hậu Mỹ Phú, Mỹ Hội, Mỹ Trung, Thiện Trung, Mỹ Tân, Mỹ Lợi B với số tiền hỗ trợ trên 10 tỷ đồng. Hằng năm, huyện tổ chức hàng chục cuộc hội thảo cho nông dân với nội dung hướng dẫn áp dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân tham gia dự án thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

KHÔNG CHỈ HIỆU QUẢ VỀ KINH TẾ

Qua sự triển khai đồng bộ của các cấp, dự án đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể, dự án đã giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ 180 - 200 kg/ha xuống còn 100 - 120 kg/ha. Nông dân chuyển sang sử dụng phân chậm tan, giảm 30 - 40 kg đạm/ha; áp dụng IPM giúp giảm 2 - 3 lần phun thuốc/vụ; tiết kiệm 1 - 2 lần tưới nước nhờ tưới khô xen kẽ. 

Nhờ đó, giá thành sản xuất giảm, chất lượng gạo cao hơn, phù hợp thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Qua áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao, các diện tích lúa đạt chất lượng tốt được các doanh nghiệp bao tiêu và hỗ trợ về kỹ thuật cũng như đầu ra như ở Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy.  

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Thành Nam cho biết, từ năm 2020, các thành viên của HTX tham gia dự án. Đến năm 2021, HTX liên kết với Công ty ADC và được chứng nhận GlobalGAP. 

Giai đoạn 2021 - 2023, HTX được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp và Công ty ADC hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ với 50 ha đạt chuẩn vào năm 2024. Ở vụ đông xuân năm 2024, các thành viên của HTX tham gia dự án được bao tiêu đầu ra với giá 10.500 đồng/kg, cao hơn so với trước khi tham gia dự án nên nông dân rất phấn khởi.

Không chỉ hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất lúa công nghệ cao tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và tư duy sản xuất của nông dân, hình thành lực lượng nông dân kỹ thuật cao - yếu tố then chốt cho phát triển nông nghiệp hiện đại. 

Nhiều địa phương ngoài phạm vi dự án như TP. Gò Công, TX. Cai Lậy và huyện Châu Thành, đã chủ động nhân rộng mô hình với diện tích lên đến 2.120 ha. Dự án cũng tạo nền tảng để Tiền Giang triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp theo định hướng phát triển xanh của Chính phủ.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục lồng ghép nội dung của dự án với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo định hướng phát triển xanh nhằm đồng bộ về kỹ thuật, chính sách và nguồn lực. 

Cùng với đó, Sở tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất lớn; đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng mô hình trình diễn, tập huấn chuyên sâu cho nông dân và HTX. Công tác hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho nông dân tiếp tục được đẩy mạnh và khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ. 

Đặc biệt, Sở sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ số, cảm biến, tự động hóa trong tưới tiêu, quản lý dịch hại, dự báo thời tiết để nâng cao năng suất và giảm chi phí; đồng thời, rà soát quy hoạch vùng trồng lúa ổn định, hạn chế chuyển đổi tự phát sang cây trồng khác, đảm bảo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn và phát triển bền vững.

C. THẮNG

Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202505/tien-giang-hieu-qua-tu-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-san-xuat-lua-1043316/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm